Theo ông chủ đương nhiệm của Điện Elysee, châu Âu nếu muốn được yên ổn trong tương lai thì cần phải sẵn sàng tham chiến ngay trong hiện tại. Và có vẻ như ông Macron đã không chỉ nói suông dù ông luôn khẳng định rằng nước Pháp không muốn xuất hiện những kịch bản tồi tệ nhất trong các cuộc xung đột quân sự ở châu Âu. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng dường như Paris đã đưa một số đơn vị quân đội sang lãnh thổ Ukraine.

Tình hình này càng khiến cho các lãnh đạo quân sự Pháp phải quan tâm hơn đến việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng của mình. Trong bài báo viết cho tờ Le Monde mới đây vào trung tuần tháng 3, Tham mưu trưởng lục quân Pháp, tướng Pierre Schill đã nhấn mạnh rằng, các lực lượng vũ trang Pháp đang chuẩn bị để sẵn sàng tham gia vào các cuộc xung đột căng thẳng nhất. Theo ông, đối với Paris, nhiệm vụ chính yếu hiện nay là gia tăng sức mạnh quân sự để có thể “thay đổi những xu hướng hiện hữu”. Tướng Schill viết: “Những cuộc xung đột hiện nay buộc chúng ta phải xem lại cách hình dung về quân số. Đã qua rồi thời mà chỉ cần với 300 lính cũng có thể thay đổi bước tiến của lịch sử. Đã không còn “những cuộc chiến tranh nhỏ”, vì việc tiếp cận một số kỹ nghệ tiên tiến đã trở nên dân chủ hơn...”. Tướng Schill minh họa cho nhận định này bằng chiến sự đang diễn ra ở vùng Biển Đỏ, khi những đơn vị gần như là dân quân tự vệ của phong trào Houthis cũng có thể đưa vào trận những loại tên lửa chống tàu biển hiện đại bậc nhất thế giới.

leftcenterrightdel

 Binh sĩ Pháp tham gia diễn tập ở Djibouti tháng 1-2022. Ảnh: US Army

 

Trong quan niệm của tướng Schill, nước Pháp hiện nay đang có nhiều ưu thế quan trọng khi nói tới cán cân lực lượng và những hình thức tác chiến mới: “Nhờ vị trí địa lý và sự phồn vinh của Liên minh châu Âu, không một đối thủ nào đe dọa được ranh giới cương thổ của nó. Những thách thức đối với chủ quyền của các vùng lãnh thổ hải ngoại của nước Cộng hòa Pháp vẫn chỉ ở mức không đáng kể. Sức mạnh của lực lượng răn đe hạt nhân của nước Pháp bảo vệ được các lợi ích sống còn của nó”. 

Tuy nhiên, tướng Schill cũng phải công nhận rằng, cũng như tất cả các quốc gia khác, một cường quốc như Pháp trong điều kiện hiện nay không thể tự vỗ ngực bất khả xâm phạm trước sự căng thẳng đang xuất hiện trên thế giới. Bởi lẽ: Nước Pháp có những cam kết ở bên ngoài. Nước Pháp có những lợi ích và vùng lãnh thổ ở từng khu vực địa lý. Paris hiện vẫn bị ràng buộc bằng những thỏa thuận quốc phòng với không chỉ một quốc gia mà các quốc gia này hiện đang phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng. Tham mưu trưởng lục quân Pháp cũng đã nhắc lại câu danh ngôn cổ kính “Si vis pacem, para bellum” mà đương kim Tổng thống Pháp yêu thích, để lý giải cho việc quân đội Pháp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực sự tăng thêm cơ bắp một cách mạnh mẽ, nhằm đối phó hữu hiệu với bất cứ một nhiệm vụ quân sự nặng nề nào.

Tuy nhiên, tướng có cần nhưng quân chưa vội. Tâm trạng của những người lính trong quân đội Pháp cũng như trong không chỉ một nước thành viên NATO hiện nay không hẳn đã thích ứng được với những gì mà cấp trên đang rất cần ở họ. Đang xuất hiện tình trạng các quân nhân Pháp “bỏ của chạy lấy người” và đua nhau xin xuất ngũ. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu vào trung tuần tháng 3 này đã phải công bố một kế hoạch nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Theo ông Lecornu, đây là tình trạng chung của “các quốc gia dân chủ với những đội quân nhà nghề và không bắt buộc thực hiện chế độ quân dịch”. Ví dụ như ở Anh hay ở Mỹ... Trong quân đội Đức chẳng hạn, cũng vào đầu tháng 3, Quốc hội nước này đã nhận được báo cáo thường niên cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023 đã có tới 1.537 quân nhân Đức xin xuất ngũ, làm quân số nước này giảm xuống chỉ còn 181.514 người. Tại Anh, con số thiếu hụt quân nhân là khoảng 1.100 người (tương đương với hai tiểu đoàn bộ binh), bất chấp việc chính phủ đã ký hợp đồng tuyển quân với công ty tư nhân Capita.

Việc thiếu hụt quân số diễn ra ở châu Âu không chỉ vì những điều kiện tài chính hay các chế độ đãi ngộ. Người Pháp hiện đã có kế hoạch tăng lương hưu cho các cựu quân nhân tùy thuộc theo số năm đã phục vụ trong quân ngũ. Việc tăng lương cho quân nhân tại ngũ cũng đang được xem xét. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của việc ngày càng có nhiều người Pháp không muốn phục vụ lâu dài trong quân ngũ lại chính ở điều kiện đặc thù của cuộc sống nhà binh.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu cũng cho biết thêm, nếu trước đây, trong các cuộc gặp chuyên ngành trong khuôn khổ NATO, các lãnh đạo quốc phòng các nước thành viên thường thảo luận về việc cung cấp vũ khí thì hiện nay, họ còn phải nói cả về việc làm sao để giữ các quân nhân của mình yên tâm tiếp tục ở lại trong quân ngũ.

HỒNG THANH QUANG