Theo kết quả cuộc điều tra do Quỹ Dư luận xã hội Nga tiến hành tháng 10-2022, bất chấp vô số chiến dịch “tẩy não” ở thời hiện đại, cho đến nay, có tới 40% số người Nga được hỏi ý kiến vẫn coi ngày 7-11 như một ngày lễ kỷ niệm quốc gia. Tỷ lệ này ở những người đứng tuổi còn cao hơn thế nhiều... Và thực tế cho thấy ở thời hiện đại, những vận hạn mà nước Nga đang gặp phải càng khiến nhiều người dân Nga trở lại gần gụi hơn với những giá trị tinh thần đã được vun đắp từ thời Xô viết. Đó là ánh hồi quang ấm sáng sưởi ấm và soi tỏ hơn con đường phát triển của nước Nga hướng tới những giá trị nhân văn và nhân đạo cần thiết.
|
|
V.I. Lenin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, 7-11-1918. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Lịch sử không bao giờ có những phương án hoàn hảo và thực tế luôn chỉ là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn này hay giai đoạn khác. Chính vì thế nên khi xét đoán về quá khứ, cần tránh từ “nếu như” và các suy diễn chủ quan có thể phát sinh từ đó. Nhìn lại cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga trên cơ sở những kinh nghiệm đã tích lũy được, nhân loại hoàn toàn không có gì phải ân hận. Một thời đại mới đã thực sự được mở ra trên thế giới sau ngày 7-11-1917. Những mơ ước cháy bỏng về một hình thái xã hội công bằng, bác ái đã từng có cơ hội được trở thành hiện thực lớn hơn bao giờ hết.
Cái gì tồn tại thì đều có lý. Điều này đúng. Nhưng những cái không còn tồn tại nữa cũng không hẳn là đã không có lý. Suy nghĩ về Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga và sự thăng trầm, thịnh suy của quốc gia từng là hùng cường nhất nhì thế giới với cái tên Liên bang Xô viết, ngay ngày hôm nay vẫn có thể rút ra được nhiều bài học hữu ích cho tương lai. Đúng như những gì mà Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Gennady Zyuganov, đã viết tháng 11 năm nay trong thư chúc mừng gửi tới những người dân Nga còn mang nặng trong lòng tinh thần Tháng Mười Đỏ: “Ngày 7-11-1917, những loạt pháo bắn đi từ tàu Rạng Đông đã mở ra một thời đại mới. Một thời đại mà nhiều thế hệ người lao động Nga mơ ước, một thời đại mà họ đã nhẫn nại đấu tranh trong những tháng năm dài lâu. Cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới đã trở thành điểm xuất phát mới của lịch sử. Nó đã thay đổi hướng phát triển của nhân loại. Đã đặt ra sự mở đầu quá trình xây dựng một chế độ xã hội tiến bộ hơn...”.
Thực sự là trong phần lớn thế kỷ 20, nhân loại đã có chỗ dựa vững chắc để thực hiện hành trình hướng thiện. Những nguyên lý căn bản của xã hội Xô viết thực sự tốt đẹp và hấp dẫn, có thể khích lệ các tầng lớp nhân dân khác nhau cắn răng chịu đựng những gian khổ, khó khăn nhất thời vì một lẽ đời cao đẹp lâu dài trong tương lai. Tính ưu việt của chế độ XHCN trong thời hoàng kim của mình đã hiển hiện rất rõ nét và tạo nên nguồn cảm hứng lớn cho nhân loại trên con đường tìm kiếm một mô hình phát triển sạch sẽ và ít bị sốc như chủ nghĩa tư bản... Đáng tiếc là, quá trình phát triển của xã hội Xô viết tới những năm 60-70 của thế kỷ trước đã bị rơi vào chính cái bẫy của sự chủ quan và lạc đường trong lý luận. Đúng như có nhà bình luận đã viết, không phải ai từng vượt qua được những thử thách chết người của thời chiến cũng đủ bản lĩnh chống lại sức cám dỗ kiểu “đạn bọc đường” của thời bình. Ngay ở thời điểm giành được những thắng lợi giòn giã nhất trước chủ nghĩa tư bản, Lênin đã cảnh báo: “Sau thất bại nghiêm trọng đầu tiên, những kẻ bóc lột bị lật đổ, đã từng không ngờ tới việc mình bị lật đổ, đã từng không tin vào sự bị lật đổ của mình, đã không hề nghĩ tới việc đó, sẽ lại với nguồn năng lượng gia tăng gấp mười, với dục vọng điên cuồng, với lòng hận thù gia tăng gấp trăm lần, sẽ lại lao vào trận hòng giành lại “thiên đường” đã bị mất...”. Tiếc thay, những lời cảnh báo anh minh đó của lãnh tụ đã không được quán triệt đầy đủ ở những thế hệ tiếp nối.
Hào khí khởi nguồn từ năm 1917, đã không được duy trì đúng mức và đúng cách trong lòng xã hội Xô viết sau này và dần dà dẫn tới những hiện tượng tiêu cực không chỉ ở Liên Xô mà còn gây ra những dư chấn nguy hiểm đối với cả hệ thống XHCN thế giới. Và thế là Liên bang Xô viết đã tan rã với vô số hệ lụy mà cho tới nay, các quốc gia sống trong không gian Liên Xô trước đây vẫn không thể nào khắc phục được. Những mâu thuẫn và xung đột giữa các nước cộng hòa từng là anh em trong đội hình Xô viết đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, thổi lên thành những nguy cơ sinh tử khôn lường mà đỉnh cao đau đớn là những gì đang diễn ra giữa Liên bang Nga với Ukraine. Và rất đáng tiếc là quá trình này chưa thể đảo ngược được và vì thế, tiềm ẩn thêm những nguy cơ bùng nổ xung đột nữa trên vùng đất một thời đã là biểu tượng của tình anh em và đoàn kết quốc tế.
Năm nay, tại Moscow, vào đúng dịp này, Đảng Cộng sản Liên bang Nga cũng như nhiều tổ chức cánh tả khác, trong khuôn khổ cuộc gặp của các nghị sĩ với các cử tri vẫn tiến hành nhiều hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước kỷ niệm Cách mạng XHCN Tháng Mười, trong đó có một cuộc mít tinh quần chúng và lễ dâng hoa tại lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ. Cũng trong thư chúc mừng gửi tới những người dân Nga còn mang nặng trong lòng tinh thần Tháng Mười Đỏ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Zyuganov đã nhấn mạnh: “Tháng Mười vĩ đại không bị chìm vào quá khứ. Những lý tưởng của nó vẫn sống trong những người đang xây dựng một xã hội mới, công bằng... Những tư tưởng xã hội chủ nghĩa về tình đoàn kết và tình anh em gần gụi với những ai hôm nay không tiếc thân mình chiến đấu vì tự do của nhân dân lao động... Lịch sử bách thắng của Đảng do Lênin lãnh đạo tạo nên tinh thần lạc quan và trao cho hy vọng rằng lực lượng của cái thiện và tiến bộ sẽ giành được thế thượng phong...”. Như một người cộng sản kiên định, ông Zyuganov vẫn tiếp tục gìn giữ niềm tin rằng, “Nước Nga sẽ lại đi tới con đường sáng tạo-con đường của chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” và bày tỏ quyết tâm: “Chúng ta sẽ kiên trì kéo gần lại bình minh của một thế giới mới!”.
HỒNG THANH QUANG