Chuyện ở hẻm... "miễn phí"
Trên đường Phan Đình Phùng, có một con hẻm rất đặc biệt, nổi bật với một loạt thứ đề chữ "miễn phí": Bình nước, tủ thuốc, vá xe và thậm chí cả... đám tang nữa. Chủ nhân của những thứ miễn phí này là ông Đỗ Văn Út (60 tuổi), tên thường gọi là Việt. Khi nghe chúng tôi hỏi cơ duyên nào đưa ông đến với những công việc này, ông cười và nói rằng, đó là do cuộc đời đưa đẩy thôi. “Hồi những năm 90, mình làm nghề sửa xe, rồi mình thấy ai khó khăn, khuyết tật đi ngang qua thì mình gọi lại bơm giúp cho họ cái bánh xe, thủng săm thì mình vá rồi tặng luôn cho họ cái săm mới”. Lý do chỉ đơn giản là vì họ phải đi dưới nắng dưới mưa, bán được 10 tờ vé số mới có được 10 ngàn đồng, ông không nỡ lấy tiền của họ.
Hồi đầu, trong xóm có ai mất thì ông chạy vào phụ giăng bạt, mua áo tang, rồi làm cái đơn xác nhận hoàn cảnh để xin tài trợ, gọi điện xin áo quan từ thiện để lo cho họ được an nghỉ chu toàn. “Làm vài lần rồi có một trại áo quan ở Gò Vấp biết chuyện, bảo mình khi nào cần thì cứ gọi để họ cho, không cần thủ tục gì hết”. Đó là nguồn gốc của tấm biển “Trợ táng và tặng áo quan miễn phí cho những gia đình khó khăn” được ông treo ở ngay đầu hẻm.
Đến năm 2012, có người tặng ông một cái bình đựng nước bằng inox. Vậy là ông bắt đầu làm bình nước miễn phí. Cùng năm đó, ông cũng làm một cái tủ thuốc từ thiện có đủ loại thuốc chữa cảm cúm, đau bụng, giảm đau, bông băng, thuốc sát trùng... Đây là “phao cứu sinh” cho biết bao bà con khó khăn những lúc trái gió trở trời hoặc gặp nạn bất ngờ.
Ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi để ý đến những chai nước, bình đựng nước được xếp ngay ngắn ở góc nhà. Nhẩm đếm có đến 12 bình loại 5 lít đựng trà đá, nước lọc, chưa kể những chai đã hết nước và một số chai nhỏ loại 500ml. Ông chia sẻ rằng, cứ mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, ông đun nước pha trà, rồi 4 giờ sáng dậy chắt nước ra, khoảng 5 giờ 30 phút thì bắt đầu khiêng mấy bình nước để ở lề đường. Chốc chốc, ông lại đứng lên thêm trà, thêm đá. “Trời nắng nóng như vậy, người ta cần nước lắm con. Mình làm được bao nhiêu thì làm”, ông nói.
Trong một buổi sáng, chúng tôi không đếm hết được lượt người đi đường dừng lại bên những bình trà đá ấy. Họ là bác lao công, chị quét rác, anh tài xế xe ôm công nghệ, người giúp việc, công nhân buổi tan ca, người đi đường... Và có cả các cô, cậu sinh viên, học sinh buổi tan trường. Nước đấy. Ly đây. Ai cần cứ uống. Một ngụm nước mát làm dịu cơn khát, làm mát cái nắng nóng, oi bức, ồn ã. Có người còn rót thêm một chai đem theo giải khát trên con đường mưu sinh nhọc nhằn. Uống riết thành quen, có những người ghiền luôn hương trà của ông Việt, hôm nào không có lại thấy thèm. Những chiếc bình trà đá ấy có mặt ở đây đã hơn 10 năm, mà nhìn nó vẫn sáng bóng như mới. Vậy mới hiểu, ông làm công việc bình dị ấy một cách thật tâm, đáng trân quý đến mức nào. Chứng kiến việc làm của ông, ngồi nghe ông tâm sự chuyện đời, chúng tôi cứ thấy rưng rưng...
