Những góc nhìn mới về đề tài chiến tranh

Vở kịch múa đương đại “Hoàng hôn” gồm 3 phần: Hy vọng, Tình yêu, Ánh mắt hoàng hôn, xoay quanh câu chuyện về những cặp đôi phải tạm chia ly vì chiến tranh. Đó là khi người đàn ông lên đường ra trận, trải qua những hy sinh, khốc liệt trên chiến trường. Cùng với đó là cuộc sống, nỗi niềm của những người vợ, người yêu nơi hậu phương. Tất cả được các nghệ sĩ múa đặc tả bằng ngôn ngữ hình thể, chạm vào cảm xúc của nhiều thế hệ khán giả hôm nay... 

Theo tác giả kịch bản - nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng: “Hoàng hôn” làm theo hướng Dance Theater, bao gồm múa, kịch, thị giác, hát và âm thanh. Nguồn cảm hứng để hai nghệ sĩ anh em Phúc Hùng, Phúc Hải sáng tác vở diễn là từ những câu chuyện thời chiến tranh của chính bố mẹ mình - những anh Bộ đội Cụ Hồ một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”. Xem “Hoàng hôn”, có thể nhận thấy khát khao của đội ngũ biên kịch, biên đạo và những nghệ sĩ múa. Họ muốn đem đến cho công chúng những góc nhìn mới về nghệ thuật múa khi làm các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ. Không minh họa, kể lể mà tập trung nhiều vào những lát cắt cuộc sống đầy cảm xúc để làm bật chủ đề. “Tác phẩm khai thác về những câu chuyện, những giai đoạn khác nhau của chiến tranh nhưng sẽ không cố tái hiện sự tàn khốc của nó, mà chủ yếu đi sâu vào những bức chân dung, những câu chuyện. Không phải phản ánh trực diện về chiến tranh mà là cách chiến tranh đã diễn ra như thế nào. Chiến tranh không có nghĩa chỉ nói đến những nỗi đau, mà thay vào đó, chúng tôi muốn kể những câu chuyện đằng sau những cuộc chiến”, tác giả kịch bản chia sẻ.

Quả thật, “Hoàng hôn” không tái hiện chiến tranh bằng sự tàn khốc của bom rơi đạn xé trên chiến trường mà tập trung vào những diễn biến tâm trạng, những câu chuyện, cảm xúc bên trong tâm hồn mỗi người-cả hậu phương và tiền tuyến. Tình yêu người ra trận mang theo, “hai chữ thương, một chữ chờ”, người ở lại gìn giữ suốt những đêm khuya “một canh giờ dài hơn thế kỷ”. Những cảm xúc nhớ nhung, sự giày vò trong xa cách, trong nỗi đau người ở lại được những nghệ sĩ múa trẻ kể bằng ngôn ngữ hình thể, bằng sự cống hiến trên sân khấu, đã chạm vào trái tim khán giả...

Kịch múa đương đại “Hoàng hôn” được công diễn trong thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm của bộ phận đông công chúng. Đề tài chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ được kể bằng ngôn ngữ múa đương đại đầy mới mẻ, bằng chính những người trẻ sinh sống ở thành phố sôi động nhất cả nước. Những điểm nhấn xúc động mạnh mẽ về tình yêu, lòng chung thủy và sự chờ đợi được thể hiện qua thủ pháp nghệ thuật sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ.

Từng được tham gia trải nghiệm “về nguồn”, đến với Trường Sơn, Quảng Trị, những địa danh địa đạo Vịnh Mốc, Đường 9, Thành Cổ, Khe Sanh... nổi tiếng khốc liệt trong chiến tranh, biên đạo, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng chia sẻ: “Tôi là người yêu lịch sử, thích tìm hiểu, nên dù không chứng kiến, không từng trải vẫn có thể đồng cảm với những câu chuyện mình đã đọc, với những người mẹ, người chị đã đi qua chiến tranh. Khi là một diễn viên múa chuyên nghiệp biểu diễn trong một vở diễn, không quá khó để những nghệ sĩ trẻ nhập vai. Chỉ cần hiểu chủ đề câu chuyện, mỗi nghệ sĩ sẽ có cách sống với nhân vật của mình”.

Sùng A Lùng cho biết, anh hạnh phúc khi được giao cho cả nhiệm vụ biểu diễn và biên đạo. Hạnh phúc nhất là được sẻ chia câu chuyện và nỗi niềm của những người trở về từ chiến trận theo cách riêng của những nghệ sĩ trẻ hôm nay, đầy trân trọng, yêu thương. “Có thể là chưa đủ, nhưng chúng tôi đã cố gắng làm tốt nhất. Và tôi tự cảm thấy hạnh phúc khi nhìn lại thành quả chúng tôi đã cùng nhau tạo dựng”, anh nói.

