Lâu nay, mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Washington và Tel Aviv được mô tả bằng câu nói “Đụng đến Israel là đụng đến Mỹ”. Thực tế, Mỹ luôn phản đối bất cứ sáng kiến ngừng bắn nào ở dải Gaza với lý do điều này sẽ tạo cơ hội cho Hamas có thời gian củng cố lực lượng và mở tiếp các cuộc tấn công vào Israel. Mỹ cũng chính là chỗ dựa về tài chính và vũ khí quan trọng với Israel trong cuộc đối đầu với Hamas và các nhóm vũ trang thân Iran ở Trung Đông.

Chính vì thế, quyết định của Mỹ khiến Israel bất ngờ và phản ứng gay gắt. Tel Aviv ngay lập tức hủy chuyến thăm tới Washington của phái đoàn cấp cao theo kế hoạch trước đó. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì cáo buộc Mỹ chối bỏ “quan điểm trên nguyên tắc” khi cho phép bỏ phiếu thông qua nghị quyết của HĐBA mà không đặt điều kiện ngừng bắn đổi lấy việc thả các con tin do Hamas bắt giữ. 

leftcenterrightdel

Chiến trường xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas.  Ảnh: Reuters.

 

Đây có thể coi là va chạm công khai mạnh nhất giữa Mỹ và Israel kể từ khi xung đột ở dải Gaza khởi phát. Thực tế thì Mỹ đang rơi vào tình thế khó xử trước thảm họa nhân đạo ở dải Gaza. Theo con số thống kê, kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 32.000 người Palestine đã thiệt mạng, gần 75.000 người bị thương, cả triệu người phải đi lánh nạn. Tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra nhân chuyến thăm đến dải Gaza, Tổng thư ký LHQ Guterres đã phải thốt lên: “Tình trạng ở khu vực này là sự vi phạm đạo đức trắng trợn” không thể chấp nhận được. Đã thế, Israel còn lên kế hoạch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah nằm sát biên giới với Ai Cập, nơi mà dòng người tị nạn đang tràn tới. 

Là Ủy viên thường trực HĐBA, Mỹ không thể phớt lờ tâm lý bất bình của dư luận thế giới trước việc xung đột ở dải Gaza tiếp tục leo thang, không thể làm ngơ trước thảm cảnh của người dân Palestine. Bỏ phiếu trắng để HĐBA có thể thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở dải Gaza, Washington phần nào giảm bớt được sự chỉ trích của dư luận cả trong và ngoài nước. Nhưng liệu động thái trên có phải là bước ngoặt trong chính sách của Washington với Tel Aviv? Liệu đây có phải là cú chuyển hướng trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel?

Đúng là có những bất đồng giữa Washington và Tel Aviv về kế hoạch tấn công quy mô lớn của Israel vào Rafah, đúng là Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tỏ ra khó chịu với thái độ cứng rắn của Thủ tướng Israel Netanyahu, người kiên quyết từ chối giải pháp hai nhà nước, đồng thời khuyến khích việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái trên vùng đất của người Palestine. Nhưng để khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel đã “chạm đáy” sau lá phiếu trắng của Washington thì còn quá sớm. 

Vấn đề là bởi dù gây khó khăn cho Tel Aviv nhưng trên thực tế, nghị quyết của HĐBA lại chẳng thể tác động nhiều tới Israel. Nghịch lý là sau khi nghị quyết được thông qua, các quan chức Mỹ đã lập tức khẳng định văn bản này “không mang tính ràng buộc”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield, rồi Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia John Kirby thi nhau tìm các khía cạnh pháp lý để diễn giải nghị quyết mà dư luận đang đặt nhiều hy vọng là chỉ mang tính khuyến nghị.

Sự phi lý trong tuyên bố của các quan chức cao cấp Mỹ khiến Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phải thốt lên: “Nếu đúng như vậy thì các cuộc thảo luận của chúng tôi tại phòng này chẳng có ý nghĩa gì cả. Một trong những thành viên thường trực của HĐBA về cơ bản đã tuyên bố công khai rằng họ không chấp nhận điều lệ của tổ chức chúng tôi”. Còn theo ông Louis Charbonneau, Giám đốc Tổ chức theo dõi nhân quyền của LHQ, quan điểm của Mỹ “có nguy cơ khiến các quốc gia thành viên khác ít có khả năng tuân thủ bộ luật chung hơn”, khởi đầu cho sự rạn nứt bên trong tổ chức quốc tế này.

Nghị quyết của HĐBA cũng khó có thể tạo ra sự khác biệt đối với cuộc sống của hàng triệu người Palestine bị mắc kẹt ở dải Gaza vì có rất ít cách để thực thi. Hiện Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz đã công khai tuyên bố Israel sẽ không tuân thủ nghị quyết và tiếp tục chiến dịch truy quét Hamas ở dải Gaza. Nếu như không buộc được Israel phải ngừng bắn và mở các tuyến đường cứu trợ vào dải Gaza, thảm cảnh nhân đạo sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh với người dân Palestine.

Và điều quan trọng nhất là lá phiếu trắng của Mỹ không đồng nghĩa với việc Washington sẽ ngừng chuyển giao các loại vũ khí mà Israel đang sử dụng trong chiến dịch quân sự của mình. Đây mới chính là phép thử thực sự về lập trường của Mỹ với Israel trong vấn đề Trung Đông. Bàn về vấn đề này, ông Kenney-Shawa, chuyên gia về chính sách Mỹ tại tổ chức tư vấn Al-Shabaka, tỏ ra chua chát: “Chính quyền Mỹ đang thực hiện những gì họ coi là các biện pháp công khai cần thiết để khiến họ có vẻ như đang làm mọi thứ có thể để ngăn ngọn lửa chiến tranh của Israel, trong khi trên thực tế, họ đang tạo điều kiện cho Israel không ngừng nghỉ”.

Sóng gió trong quan hệ đồng minh Mỹ-Israel sẽ sớm qua đi. Chỉ có tương lai của người Palestine thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

TƯỜNG LINH