|
|
Tô mì 0 đồng trong khuôn viên nhà thờ Mạc Ty Nho. |
Phố đêm ấm tình người
Khi đang dạo quanh các con phố sầm uất tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, chúng tôi bị cuốn hút bởi tấm bảng hiệu của một hàng ăn bên đường: “Bạn chưa ăn tối, mà trong túi còn ít tiền! Đừng lo, mời bạn đến với Nhà thờ Mạc Ty Nho dùng tô mì 0 đồng nhé!”. Đó chính là những câu chữ ấm áp trên biển hiệu của một quán mì tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1.
Khoảng 20 giờ, trong khuôn viên nhà thờ Mạc Ty Nho ngập tràn hương thơm từ những tô mì, tiếng cười nói vui vẻ của những người đến dùng bữa và nhân viên quán mì. Hỏi thăm mới biết, nhân viên ở đây đều là giáo dân đến phụ giúp với tinh thần sẻ chia, tự nguyện. Không ai bảo ai, mọi người thay phiên nhau, người hỏi thăm khách muốn ăn loại mì nào, người cho mì, rau, thịt vào tô, người chế nước sôi, người dọn dẹp.
Lân la trò chuyện, chúng tôi được bà Xí (62 tuổi), một tình nguyện viên, cho biết ý tưởng thực hiện quán mì này là do một linh mục của giáo xứ nghĩ ra khi ông bắt gặp hình ảnh nhiều người khó khăn, mệt mỏi ngồi ăn trước cổng nhà thờ với hộp cơm nguội lạnh. Từ đó, ông mới suy nghĩ, tại sao mình không giúp họ có một bữa ăn nóng sốt? Và thế là, quán mì 0 đồng được ra đời.
Những ngày đầu, mỗi tối quán mì phục vụ khoảng 100 suất ăn. Nhờ nhận được nhiều sự lan tỏa trên mạng xã hội, sau 3 tuần hoạt động, quán mì đã nâng lên khoảng 200 suất mỗi đêm. Dù vậy, các tình nguyện viên đều không cảm thấy mệt mỏi mà còn rất vui vẻ, niềm nở đón tiếp tất cả thực khách, không phân biệt bất cứ ai. Bà Xí chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mọi người đến đây có thể cảm thấy thoải mái như đang ở nhà”.
Cũng chính vì thế mà trên mỗi bàn đều được chuẩn bị đầy đủ hộp đũa, muỗng, khăn giấy và các loại gia vị như tương ớt, nước tương để người đến ăn có thể cảm thấy tự nhiên, dễ chịu nhất.
Quán mì hoạt động từ 20 giờ đến 21 giờ 30 phút từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Những món ăn kèm với mì gồm thịt gà, chả, bò viên, rau, giá đỗ... và có thể thay đổi tùy theo tình hình. Trước đó, từ tháng 4 năm nay, nhà thờ có mở một xe bánh mì 2.000 đồng dành cho học sinh, sinh viên nghèo. Dù bán với giá tượng trưng nhưng mỗi ổ bánh mì đều rất đầy đặn để các em có thể ăn no, đủ dinh dưỡng để học tập.
Với tinh thần yêu thương, sẻ chia, quán mì 0 đồng không chỉ là nơi dừng chân để có một bữa ăn no bụng mà còn là điểm tựa tinh thần giữa trời đêm cho những người cần đến nó.
Có người nói, cái nghĩa tình đã trở thành lẽ sống và cũng là thương hiệu của người dân TP Hồ Chí Minh. Điều này càng trở nên đúng, đặc biệt là trong những lúc khó khăn. Tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này, chắc chắn rằng, những ai đã từng đặt chân đến, đều được trải nghiệm sự dễ thương của con người nơi đây. Ở đâu và lúc nào, chỉ cần bạn để ý một chút sẽ cảm nhận, cảm thấu được dòng ân nghĩa rưng rưng chảy trong mạch sống cuộc đời...
Bài và ảnh: THIÊN THANH