Sự đổ vỡ của các cấu trúc an ninh khu vực
Khi cuộc tấn công đẫm máu của lực lượng Hamas vào Israel xảy ra, kéo theo các đòn trả đũa của Israel khiến thảm kịch Gaza bùng phát với hàng nghìn người Palestine thiệt mạng cùng cuộc khủng hoảng nhân đạo tuyệt vọng, người ta mới thấy rõ hơn về sự cần thiết của việc tái cấu trúc khu vực Trung Đông.
Mới chỉ trước đó vài ngày, nhiều người còn tràn đầy hy vọng khi hai đối thủ Israel và Saudi Arabia chuẩn bị ký thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ. Công thức của Hiệp định Abraham do Mỹ thiết kế tưởng như đã trở thành phép màu có thể hóa giải hận thù giữa Israel và các nước Arab, biến những cựu thù trở thành đối tác trong một khu vực mà xung đột và đối đầu luôn hiện hữu.
|
|
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel ở dải Gaza. Ảnh: The New York Times |
Thế nhưng, chỉ sau một đêm chìm trong bóng tối bạo lực ở dải Gaza, người ta mới giật mình khi thấy rằng, không khí hân hoan với những cái bắt tay ngoại giao không xóa đi một thực tế rằng đã hơn nửa thế kỷ qua, cái gốc dẫn đến bất ổn ở Trung Đông vẫn còn đó. Dải Gaza vẫn nằm trong sự phong tỏa của Israel mà như báo chí mô tả là như “một nhà tù lộ thiên”, khu Bờ Tây cũng vẫn do Israel kiểm soát. Rồi cứ sau mỗi cuộc chiến tranh ở Trung Đông, vùng đất dành cho người Palestine theo quyết định của Liên hợp quốc năm 1947 lại càng hẹp lại. Bao quanh cuộc sống của người Palestine vẫn là bạo lực, tước đoạt và mất nhân tính.
Những cuộc chiến đẫm máu dai dẳng đã đẩy cảm xúc của hai bên đối đầu tới cực điểm với những cơn giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng và khát khao báo thù, buộc người ta phải đi tìm lời giải từ cái gốc của vấn đề. Bàn cờ địa-chính trị Trung Đông sẽ phải thay đổi, nhưng điểm khởi đầu của quá trình này sẽ không phải là sự kiện Đại sứ quán Israel được khai trương ở Riyadh sau cái bắt tay giữa Israel và Saudi Arabia, mà là khởi động lại các cuộc tranh luận về tính khả thi của giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Sự thật có phần nghiệt ngã nhưng khó có thể phủ nhận là Israel không thể tham vọng biến mình thành “ốc đảo thanh bình” giữa một Trung Đông bất ổn.
Giống như Trung Đông, châu Âu cũng đang đối mặt với thách thức đi tìm một cấu trúc an ninh mới cho khu vực sau sự bùng nổ của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Warszawa-liên minh quân sự giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu giải thể, châu Âu đứng trước cơ hội kết thúc kỷ nguyên đối đầu và chia rẽ. Thế nhưng, trái với mong đợi, Nga và châu Âu lại luôn gặp khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ an ninh với nhau bởi toan tính định hình một trật tự mới thông qua việc mở rộng khối quân sự NATO, vốn là sản phẩm của trật tự lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh.
Chẳng những không muốn dung nạp Nga vào hệ thống an ninh châu Âu, phương Tây còn không mấy quan tâm đến mối lo của Nga trước động thái “Đông tiến” của NATO. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, NATO liên tục gia tăng số thành viên và nay đã lên tới con số 30. Từng bước, NATO dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang Đông và Nam Âu, hình thành vòng vây bao quanh nước Nga. Hệ quả là mâu thuẫn dồn nén không được hóa giải trong thời gian dài đã bục phát ra tại Ukraine, khiến quan hệ Nga-phương Tây hoàn toàn sụp đổ. Cuộc thử nghiệm mô hình an ninh châu Âu sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc với cái giá rất đắt là cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chưa biết cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu nhưng sự bùng phát của nó là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải có một cấu trúc an ninh mới để bảo đảm hòa bình và ổn định cho châu Âu. Dù muốn hay không thì châu Âu cũng phải thừa nhận rằng, Nga sẽ vẫn là láng giềng mà châu Âu không thể lựa chọn và không thể né tránh. Không có sự tham gia của Nga, sẽ không thể có một cấu trúc an ninh châu Âu ổn định. Không thể mơ hồ rằng một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu sẽ được sắp đặt bởi kịch bản của phương Tây và mặc nhiên cho rằng Nga sẽ phải nhượng bộ.
