Với việc được nhắc đến nhiều trên các tạp chí trong nước và quốc tế, bánh mì Việt Nam đã được lan tỏa hình ảnh trong bản đồ ẩm thực thế giới. Mới đây, bánh mì Việt Nam nằm trong tốp 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á do tờ báo chuyên về du lịch CNN Travel bình chọn. Chuyên trang ẩm thực nổi tiếng thế giới Taste Atlas đã công bố 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, bánh mì Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách này.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng ban đào tạo, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, chiếc bánh mì thể hiện sự sáng tạo của người Việt Nam trong chế biến món ăn. Bởi lẽ, bánh mì du nhập vào nước ta từ châu Âu nhưng được chế biến phù hợp với điều kiện ẩm thực, sở thích của người Việt Nam từ hình dáng, nguyên liệu đến hương vị riêng biệt. Sự hấp dẫn, độc đáo của bánh mì Việt chính là đa dạng về nhân bánh đáp ứng nhu cầu ẩm thực phong phú của thực khách. Như vậy, bánh mì xuất phát từ bên ngoài đến với Việt Nam rồi quay trở lại thế giới và giành được danh hiệu một trong những món ăn đường phố ngon nhất.
Tại TP Hồ Chí Minh, bánh mì xuất hiện ở hầu hết mọi không gian và thời gian: Từ chiếc xe bán dạo ngoài đường phố, quán nhỏ ven đường đến các nhà hàng sang trọng. Thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của bánh mì Việt Nam như: Tổ chức Tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, các hội thảo khoa học về bánh mì Việt Nam... Nhiều văn nghệ sĩ, blogger du lịch đã tích cực tham gia giới thiệu bánh mì Việt Nam trên tài khoản mạng xã hội. Ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã mang đến bài hát “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn” với lời rap mộc mạc, giản dị thu hút giới trẻ: “Nghe vẻ nghe ve nghe vè bánh mì: Quý cô thùy mị thích bánh mì không, bánh mì chà bông dành cho bà xã, bánh mì cho cả lớn, trẻ, người già, từ anh xây nhà đến anh giám đốc... Bánh mì thứ thiệt vươn khắp năm châu, bánh mì từ lâu đã thành văn hóa...”.
Mới đây, Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất là hoạt động đột phá do Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm phát huy giá trị ẩm thực bánh mì trong kích cầu, phát triển sản phẩm du lịch. Hơn 100 gian hàng của hệ thống nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bánh mì, nhà cung cấp, doanh nghiệp tại thành phố, cả nước, cũng như nước ngoài giúp lễ hội mang đậm nét văn hóa ẩm thực. Trong đó, có nhiều thương hiệu bánh mì đã phát triển hơn 50 năm như: Bánh mì Cụ Lý, bánh mì Tăng, bánh mì Tuấn 7 Kẹo, bánh mì Bảy Hổ, bánh mì Nguyên Sinh BisTro-est. 1942... Hơn 50.000 lượt người dân, du khách tham quan, mua sắm tại lễ hội là con số minh chứng rõ nét cho sức hút lớn của chiếc bánh mì trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Từ người lao động bình dân đến du khách quốc tế đến với lễ hội đã thưởng thức chiếc bánh mì yêu thích với đa dạng sắc màu vùng miền.
|
|
Người dân và du khách tham quan Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh.
|
Đại diện thương hiệu bánh mì Nguyên Sinh, ông Nguyễn Mạnh Tùng bày tỏ: “Ngày nay, bánh mì trở thành món ăn mang tính biểu tượng gợi nhớ đến ẩm thực trong du lịch Việt Nam. Bánh mì là món ăn được nhiều du khách xác định phải thưởng thức khi đến tham quan TP Hồ Chí Minh. Chỉ với một ổ bánh mì, người Việt đã chế biến hàng trăm loại nhân bánh ăn kèm. Mỗi loại nhân bánh ăn kèm lại mang đặc trưng của ẩm thực các vùng miền trên cả nước. Chẳng hạn, bánh mì ở miền Bắc thường ăn kèm chả lụa, ở miền Nam ăn kèm với thịt nguội, ở miền Trung ăn kèm với chả cá, nem chua...”.
Để tiếp tục phát huy giá trị thương hiệu bánh mì gắn với phát triển du lịch tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng những website về bánh mì bằng nhiều ngôn ngữ để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các hiệp hội du lịch, ngành nghề, tổ chức xúc tiến du lịch giới thiệu bánh mì đến với kiều bào, du khách quốc tế thông qua chương trình hội nghị, du lịch, ẩm thực, kênh truyền hình đối ngoại... Các đơn vị sản xuất, kinh doanh bánh mì phải chủ động tham gia công tác nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động quảng bá bằng hình ảnh để đưa nhiều loại bánh mì Việt Nam đến gần hơn với du khách. Một số tour du lịch của doanh nghiệp lữ hành có thể nghiên cứu sử dụng bánh mì là món ăn nhanh cho du khách.
Ở góc độ nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hương (Trường Đại học Văn Hiến) cho rằng, bánh mì là món ăn bình dị, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Để phát huy giá trị thương hiệu bánh mì trong phát triển du lịch cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Xây dựng một khu vực dành riêng cho ẩm thực, dành cho các món ăn đường phố trong đó có bánh mì, kết hợp xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển ẩm thực đường phố nói chung và việc kinh doanh món bánh mì nói riêng gắn với hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá món ăn này thông qua lễ hội, phương tiện truyền thông, sự kiện du lịch...
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, bánh mì Việt Nam có nét độc đáo riêng, không thể nhầm lẫn với bánh mì châu Âu hay các quốc gia khác. Để hình ảnh bánh mì Việt gắn với thúc đẩy du lịch không thể chỉ qua một sự kiện lễ hội mà cần nhiều hoạt động, chương trình mang tính lâu dài, bền vững. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch mong muốn đưa các lễ hội, chương trình về bánh mì như một điểm hẹn, sự kiện định kỳ của ngành du lịch thành phố để thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG