Tuy nhiên, chỉ có 86/150 nghị sĩ đồng tình với việc này, trong khi con số cần thiết phải là 100. Một nghị sĩ đã bỏ phiếu chống. Mặc dù vậy, theo nhiều nhà quan sát, chính trường Gruzia có vẻ như vẫn phải đối mặt với những thay đổi quan trọng về định hướng phát triển trong tương lai. Mặc dù bà Zurabishvili vẫn tại vị, nhưng từ nay, có lẽ bà khó duy trì được ảnh hưởng của mình như một vị tổng thống của đa số người dân Gruzia.
Lý do dẫn tới việc Đảng Giấc mơ Gruzia yêu cầu phải bỏ phiếu bãi nhiệm chức vụ tổng thống của bà Zurabishvili là vì trong những chuyến công du ngoại quốc vừa qua, bà đã có những hành động theo chủ ý của riêng mình nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu giúp cho Gruzia có được vị thế của một ứng cử viên vào Liên minh châu Âu (EU). Mà đây lại chính là một trong những vấn đề chính yếu gây tranh cãi trong quan điểm giữa Đảng Giấc mơ Gruzia và bà tổng thống.
|
|
Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili. Ảnh: AFP
|
Bà Zurabishvili là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng thống ở Gruzia thời hậu Xô viết. Bà sinh ra, lớn lên ở Paris, từng làm việc nhiều năm cho Bộ Ngoại giao Pháp. Năm 2003, bà trở thành đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Pháp tại Gruzia. Tháng 3-2004, bà đã được vị thủ lĩnh “cách mạng hoa hồng” và Phong trào Dân tộc Thống nhất, Mikhail Saakashvili, sau khi giành được ghế tổng thống, mời làm Ngoại trưởng Gruzia (cũng phải nói thêm rằng ông Saakashvili hiện đang bị Chính phủ Gruzia cầm tù trong những điều kiện ngặt nghèo với vô số lời buộc tội nghiêm trọng). Những biến động với nhiều rối lẫn ở Gruzia thời hậu Xô viết đã tạo ra những lực lượng chính trị khác nhau về thành phần nhưng lại chung nhau về góc nhìn đối với nữ chính trị gia từ Paris về này và giúp cho bà, một ứng cử viên tuyên bố là độc lập, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Thậm chí, Đảng Giấc mơ Gruzia cũng đã ủng hộ bà Zurabishvili (một cách không công khai). Theo tiết lộ của đương kim Thủ tướng Gruzia, Irakli Garibashvili, thủ lĩnh của Đảng Giấc mơ Gruzia, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, chỉ số tín nhiệm của bà Zurabishvili không vượt qua 1% và chỉ nhờ những hậu thuẫn của Đảng Giấc mơ Gruzia thì bà mới có thể đắc cử.
Nữ tổng thống rất hiểu điều đó nên đã lựa chiều ứng xử để không gây nên những mâu thuẫn lớn trong quan điểm chính trị với Đảng Giấc mơ Gruzia. Tuy nhiên, dần dà, những sự sai khác trong quan điểm giữa đảng cầm quyền với nữ tổng thống ngày càng bộc lộ rõ. Trong các hoạt động trên chính trường, bà Zurabishvili thường xuyên đứng về phía các lực lượng đối lập, nhất là Phong trào Dân tộc Thống nhất. Quan điểm đối ngoại của bà cũng bộc lộ ngày một nhiều bất đồng với nội các, đặc biệt sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ở thời điểm đó, Thủ tướng Gruzia Garibashvili đã tuyên bố ngay rằng Tbilisi sẽ không áp đặt những biện pháp cấm vận đối với LB Nga “vì những tính toán thực tế”... Và thế là nữ tổng thống đã công khai lên tiếng phê phán chính phủ đương nhiệm “quá thận trọng” trong quan hệ với Moscow, thậm chí còn có những biểu hiện “xích lại gần” Điện Kremlin. Và bà Zurabishvili cũng đã lấy đó là lý do để công khai thúc đẩy hơn nữa chuyển động của Tbilisi về phía EU. Nữ Tổng thống Gruzia không nhận được sự đồng ý của chính phủ, đã tự mình thực hiện các chuyến công du tới EU (theo các luật sư của bà nói, bằng kinh phí không từ nguồn nhà nước!). Trong những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước EU, bà đã chuyển những thông điệp của cá nhân đến họ về việc cần phải mau chóng và tích cực hơn nữa giúp Gruzia trở thành ứng cử viên vào EU.