Từ “sân nhỏ rào cao” tới “bức tường thành” công nghệ
Không có tiếng súng, không có máu đổ như các cuộc xung đột vũ trang nhưng những “cuộc chiến” trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ cũng gay cấn không kém và là một phần trong việc định hình trật tự thế giới mới. Có một nghịch lý là trong khi các nền kinh tế trên thế giới ngày càng gắn kết, phụ thuộc chặt chẽ với nhau thì thương mại, tài chính, công nghệ hay năng lượng lại càng trở thành những công cụ, nếu không muốn nói là một loại vũ khí để mặc cả, bắt chẹt hay kiềm tỏa sức mạnh của đối phương. Các mối hiềm khích, thù nghịch cứ tích tụ dần rồi bùng phát thành các “cuộc chiến” tranh giành vai trò siêu cường, mà “cuộc chiến” công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Tháng 8-2022, Quốc hội Mỹ nổ phát súng đầu tiên khi thông qua Đạo luật khoa học và chip, trợ cấp hơn 52 tỷ USD cho nghiên cứu và sản xuất chip trong nước. Mục tiêu của đạo luật nhằm ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ xây dựng cơ sở sản xuất tại Trung Quốc và cung cấp thiết bị mà Trung Quốc có thể sử dụng để sản xuất chip tiên tiến. Ngay sau khi đạo luật được công bố, Mỹ áp đặt các hạn chế lớn chưa từng có đối với hoạt động xuất khẩu liên quan đến chip sang Trung Quốc, đồng thời tiếp tục bổ sung vào danh sách đen thương mại các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.
Chưa dừng ở đó, một năm sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại ký tiếp sắc lệnh hành pháp, cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: Chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trước đó, Mỹ thuyết phục nhưng thực chất là gây sức ép với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, những đối tác đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn, để thành lập “Liên minh chip 4” nhằm tạo ra một “chuỗi đảo phong tỏa công nghệ” loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Ngăn chặn Trung Quốc giành ưu thế trong lĩnh vực công nghệ cao trở thành yêu cầu cấp bách và chiến thuật của Mỹ là từ “sân nhỏ rào cao” tiến đến dựng “bức tường thành” công nghệ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ hiện đại của Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc giờ cũng không còn ở “chiếu dưới” so với Mỹ. Đầu tháng 3-2023, Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) đã công bố nghiên cứu về lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng và công nghệ sinh học, trong đó cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu ở 37 trong số 44 lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi, như pin điện, mạng không dây 5G và sản xuất nano. Không những thế, sau thời gian dài giữ thế thủ, Trung Quốc đã bắt đầu phản công bằng quyết định hạn chế xuất khẩu hai kim loại quý hiếm gali và germani vốn đặc biệt quan trọng với công nghệ bán dẫn mà nước này kiểm soát phần lớn nguồn cung của thế giới. Cú phản đòn này chắc chắn sẽ gây cho Mỹ nhiều rắc rối, buộc Washington phải tính đến việc tìm các nguồn cung hiếm hoi từ các đối tác khác.
“Bức tường thành” công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang “cao” hơn bao giờ hết. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang lao vào một cuộc đối đầu giành quyền áp đặt luật chơi với thế giới. Đó là cuộc đọ sức về công nghệ mang tính chiến lược. Chiến tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ Mỹ-Trung đã hiện rõ.
TƯỜNG LINH