Đây là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Mỹ trong gần 5 năm qua, cũng là chuyến thăm đáp lễ được chờ đợi sau khi một loạt quan chức hàng đầu của Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, đến Bắc Kinh hồi mùa hè vừa rồi. Trong bối cảnh quan hệ song phương trở nên căng thẳng vì cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường cũng như loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, chuyến đi của ông Vương Nghị được kỳ vọng có thể thúc đẩy lòng tin chính trị Mỹ-Trung ở cấp cao.

leftcenterrightdel

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp đón ông Vương Nghị tại Washington. Ảnh: AFP

Một thời gian sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động “cuộc chiến” thuế quan chống lại Trung Quốc, nhiều người hy vọng tình hình sẽ thay đổi khi ông Donald Trump rời nhiệm sở và tự do thương mại và đầu tư, cùng với tất cả các lợi ích của nó như lạm phát thấp và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, sẽ sớm quay trở lại. Thế nhưng, mọi thứ đã không diễn ra như vậy. Không những thế, người kế nhiệm ông Donald Trump là Tổng thống Joe Biden còn tung ra một kho "vũ khí thương mại" được cho là tinh vi hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và cấm đầu tư có mục tiêu.

Mới hôm 6-10 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ với lý do các công ty này hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quân sự và quốc phòng của Nga. Tiếp đó, ngày 17-10, Bộ Thương mại Mỹ quyết định nâng cấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng mà Mỹ công bố vào tháng 10 năm ngoái. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ bị cấm tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn với các công ty Trung Quốc mà không có giấy phép. Quan hệ thương mại giữa hai nước cũng ngày càng gặp nhiều rắc rối. Hệ quả là Mexico và Canada hiện đã thay thế Trung Quốc để trở thành các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. 

Một thập kỷ sau cái bắt tay thân thiện giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2013, sự gắn kết giữa Bắc Kinh và Washington chỉ còn là “một giấc chiêm bao”. Giờ đây, mỗi bên đều chỉ có một ý nghĩ: Những khó khăn của mình là do đối phương gây ra. Thay vì hóa giải các vấn đề của nhau, hai bên lao vào một cuộc đối đầu dai dẳng. Quan hệ Mỹ-Trung cứ thế leo thang”, cả trong lĩnh vực thương mại và kinh tế đến các hành vi khiêu khích về quân sự và ngoại giao.

Tuy nhiên, dù đối đầu nhưng chia tách hẳn hai nền kinh tế thì cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa dám nghĩ tới. Trong một bài giảng gần đây tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers lưu ý việc có được “đầu vào với chi phí thấp hơn” từ Trung Quốc đã giúp Mỹ kiềm chế lạm phát. Washington cũng hưởng lợi nhờ “chi phí vốn thấp hơn” từ dòng vốn đầu tư của Trung Quốc. Sự ràng buộc giữa hai bên là rất lớn. Chẳng hạn, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của các thương hiệu xa xỉ. Chỉ cần Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc hạn chế việc sử dụng các thương hiệu xa xỉ, các ngân hàng Trung Quốc yêu cầu nhân viên không mặc đồ hiệu đi làm là các hãng thời trang của Mỹ và phương Tây bị giáng đòn nặng. 

Kiềm tỏa, bao vây Trung Quốc cũng không phải là điều dễ dàng. Bất chấp những đòn triệt hạ từ phía Mỹ, tháng 9 vừa qua, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã khiến các đối thủ Mỹ giật mình khi cho ra mắt điện thoại thông minh cao cấp với chíp điện tử có kích cỡ 7 nano mét “100% Made in China”. Trong bối cảnh bị kiểm soát ngặt nghèo, Trung Quốc cho thấy vẫn đủ sức thu hẹp khoảng cách với Mỹ mà không cần linh kiện bán dẫn hay công nghệ, máy móc của Mỹ và các đồng minh.

Thậm chí hồi tháng 8, đáp trả các biện pháp hạn chế mặt hàng chip cao cấp của Mỹ, Trung Quốc đã “phản đòn” bằng việc ngừng xuất khẩu gallium và germanium, hai nguyên tố hiếm quan trọng dùng trong sản xuất thiết bị bán dẫn. Vì chiếm khoảng 80% sản lượng gallium và 60% sản lượng germanium toàn cầu, Trung Quốc đủ sức buộc Mỹ và phương Tây phải trả giá nếu tiếp tục gia tăng sức ép nhằm vào các công ty công nghệ của nước này.

Sự ràng buộc lợi ích buộc Washington và Bắc Kinh phải điều chỉnh để tránh quan hệ đổ vỡ hoàn toàn. Việc một loạt quan chức cấp cao Mỹ xuất hiện tại Bắc Kinh cũng như các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc với phía Mỹ bên lề các sự kiện quốc tế trong thời gian gần đây là tín hiệu cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ. Cuối tháng 8, hai bên còn nhất trí thiết lập các nhóm công tác kinh tế nhằm trao đổi những biện pháp tháo gỡ vướng mắc.

Đà cải thiện quan hệ Mỹ-Trung chắc sẽ thuận lợi hơn nếu như chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị có thể đưa đến các thỏa thuận cụ thể, nhất là khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới. Tất nhiên, tranh chấp mang tính cốt lõi giữa hai bên khó có thể được giải quyết thông qua một vài chuyến thăm. Nhưng sự khai mở từng bước tạo hy vọng cho phép Mỹ và Trung Quốc tìm lại niềm tin đã mất.

TƯỜNG LINH