Tại kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc, tức Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) cũng như trong các phát biểu gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những thành tựu cùng định hướng “phát triển chất lượng cao” đã được nhấn mạnh nhiều lần. Đây có thể coi là định hướng chiến lược nhằm mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của Trung Quốc, hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước hiện đại trên mọi phương diện, đồng thời cân bằng giữa phát triển và an ninh.
|
|
Trung Quốc tổ chức họp báo ngày 3-3 về kỳ họp lưỡng hội. Ảnh: Xinhua |
Trong hàng thập kỷ qua kể từ khi cải cách, mở cửa, những cú bứt tốc thần kỳ với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) luôn ở mức 2 con số đã đưa Trung Quốc lần lượt vượt qua Anh, Đức, Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Giờ đây, nói về Trung Quốc, người ta không chỉ nhắc tới danh hiệu “công xưởng thế giới”, mà là cường quốc công nghệ hàng đầu với những thành tựu nổi bật như đưa người lên vũ trụ, xây dựng trạm không gian Thiên Cung, phóng tàu thăm dò vũ trụ lên bề mặt Sao Hỏa, hoàn thành hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài gần 38.000km...
Thế nhưng, những năm gần đây, khi các “thành phố ma” với hàng triệu căn hộ xây dựng xong nhưng không có người đến ở nở rộ, các chủ đầu tư bất động sản nợ nần chồng chất và môi trường quốc tế đầy thách thức, Trung Quốc nhận ra rằng việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP chóng mặt như trong nhiều thập niên qua là không thể. Những “cơn gió ngược” như thị trường bất động sản suy yếu, đầu tư tư nhân sụt giảm, ô nhiễm môi trường... bắt đầu tràn tới. Thêm vào đó, không phải ai cũng được hưởng sự thịnh vượng, không ít người đã “bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Giai đoạn tăng trưởng cao dựa trên mô hình phát triển theo chiều rộng đã tiến đến điểm “nút thắt cổ chai”, tỏ ra không bền vững, đòi hỏi phải có những thay đổi. Trong bối cảnh đó, định hướng “phát triển chất lượng cao”, ưu tiên phát triển về “chất” thay vì “lượng” ra đời chính là lời giải cho bài toán mà thời đại mới đặt ra với Trung Quốc. Đây là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ giai đoạn tăng trưởng cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, trong đó đẩy mạnh sáng tạo, đầu tư xanh, nền kinh tế kỹ thuật số, đổi mới công nghệ trở thành động lực mới giúp nền kinh tế Trung Quốc tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nền tảng cho cuộc chuyển đổi “phát triển chất lượng cao” là việc thúc đẩy “lực lượng sản xuất chất lượng mới”. Theo đó, Trung Quốc sẽ ngừng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản vốn là động lực của giai đoạn tăng trưởng cao trong nhiều thập niên vừa qua. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp điện tử, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm từng giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” cũng sẽ không còn đóng vai trò quan trọng. Thay vào đó, những đột phá về khoa học-công nghệ mới là thứ mà Trung Quốc tập trung đầu tư.
Trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang ở vùng Đông Bắc Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên liệt kê “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” là những ngành công nghiệp cần trở thành lực lượng sản xuất mới. Đi vào thực tế, những định hướng trên được cụ thể hóa trong các lĩnh vực mà Trung Quốc đang có ưu thế như ô tô điện, tấm pin mặt trời và pin. Năm 2023, hãng xe BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla của Mỹ để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện cũng thống trị thế giới về sản xuất module năng lượng mặt trời khi nắm giữ 80% công suất sản xuất trên thế giới.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt, Trung Quốc xác định tự lực và củng cố sức mạnh về khoa học và công nghệ là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “phát triển chất lượng cao”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các ngành công nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu, hỗ trợ các nhà khoa học hàng đầu đi tiên phong trong nghiên cứu để tạo ra những đột phá khoa học và công nghệ, bảo đảm sự tự chủ trong các lĩnh vực khoa học quan trọng và then chốt. Nước này cũng nỗ lực xây dựng các trung tâm đổi mới khoa học và công nghệ có ảnh hưởng toàn cầu và đi sâu cải cách hệ thống khoa học và công nghệ quốc gia.
Còn quá sớm để đánh giá thành quả của thời đại mới “phát triển chất lượng cao”, bởi việc thay đổi mô hình phát triển mới diễn ra chưa đầy một thập kỷ. Nhưng với tầm vóc của mình, “phát triển chất lượng cao” có thể coi là cuộc chuyển đổi lịch sử bởi nó quyết định tương lai của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới trong cuộc tranh đua toàn cầu.
TƯỜNG LINH