Những kỷ lục liên tục bị phá vỡ

24 giờ sau khi đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tranh cử, các nhà tài trợ đã chi 81 triệu USD ủng hộ cho cuộc đua của đương kim Phó tổng thống Kamala Harris. Tổng cộng, theo USAfacts, trang chuyên theo dõi đóng góp và chi tiêu bầu cử Mỹ, từ tháng 1-2023 đến 4-2024, các chiến dịch tranh cử đã thu về 8,6 tỷ USD. Các nhà phân tích dự báo, cuộc đua tranh chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng diễn ra vào tháng 11-2024 rất có thể trở thành cuộc đua tốn kém nhất lịch sử.

Trong mỗi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, tiền luôn chiếm vai trò quan trọng cho việc các ứng cử viên quảng bá tên tuổi và hình ảnh khắp cả nước. Ước tính, số tiền tranh cử trong mỗi cuộc bầu cử mới đều lớn hơn so với trước đó và con số này đã tăng mạnh trong thế kỷ 21.

leftcenterrightdel
                  

 Dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris chiến thắng thì khả năng kỷ lục “đốt tiền” trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ bị phá. Ảnh: CBS

Năm 2000, ứng cử viên George W.Bush giành chiến thắng với “chi phí” suýt soát 200 triệu USD. Quy đổi theo thời giá hiện tại, con số này là khoảng 370 triệu USD. Đối thủ thua sít sao là ông Al Gore cũng đã chi hơn 200 triệu USD. Trong khi đó, tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi ra là 4,1 tỷ USD.

Ở cuộc bầu cử sau đó vào năm 2004, để duy trì nhiệm kỳ thứ hai, ông George W.Bush đã chi 345 triệu USD. Tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi là 5,5 tỷ USD. Ở thời điểm đó, đây là chiến dịch tranh cử tốn kém kỷ lục trong lịch sử. 

Thế nhưng, kỷ lục này chỉ tồn tại vỏn vẹn một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Ở chiến dịch tranh cử năm 2008, tổng số tiền mà ông Barack Obama chi cho bầu cử là 730 triệu USD, vượt xa ứng cử viên Đảng Cộng hòa John McCain-người chỉ chi 333 triệu USD. Tổng chi cho cuộc bầu cử này là 6,4 tỷ USD.

Cũng tương tự ông George W.Bush, để có thể tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng, trong cuộc bầu cử năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã phải “tăng chi”. Tổng cộng, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Obama đã tiêu tốn khoảng 1,14 tỷ USD. Trong khi, tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi cho cuộc bầu cử năm 2012 tiêu tốn 7,1 tỷ USD.

Tại chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ cần chi 450 triệu USD là đủ để chiến thắng. Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hilary Clinton đã chi 768 triệu USD. Thế nhưng, tổng chi phí mà Ủy ban Chính trị Liên bang và các ứng cử viên chi vẫn cao hơn năm 2012-khoảng 7,2 tỷ USD. Đây là lần hiếm hoi một ứng cử viên chi nhiều tiền hơn nhưng thất bại tại các cuộc bầu cử tổng thống.

Năm 2020, riêng cuộc đua vào Nhà Trắng tiêu tốn tới 6,6 tỷ USD. Cùng với đó là chi phí tranh cử vào Quốc hội Hoa Kỳ khoảng 7 tỷ USD. Tổng cộng, tổng chi phí bầu cử ở Mỹ năm 2020 lên tới gần 14 tỷ USD, “phá sâu” các kỷ lục trước đó.

Tiền đến từ đâu và tiêu thế nào?

Tại mỗi chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, nguồn quỹ tranh cử đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn tới sự thành-bại của các ứng cử viên. Vì thế, từ thập niên 1970, giới lập pháp Mỹ đã cố gắng thay đổi vai trò ngày càng quan trọng của tài chính trong các cuộc bầu cử. Một trong nhưng giải pháp được đưa ra là áp dụng một cơ chế có giới hạn về việc chính phủ liên bang cấp những khoản ngân sách hợp lý cho các ứng cử viên. Đổi lại, các ứng cử viên phải cam kết sẽ phát huy hiệu quả chi tiêu khoản ngân sách này.

Dù được “cho không” nhưng các ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống Mỹ đã quyết định không tham gia vào cơ chế này. Họ khẳng định, họ có thể huy động được nhiều tiền hơn so với mức mà chính phủ đưa ra. Trong cuộc đua tới chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ, các ứng cử viên có rất nhiều cách quyên tiền vận động tranh cử, như nguồn tài chính từ cá nhân, gia đình, được tài trợ một khoản từ quỹ bầu cử, huy động tài chính từ các nhóm lợi ích, các ủy ban hành động chính trị, gây quỹ tranh cử từ nguồn tiền ủng hộ của các tỷ phú, các tập đoàn và cả các cử tri đơn lẻ... Trong số đó, các nhóm lợi ích là quan trọng nhất, là các nhà tài trợ chính thức cho chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên tổng thống. Các nhà tài trợ này nắm trong tay rất nhiều quyền lực, đôi khi có thể tạo dựng hoặc phá vỡ sự nghiệp chính trị của một ứng cử viên. Đặc biệt, các nhà tài trợ lớn có thể tài trợ cho chiến dịch tranh cử của cả hai đảng, hai ứng cử viên đối lập. Lý do, họ muốn “giữ quan hệ”, không muốn làm mất lòng một đảng hay một ứng cử viên nào. Để khi cuộc bầu cử kết thúc, dù ai là người giành chiến thắng thì các nhà tài trợ lớn vẫn là người được lợi, bởi mối quan hệ giữa các đảng, các ứng cử viên với các nhóm lợi ích được xem là mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Với nguồn kinh phí khổng lồ huy động được, các chiến dịch bầu cử tổng thống Hoa Kỳ luôn được coi là những chiến dịch “đốt tiền”. Trong đó, chi phí cho truyền thông thường chiếm khoảng 40% tổng số tiền huy động. Khoản chi lớn thứ hai là dành cho tư vấn-khoảng 13-14%. Các khoản chi lớn còn lại bao gồm: Thư quảng cáo trực tiếp, di chuyển, trả lương cho đội ngũ tham gia chiến dịch tranh cử...

Tiền có thể không phải là tất cả nhưng chắc chắn, ở thời điểm này, nếu không có tiền, không thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Tại mỗi kỳ bầu cử, khả năng vận động tài trợ được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của các ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Vì thế, tại cuộc đua năm nay, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi kỷ lục “đốt tiền” sẽ lại được thiết lập!

TRẦN LONG