Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không có mặt ở San Francisco lần này cũng đã được dư luận chú ý. Năm nay, nước chủ nhà đã không gửi giấy mời riêng chính thức cho lãnh đạo một số thành viên APEC, trong đó có LB Nga, với cái cớ là dựa trên những cấm vận và hạn chế của chính Hoa Kỳ.

Theo một số nhà quan sát, chiểu theo thông lệ thì giấy mời đó không phải là lý do bắt buộc để các nền kinh tế thành viên APEC, vốn có đầy đủ hệ thống quyền lợi và trách nhiệm trong diễn đàn, quyết định tham gia vào hoạt động của nó. Tuy nhiên, xét trên cơ sở hiện trạng mối quan hệ Nga-Mỹ và đồng thời cũng thể hiện mối quan tâm tới các quá trình trong hoạt động của APEC và bảo đảm mức độ cần thiết của sự tham gia từ phía Nga vào diễn đàn này, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra quyết định để Phó thủ tướng Nga Alexey Overchuk dẫn đầu phái đoàn Nga tới San Francisco.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: TTXVN

Với tư cách là một trung tâm tập hợp để hội tụ những ý tưởng hợp tác từ các quốc gia thành viên, APEC trong những năm qua đã thực hiện được nhiều việc có ý nghĩa chung. Năm nay, theo Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong phát biểu khai mạc phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với chủ đề “Bền vững, khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng” trưa 16-11, đây vẫn là dịp để trao đổi về những thách thức chung của khu vực và thế giới, thảo luận các sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác, cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động của hội nghị, đưa ra nhiều ý tưởng mang tính xây dựng cao, cũng như đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương bên lề hội nghị với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. 

Chiều 15-11, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với chủ đề “Phát triển bền vững và bao trùm”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội. Tự do thương mại và đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư”.

Nhìn chung, tại Tuần lễ cấp cao APEC 2023 đã diễn ra nhiều hoạt động giúp các nền kinh tế thành viên có thể tiếp cận với nhau gần gũi hơn, vượt qua các khác biệt và bất đồng đang hiện hữu. Tuyên bố chung được thông qua khi kết thúc hội nghị, theo nhận xét của chính Trưởng phái đoàn Nga Overchuk, đã thể hiện được tinh thần hiệp thương, trong đó có tính đến quan điểm của cả Moscow.

Mặc dù trong thực tế, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga hiện nay ở mức rất thấp, thậm chí có thể nói gần như về “mo” như nhận xét của người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nhưng cũng theo lời chính ông Overchuk, tại San Francisco, phái đoàn Nga đã được đối xử “một cách xứng đáng”...

Dẫu vậy, cũng phải nói rằng, không phải mọi sự ở San Francisco đều ổn thỏa. Theo một số nhà quan sát, hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2023 cũng đã bộc lộ xu hướng “chính trị hóa” diễn đàn quốc tế này. Dường như nước chủ nhà vẫn tiếp tục có những cố gắng xác lập và củng cố rõ nét hơn thế thượng phong của mình để cản trở quá trình rất khó cưỡng nổi hiện nay là tiến tới một thế giới đa cực, có nhiều cơ hội bình đẳng hơn cho các quốc gia khác nhau. 

Theo lời đại diện của LB Nga tại APEC, Marat Berdyev, hiện tượng trên đã bộc lộ qua một số khâu của công tác tổ chức từ phía nước chủ nhà, cũng như những cố gắng của người Mỹ trong ý muốn áp đặt đối với các nước thành viên khác những công thức có sẵn theo kiểu “đồng sàng dị mộng”, chỉ vì lợi ích của mình nhưng lại gây khó cho những người khác. Và dĩ nhiên, đây là nguyên nhân làm xuất hiện những tranh luận, phản biện từ đại diện các nền kinh tế thành viên khác của APEC, không chỉ trong chương trình hoạt động chung mà cả ở các cuộc gặp gỡ song phương giữa Tổng thống Mỹ với những nguyên thủ quốc gia khác.

Nhìn từ góc độ này, có thể khẳng định, một trong những sự kiện được chú ý nhất là cuộc gặp (lần thứ ba) giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-11. Ai cũng biết rằng hiện nay, Washington và Bắc Kinh là hai “ông đại” trong nền kinh tế thế giới: Hai quốc gia này cộng lại đang làm ra tới 40% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Nếu họ có thể tìm ra được phương thức để “cơm lành canh ngọt” với nhau thì đó cũng là một trong những “hồng phúc” đối với thế giới. Thế nhưng, thực tế đã diễn ra không hoàn toàn như vậy. Các thông báo ngoại giao đã được thực hiện rất chuẩn mực, đánh giá Hội nghị cấp cao lần thứ 30 của APEC là điểm khởi đầu mới cho sự bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Theo lời Tổng thống Biden, nhờ các cuộc thương lượng mà ông cùng với ông Tập Cận Bình đã đạt được “một bước tiến bộ quan trọng nào đó” trong quan hệ giữa hai nước. Ông Biden thông báo với giới truyền thông rằng, Washington và Bắc Kinh đã khởi động lại sự hợp tác trong cuộc đấu tranh chống buôn bán ma túy cũng như khôi phục lại các mối liên hệ quân sự trực tiếp. Hoa Kỳ coi việc không gây nên cuộc xung đột công khai với Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cùng với việc duy trì cạnh tranh chiến lược.

Ông Biden nhấn mạnh: Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tích cực cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ ứng xử một cách có trách nhiệm đối với sự cạnh tranh này để nó không bị biến thành một cuộc xung đột hay một cuộc đụng độ vô tình. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ là “một cuộc trao đổi ý kiến sâu sắc” về những vấn đề thời sự nhất, trong đó có cả về các cuộc xung đột ở Trung Đông và ở Ukraine. Theo ông, đã hình thành một kế hoạch phát triển bền vững quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, giữa hai bên hiện vẫn đang tồn tại khá nhiều bất đồng trong hàng loạt vấn đề quan trọng, như vậy sẽ khó có thể là tín hiệu tốt cho một quá trình phát triển mới khả quan hơn trong quan hệ giữa hai siêu cường. 

HỒNG THANH QUANG