Trước hết phải kể đến Ukraine, nơi quân đội Nga đang tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Đây được coi là xung đột quân sự nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945. Thực tế cho thấy, dù được phương Tây hỗ trợ rất lớn nhưng chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky xem ra càng ngày càng hụt hơi trước thế thượng phong về nhiều mặt của Moscow.

Đã xuất hiện những dấu hiệu có vẻ như một số nước NATO sẽ bắt buộc bằng cách này hay cách khác liên đới nhiều hơn vào chiến sự ở Ukraine và điều này tiềm ẩn nguy cơ “cháy thành vạ lây” đối với chính họ. Và điều đó không có lợi cho bất cứ ai không muốn để xuất hiện những lý do dẫn tới một thế chiến mới. Càng ngày càng chín muồi hơn nhận thức rằng, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng nên tìm ra cách kết thúc bằng đàm phán để có được hòa bình. Cuối tháng 12-2023, nhiều phương tiện truyền thông ở phương Tây đưa tin, Moscow thông qua những người trung gian tiết lộ rằng Nga đã sẵn sàng để tiến hành các cuộc thương lượng về vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, trong những phát biểu mới nhất trên truyền thông, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tiếp tục khẳng định rằng chính quyền đương nhiệm Ukraine do Tổng thống Volodymyr Zelensky đứng đầu không có ý chí tiến tới hòa bình. Cũng theo ông Lavrov, phương Tây đã thất bại trong việc sử dụng các biện pháp cấm vận khốc liệt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và phân hủy xã hội Nga. Ông Lavrov cho rằng, ngược lại, phương Tây càng quyết sống mái với Nga bằng các biện pháp cấm vận thì người Nga càng sát cánh bên nhau chặt chẽ hơn và càng tìm ra nhiều giải pháp để vươn lên và phát triển.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, theo báo Mỹ Politico, ngày 28-12-2023, ngay cả Nhà trắng cũng đang có vẻ như muốn bí mật chuyển mức độ ủng hộ của Mỹ trong vấn đề Ukraine từ chỗ quyết thắng sang tìm kiếm cơ hội phòng thủ và khả năng tiến hành đàm phán với Điện Kremlin để chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt. Điều này có nghĩa là Kiev phải chấp nhận nhượng một phần lãnh thổ của mình cho Moscow để đổi lấy cơ hội được yên ổn. Trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bắt đầu đề cập tới khả năng đẩy nhanh tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine như tạo cảnh huống tốt nhất cho Kiev khi bắt đầu bước vào các cuộc đàm phán với Moscow...

Tuy nhiên, đang ngày một nhiều hơn các quốc gia châu Âu đã hiểu ra rằng, càng hỗ trợ Ukraine về an ninh trong cuộc đối đầu với Nga thì càng có thể khiến nền an ninh chung ở châu Âu dễ bị tổn thương hơn. Không ngẫu nhiên mà hiện có tới 6 nước châu Âu, bao gồm Áo, Hungary, Malta, Ba Lan, Slovakia và Croatia từ chối ký tên vào tuyên bố chung bảo đảm an ninh cho Ukraine. Thái độ này đã được công khai ngày 22-12-2023 trong quá trình người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, Andrey Ermak, tiến hành thảo luận với đại diện 32 nước và EU về những bảo đảm an ninh cho Ukraine. Trong cuộc họp đó, chỉ có 4 nước là Pháp, Italy, Đức và Anh chuyển các dự thảo thỏa thuận của mình cho phía Kiev.

Điểm nóng có ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ hai tới toàn cầu hiện nay là dải Gaza, nơi quân đội Israel đang tiếp tục truy sát lực lượng Hamas. Cũng theo báo Mỹ Politico, cuộc chiến ở dải Gaza hiện nay chính là thông điệp ghê rợn gửi tới tất cả thế giới về việc những cơ chế từng có thể bảo vệ hòa bình trong thời gian qua đã trở nên lỗi thời. Dường như sau sự kiện này, thế giới đã bước vào một giai đoạn mới, khi chiến tranh thôi là “những con thiên nga đen” 10 năm mạt vận một lần mà đã trở thành thảm họa thường nhật trong quan hệ giữa các quốc gia ở những vùng địa chính trị chứa đầy mâu thuẫn lịch sử như Trung Đông và không chỉ ở Trung Đông. 

Trong thực tế, còn có nhiều địa điểm khác mà tình hình chính trị đang chứa đựng những hạt nổ nguy hiểm. Thí dụ ở Nagornyi-Karabakh với mâu thuẫn giữa Armenia với Azerbaijan. Tình hình ở biên giới Kosovo với Serbia cũng vẫn đang bất ổn, trong khi ngay nội bộ Serbia, lực lượng đối lập với sự tiếp tay của một số nước phương Tây, cũng đang tiếp tục những mưu toan gây rối nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm. Nhìn ra xa hơn, có thể thấy trên “lục địa Đen” từ Gabon tới Niger cũng đang tiếp tục những hệ lụy do đảo chính quân sự và mâu thuẫn của các nhà lãnh đạo chính trị địa phương với sức ép từ phương Tây... 

Mọi sự đang trở nên nguy hiểm hơn khi sự đối đầu giữa một số trung tâm quyền lực lớn trên thế giới vẫn tiếp tục được duy trì lúc kín, lúc hở và luôn có thể dẫn tới bùng nổ thêm những điểm đụng độ vũ trang, bất chấp những phát ngôn mang tính ngoại giao của các thủ lĩnh các trung tâm đó.

Chiến tranh, tất nhiên chưa bao giờ là trò đùa cả, nhưng ở thời điểm hiện nay, dường như xung đột quân sự đang là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với nhiều nơi trên thế giới. Và vì thế, càng khiến cho khát vọng hòa bình trở nên cấp thiết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

HỒNG THANH QUANG