“Hoàng hôn” là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ khám phá và thể hiện những ý tưởng mới mẻ, độc đáo riêng của mình trong nghệ thuật múa. Họ cùng lên ý tưởng, cùng thử nghiệm và phối hợp để thực hiện những ý tưởng đó. Họ cũng trực tiếp biểu diễn để chuyển tải những ngôn ngữ, ý đồ nghệ thuật của mình tới khán giả”, nghệ sĩ Phúc Hùng đã tin tưởng và ông đã đúng khi đánh giá về những người trẻ kể chuyện chiến tranh bằng ngôn ngữ hình thể, âm nhạc.

NSƯT Lê Thiện tâm sự, bà lặng đi rất lâu sau khi vở diễn kết thúc. Xúc động vì các nghệ sĩ trẻ đã dẫn dắt thành công cảm xúc của một nghệ sĩ lớn tuổi từng đi qua chiến tranh, từng múa hát giữa chiến trường như bà-đó có lẽ là một điều rất khó. Hơn nữa, cách các em kể về chiến tranh thật mới nhưng rất thuyết phục vì sự cháy hết mình trên sân khấu mà khán giả có thể dễ dàng cảm nhận được. “Tôi có cảm giác như được chiêm ngưỡng những bông hoa đẹp lạ và lâu lắm mới có những rung động như vậy”, nghệ sĩ Lê Thiện nói.

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở “Hoàng hôn”. Ảnh do HBSO cung cấp 

Dấu ấn và thông điệp nghệ thuật

Bên cạnh điều khá đặc biệt trong vở diễn lần này-sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ trong vai trò vừa biên đạo, vừa trực tiếp trình diễn, điều gây ấn tượng mạnh là sự xuất hiện những màn hát live của ca sĩ Duyên Nguyệt và Phạm Trang trong các bối cảnh đặc biệt tạo nên những nút thắt, mở đầy kịch tính trên sân khấu. Giọng ca tenor Phạm Trang dẫn dắt khán giả vào vở múa bằng ca khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, ca khúc mà ông viết trong sự khắc khoải gửi về người vợ nơi phương xa, khi quê hương đang chia cắt: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba”... và mở ra sau đó là những cánh thư tình thời chiến tiếp nối vào mạch cảm xúc của ca khúc tạo thêm điểm nhấn dẫn cảm xúc vào màn trình diễn của nghệ sĩ múa. Hay khi giọng soprano Duyên Nguyệt cất lên “Khúc mùa thu” (ca khúc của Phú Quang, phổ thơ Hồng Thanh Quang): “Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”... Đó là cách giãi bày sự cô đơn, sự đớn đau của người hậu phương trong những đêm trường “một canh giờ dài hơn thế kỷ”, soi gương đối thoại với chính mình.

Vở múa được nhạc sĩ Việt Anh-người nổi tiếng với nhiều bản tình ca cho giới trẻ, có nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài viết nhạc. Đây cũng là một lựa chọn phù hợp với một vở múa đương đại-thể loại vẫn còn khá mới mẻ, giúp tác phẩm đến gần hơn với những khán giả trẻ. Phần kết của vở diễn "Ánh mắt hoàng hôn", có tên khá lạ. Nghệ sĩ Phúc Hùng chia sẻ: "Ánh mắt hoàng hôn là góc nhìn của đạo diễn liên tưởng đến cả mạch diễn của vở. Đối với đạo diễn, hoàng hôn là lúc mọi đợi chờ, hy vọng sẽ và luôn có thể trở thành hiện thực chứ không phải hoàng hôn là dấu chấm hết của mọi sự hy vọng".

Có khá nhiều “nhân vật đặc biệt” bất ngờ đẩy cảm xúc của khán giả đến những xúc cảm mới mẻ: Những tấm gương xuất hiện trong hầu hết các phần như một “nhân chứng” không thể giấu giếm, chiếc áo bộ đội mà người yêu ôm suốt những canh dài, những khung hình di ảnh lúc mang gương mặt thanh xuân, lúc không có hình ảnh khắc họa như nỗi đau có tên lẫn không tên trên khắp chiến trường, những lá thư tay chuyền đi lời yêu thương... Có thể thấy sự dụng công của đạo diễn, của tác giả từ những chi tiết mang tính biểu tượng. Hoàng hôn khép màn, những dấu ấn, xúc cảm mà vở múa đương đại này gửi vào lòng khán giả sẽ khó mờ phai.

Câu chuyện của "Hoàng hôn" một lần nữa khẳng định, chiến tranh cách mạng và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn là đề tài hấp dẫn của văn học nghệ thuật và là tâm huyết sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ trẻ. Khi người trẻ kể chuyện chiến tranh với những góc nhìn nhân văn của xã hội đương đại và tâm huyết, trách nhiệm với sứ mệnh bảo tồn, phát huy lịch sử văn hóa dân tộc, cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, động viên, khích lệ từ công chúng.

“Hoàng hôn” được công diễn trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh vào tháng 9-2023 và vừa được vinh danh với giải A - Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đợt 1, giai đoạn 2020-2025. 

Nhà văn KHÔI NGUYÊN THẢO