Động thái này là bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn kéo dài nhiều năm qua. Lâu nay, thâm hụt thương mại cùng việc Trung Quốc giành chiếm thị trường Mỹ khiến Washington luôn ám ảnh điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả là Bắc Kinh đang “ăn bữa trưa của chúng ta” về mặt kinh tế.
Lời than phiền này không phải không có cơ sở. Theo con số thống kê, trong năm 2023, Mỹ nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu được 148 tỷ USD sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trên quy mô toàn cầu, Trung Quốc hiện sản xuất 1/3 lượng hàng hóa của thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden theo dõi khi ông phát biểu tại Westwood Park YMCA ở Nashua, New Hampshire, Mỹ (Ảnh: Reuters)
|
Không chỉ còn thống trị trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công như thập niên 1980, Trung Quốc giờ đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ của tương lai như xe điện, pin mặt trời, chất bán dẫn... Gần một thập kỷ trước, Trung Quốc đã khởi động một chương trình đầy tham vọng mang tên “Made in China 2025” với mục tiêu thay thế hàng nhập khẩu chính trong 10 ngành sản xuất tiên tiến bằng các sản phẩm nội địa.
Hệ quả là chỉ trong vòng 4 năm từ 2019 đến 2023, xuất khẩu pin lithium-ion của Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 13 tỷ USD lên 65 tỷ USD, trong đó gần 2/3 là xuất đến châu Âu và Bắc Mỹ. Từ năm 2008 đến 2012, công suất sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc tăng gấp 10 lần, khiến giá sản phẩm này trên thế giới giảm tới 75%, các nhà máy ở Mỹ và châu Âu thi nhau đóng cửa. Hiện tại, dù có rất ít xe điện Trung Quốc được bán tại Mỹ nhưng với việc hãng BYD của Trung Quốc đã vượt Tesla trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, triển vọng các mẫu xe điện Trung Quốc giá rẻ có thể tràn ngập thị trường Mỹ bất cứ lúc nào.
Khoảng cách thương mại tồn tại trong nhiều thập kỷ đã trở thành chủ đề nhạy cảm hơn bao giờ hết ở Washington. Trong bối cảnh đó, hàng rào thuế quan được hy vọng sẽ là công cụ để ngăn “cơn lũ” hàng hóa Trung Quốc tràn vào. Việc ông Joe Biden quyết định áp đặt mức thuế mới với hàng Trung Quốc chính là một phần trong hàng loạt biện pháp phòng thủ mới nhất như kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư và bảo mật dữ liệu mà Mỹ đưa ra.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quyết định của ông Joe Biden là vì mục đích tranh cử hơn là tháo bỏ thách thức về kinh tế với nước Mỹ. Thực tế là ngày càng có nhiều áp lực chính trị đòi ông Joe Biden phải chứng tỏ mình có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đã cận kề, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đối thủ của ông là cựu Tổng thống Donald Trump đang vượt lên dẫn trước. Với việc tung ra khẩu hiệu bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng trong nước, ông Joe Biden hy vọng có thể lấy lòng cử tri, đặc biệt là ở các bang chiến địa, vốn được coi là sẽ quyết định cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng như: Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Những bang này là thủ phủ của ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ hiện đang bị Trung Quốc cạnh tranh.
Theo các đối thủ chính trị của ông Joe Biden, biện pháp mà ông đưa ra không có gì mới so với chính sách của người tiền nhiệm. Trong quá khứ, với danh hiệu “người đàn ông thuế”, ông Donald Trump đã áp đặt mức thuế mới với 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù chỉ trích chính sách của ông Donald Trump không hiệu quả nhưng thực chất, ông Joe Biden vẫn giữ nguyên danh mục thuế mà ông Donald Trump đưa ra, chỉ bổ sung thuế ở các lĩnh vực mà ông cho rằng có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ như năng lượng sạch và chất bán dẫn. Vì thế, mức thuế này sẽ ít tác dụng vì chỉ tác động tới 18 tỷ USD hàng hóa, một con số quá nhỏ so với tổng lượng hàng nhập khẩu lên tới hàng trăm tỷ USD của Mỹ từ Trung Quốc.
Bàn về động cơ trong chính sách thuế mới của ông Joe Biden, Karoline Leavitt-Thư ký báo chí chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cho rằng, mức thuế mới là một “nỗ lực yếu đuối và vô ích” của ông Joe Biden nhằm đánh lạc hướng sự ủng hộ của dư luận. Còn ông Eswar Prasad-cựu Giám đốc của Cục Công nghiệp Trung Quốc thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì than phiền: “Trò chơi có tổng bằng 0 trong chính sách công nghiệp mà cả hai nước đang tham gia, cùng với mùa bầu cử Mỹ đang đến gần, đã đạt đến đỉnh điểm tất yếu dưới hình thức tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Thêm vào đó, Trung Quốc lại có không ít công cụ để phản đòn. Hãng xe điện Tesla của Mỹ hiện đang làm ăn hiệu quả ở Trung Quốc với doanh số bán ra trong quý I-2024 là gần 387.000 xe, vượt xa so với số xe điện Trung Quốc xuất sang Mỹ. Để trả đũa, Bắc Kinh có thể bằng cách tăng thuế với xe điện của Mỹ. Mới đây, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn yêu cầu các cơ quan nhà nước loại bỏ máy tính cá nhân chạy chip Intel, AMD và hệ điều hành Windows của Microsoft, cũng như phần mềm và cơ sở dữ liệu do nước ngoài sản xuất để thay thế bằng các lựa chọn trong nước.
Tranh cãi trên chính trường Mỹ xung quanh canh bạc bảo hộ có động cơ chính trị mùa bầu cử đang làm cuộc thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng trở lại.
TƯỜNG LINH