Thực tế cho thấy, xu hướng ngả về phương Tây quá rõ rệt và nhất quán của bà tổng thống đã mang lại không ít bất lợi cho Tbilisi trong ván cờ địa chính trị quốc tế trong khu vực và trên những bình diện rộng mở hơn... Nữ tổng thống đã rất năng nổ trong việc cổ xúy cho quá trình đưa Gruzia ngày một gắn bó chặt chẽ hơn với định hướng “ngả về Tây”. Trong khi đó, chính phủ đương nhiệm lại đang rất muốn làm chậm hoặc thậm chí là ngưng quá trình này. Giọt nước tràn ly là những chuyến công du sang Tây Âu gần đây của bà Zurabishvili không được sự đồng ý của nội các Gruzia. Trong khi đó, Điều 52 trong Hiến pháp Gruzia đã có quy định rằng tổng thống chỉ có quyền tiến hành các hoạt động đối với sự đồng ý của chính phủ. Chính vì thế, đảng cầm quyền đã buộc tội bà Zurabishvili trong các hoạt động đối ngoại vừa qua đã vi phạm lời thề trước hiến pháp.
Sau khi kết quả bỏ phiếu ở quốc hội được công bố, đại diện Đảng Giấc mơ Gruzia nói rằng, mặc dù không tước bỏ được quyền nguyên thủ của bà Zurabishvili nhưng họ vẫn tiếp tục coi bà không phải là thủ lĩnh quốc gia danh chính ngôn thuận nữa, mà chỉ là tổng thống của lực lượng đối lập chính ở Gruzia là Phong trào Dân tộc Thống nhất từ nay cho tới khi chính thức hết nhiệm kỳ. Thực chất, đảng cầm quyền đã thừa hiểu rằng trong thời điểm hiện tại, chưa nhất thiết phải hoặc chưa đủ sức để bãi nhiệm tổng thống, nhưng họ muốn đưa ra cho bà thấy những cảnh báo chính trị trong việc phân chia quyền lực ở Gruzia.
Hiển nhiên là ở EU, người ta sẽ không thích những gì đang diễn ra tại Tbilisi. Và chắc chắn những biến động trên chính trường Gruzia hiện nay sẽ khiến cho quá trình gia nhập EU của quốc gia này trở nên "gập ghềnh" hơn. Phe đối lập ở Tbilisi cũng nhân dịp này trở nên to tiếng hơn khi vạch ra những điểm còn tối trong đời sống quốc gia. Theo họ, Gruzia dường như đang là một đất nước với cái nhìn u ám về tương lai. Đại diện của Đảng Vì Gruzia đối lập trong quốc hội đã nêu ra những con số thống kê đáng lo ngại: “Gần 106.000 người Gruzia đã rời bỏ đất nước trong năm qua (2022). Trong số họ có tới 80-85% là thanh niên và những người ít hơn tuổi 40. Một phần trong số họ cố gắng ở lại đó vì những lý do chính trị, một số khác thì theo cách bất hợp pháp. Người ta rời bỏ quốc gia vì không nhìn thấy triển vọng...”.
Thế nhưng, ở vị thế địa chính trị như Gruzia, thận trọng trong cân bằng quan hệ Đông Tây là điều cực kỳ cần thiết để khỏi rơi vào tình cảnh “trên đe dưới búa”. Thực tế cho thấy, tiến hành những chính sách thù địch với nước Nga là điều cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa, Tbilisi hiện nay đang có không ít lựa chọn để có thể tạo dựng cho mình những mối quan hệ tích cực hơn với không chỉ các đối tác ở châu Âu hay với Mỹ. Mùa hè vừa qua, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Gruzia Garibashvili đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh với Tbilisi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc tế... Những cơn gió mới từ Caucasus có vẻ như đã thêm được những chiều thổi khác so với trước.
HỒNG THANH QUANG