Lụt lút cả làng. Hạn hán hay các thảm họa thiên nhiên cũng thế. Những lời cảnh báo tương tự từng vang lên ở nhiều khu vực trên thế giới. Tại châu Phi chẳng hạn, không ít chuyên gia đã cho rằng, những sự thay đổi khí hậu có thể liên quan trực tiếp tới việc gia tăng bạo lực và xung đột ở “lục địa đen”. Tuy nhiên, tới thời điểm này thì không chỉ khu vực đang phát triển hay kém phát triển mới phải lo lắng tới các hệ lụy của biến đổi khí hâu (BĐKH). Đầu tháng 3 này, châu Âu cũng đã phải thét lên lời kêu cứu về những nguy cơ tiềm ẩn của thảm họa do BĐKH, trong đó đặc biệt là nạn hạn hán nhỡn tiền đã diễn ra từ không chỉ một năm nay. Như thông tin được công bố ngày 7-3 trên Politico, một cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ, các số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, ở thời điểm hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa sẵn sàng để khắc phục những hậu quả của nạn hạn hán cũng như nhiều hệ lụy khác của thảm họa do BĐKH. Theo cơ quan hành pháp cao nhất của EU, tình trạng thiếu nước đang đe dọa đến mọi mặt trong đời sống ở châu Âu, từ những nhu cầu sinh hoạt cá nhân của con người tới nhu cầu của công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và thậm chí cả công tác phòng cháy, chữa cháy: “Những mạo hiểm này có thể bộc lộ ở các hình thức khác nhau. Trong đó... có sự cạnh tranh để giành giật những nguồn tài nguyên nước dành cho những lĩnh vực và những mục đích khác nhau, cũng như có nguy cơ xuất hiện xung đột trong và giữa các quốc gia thành viên vì những tài nguyên nước lưu chuyển...”. 

leftcenterrightdel

 Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông giảm xuống thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho kinh tế châu Âu. Ảnh: AP

 

EC cũng đã dẫn ra nội dung của báo cáo chính thức đầu tiên trong lịch sử “Đánh giá của châu Âu về những mạo hiểm khí hậu”, một hình thức của bản báo cáo tổng thể của Cơ quan châu Âu về môi trường. Theo đó, những thảm họa thiên nhiên đang xuất hiện ngày một nhiều hơn như lũ lụt hay hạn hán chỉ là một trong vô số những nguy cơ khí hậu mà “lục địa già” đang vấp  phải. Trong báo cáo đồng bộ của Cơ quan châu Âu về môi trường đã thống kê được tới 36 mạo hiểm chính đối với châu Âu, trong đó có những mạo hiểm đã đạt tới mức độ thảm họa “cần ngay lập tức có các biện pháp đáp trả”. Theo EC, EU cần phải sẵn sàng ứng phó với những thảm họa thiên tai mới như hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa, nóng bức dẫn tới chết chóc, hư hỏng hạ tầng và những thay đổi hệ thống về môi trường xung quanh. 

Cũng theo EC, mỗi năm, các trận lụt ở những khu vực ven biển đã khiến EU thiệt hại tới 1,6 nghìn tỷ euro. Từ năm 1980 tới nay, hạn hán và lũ lụt đã làm châu Âu bị thiệt hại hơn gấp 9 lần và khoảng 170 tỷ euro mỗi năm. Chính vì thế, việc phải xây dựng và thực hiện ngay lập tức các biện pháp đồng bộ và có hiệu quả để chống lại những hệ lụy của BĐKH là việc không thể gác lại thêm nữa đối với EU.

      Politico đã dẫn ra một số ví dụ nhỡn tiền về câu chuyện này. Tại Tây Ban Nha chẳng hạn, khu vực Catalan vì phải chịu nạn hạn hán nghiêm trọng nên đang cố gắng vận động chính phủ trung ương chuyển dòng chảy của con sông từ Aragon, khiến xuất hiện tình trạng chính trị căng thẳng trong khu vực. Còn tại Pháp, một số khu vực đã phải ngừng hoạt động đối với các đường ống dẫn nước chỉ đơn giản vì không có nguồn nước sạch. Và trong năm qua, ở Pháp, các kế hoạch xây dựng những hồ chứa nước mới đã làm bùng nổ các cuộc đụng độ mang tính bạo lực... Tại Đức đang ngày càng nảy sinh nhiều vụ tranh chấp phải đưa ra tòa phán quyết về quyền sở hữu những nguồn nước-trong 20 năm qua, số những vụ việc như thế đã gia tăng gấp đôi!

Và thật đáng lo ngại là ở thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng của EU vẫn chưa xây dựng được các kế hoạch cụ thể để đấu tranh với những nguy cơ rất lớn trên. Chính sách “xanh” đang gây ra những phản ứng tiêu cực ở nhiều nước châu Âu. EC vì thế muốn đưa ra những lý lẽ có tính thuyết phục để “lục địa già” có thể nâng cao sự bền vững của mình trước những nguy cơ BĐKH. EC cho rằng, theo các số liệu mang tính bảo thủ, sự xấu đi về khí hậu có thể dẫn tới suy giảm sản xuất ở châu Âu từ nay cho đến năm 2100 tới 7%! Các chuyên gia từ EC nhấn mạnh: “Sự bền vững trước BĐKH, đó là vấn đề năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, các công ty và tiếp theo, của các chỗ làm. Còn đối với những vùng ven biển, các chủ nông trang, nhân công trong lĩnh vực lâm nghiệp và các ngư dân, đó chính là chuyện sống còn về kinh tế”. Và cả về chính trị nữa... Không ngẫu nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, trong chương trình vận động tranh cử đang diễn ra ở “lục địa già” năm nay, câu chuyện về ứng phó với BĐKH sao cho “cừu no mà cỏ vẫn nguyên” sẽ càng được các cử tri quan tâm hơn nữa và có thể trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của các ứng cử viên đang muốn giành lấy những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành các nước EU.

HỒNG THANH QUANG