Trung tuần tháng 9 vừa rồi, cả Ấn Độ và Canada đều ban hành lệnh trục xuất các nhà ngoại giao của hai bên. Tiếp đó, Ấn Độ quyết định dừng cấp thị thực du lịch cho công dân Canada với lý do mà New Dehli cáo buộc là “các mối đe dọa an ninh” với nhân viên ngoại giao Ấn Độ ở Canada. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cảnh báo người dân về “những tội ác xuất phát từ thái độ căm ghét và được dung túng về mặt chính trị” của Canada. Đáp lại, Ottawa tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn.
Sóng gió trong quan hệ Ấn Độ-Canada bắt đầu nổi lên sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trước quốc hội về khả năng có mối liên hệ giữa New Dehli với vụ sát hại nhân vật Hardeep Singh Nijjar, thủ lĩnh nổi tiếng của người Sikh Ấn Độ ở tỉnh British Columbia của Canada. Theo cảnh sát địa phương, Nijjar bị hai tay súng bịt mặt bắn chết trên xe tải của ông hôm 18-6 bên ngoài một ngôi đền Sikh giáo ở ngoại ô thành phố Vancouver, Canada.
Trong khi Canada chưa đưa ra những bằng chứng rõ ràng về vụ ám sát, thì Ấn Độ đã phản ứng mạnh. New Dehli cho rằng cáo buộc của Thủ tướng Trudeau là “vô lý” và có động cơ chính trị. Không những thế, Ấn Độ còn tỏ ra tức giận vì theo New Dehli, Ottawa che chở cho những kẻ ly khai theo đạo Sikh hoạt động mạnh ở Canada. Người Sikh là cộng đồng thiểu số với 20 triệu dân ở Ấn Độ đang có tư tưởng ly khai. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, bang Punjab của Ấn Độ, với 58% dân số theo Sikh giáo, từng rung chuyển vì bạo lực của phong trào ly khai đòi thành lập nhà nước độc lập Khalistan, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trong khi đó, Nijjar lại là người đi đầu trong nỗ lực thành lập nhà nước Khalistan và từng bị Chính phủ Ấn Độ coi là kẻ khủng bố.
Tranh cãi ngày càng gay gắt có nguy cơ “đầu độc” quan hệ Ấn Độ-Canada. Tuy nhiên, liệu đối đầu “New Dehli-Ottawa” có tiếp tục leo thang để biến thành cơn bão tàn phá quan hệ hai nước hay không thì ít người nghĩ tới. Dù lớn tiếng cáo buộc nhau nhưng tất cả đều chỉ dừng ở các hành động ngoại giao. Vấn đề là bởi lợi ích kinh tế quá lớn đang ràng buộc Ấn Độ và Canada. Nhờ phục hồi khá nhanh sau đại dịch Covid-19 và duy trì mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới, Ấn Độ được dự báo là có thể sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Tiềm lực tăng lên cùng hàng loạt thành tựu mới đây như thực hiện thành công chuyến đổ bộ lên Mặt trăng, cũng như thể hiện vai trò đầy tự tin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa rồi đã đặt Ấn Độ vào vị trí trung tâm của khu vực và thế giới.
Không phải ngẫu nhiên Ấn Độ được coi là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ và nhiều nước phương Tây đang tích cực triển khai. Bởi đây là nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc bảo đảm sự cân bằng quyền lực trong khu vực, vai trò của Ấn Độ là không thể thiếu, nhất là trong bối cảnh các nước lớn đều tìm cách tăng cường sự can dự. Trong khi Mỹ tìm cách nâng tầm quan hệ với Ấn Độ lên đối tác toàn cầu, tích cực lôi kéo New Dehli tăng cường tham gia vào hoạt động của nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, thì Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tích cực khai thác mối quan hệ Đối tác chiến lược Ấn Độ-EU, đồng thời thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ấn Độ.
|
|
Quan hệ ngoại giao giữa
Ấn Độ
và Canada đang trở nên căng thẳng. Ảnh: AP |
Điều đó giải thích vì sao dù đều tuyên bố quan ngại vụ sát hại ông Nijjar nhưng các đồng minh quan trọng nhất của Canada là Mỹ, Anh, Australia hay New Zealand đều chỉ dừng ở lời kêu gọi tiếp tục điều tra vụ việc mà không lên tiếng chỉ trích Ấn Độ. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đối tác Canada điều tra vụ ám sát, nhưng bổ sung thêm rằng mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ “vẫn cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với khu vực Nam Á mà còn đối với cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Còn người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak là ông Max Blain thì giải thích: “Đúng là chính quyền Canada nên xem xét chúng, nhưng vụ sát hại sẽ không xuất hiện trong các cuộc đàm phán thương mại Anh-Ấn Độ vì chúng tôi không muốn kết hợp đàm phán thương mại với các vấn đề khác”.
Ngay với Canada, nước này cũng rơi vào tình thế khó xử. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada đã khẳng định rõ: “Tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tương lai của chúng tôi”. Phát triển quan hệ với Ấn Độ được coi là nền tảng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Canada đang tích cực triển khai nhằm đa dạng hóa kinh tế và thương mại. Sau đổ vỡ quan hệ với Trung Quốc, Canada khó có thể để mất thêm một đối tác kinh tế quan trọng như Ấn Độ. Dù trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Canada đã phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng hiện vẫn ở mức khiêm tốn 8,16 tỷ USD trong năm 2022.
Trong bối cảnh đó, căng thẳng giữa Ấn Độ-Canada chắc chỉ dừng ở các trận khẩu chiến trên lĩnh vực ngoại giao, chứ khó có thể lan sang lĩnh vực kinh tế.
TƯỜNG LINH