Theo kết quả khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố có 185 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, 2 di tích quốc gia đặc biệt là dinh Độc Lập và Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Hai di tích trên luôn được thành phố quan tâm và là địa điểm du lịch hấp dẫn cho khách du lịch, đặc biệt đối với những khách lần đầu tiên tới TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có 56 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có hai công trình khảo cổ là Giồng cá Vồ (Cần Giờ) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8). Mới đây, ngành du lịch thành phố tổ chức tour tham quan trụ sở HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh được nhiều người đón nhận nhân dịp lễ 30-4. Khách tham quan rất ấn tượng với kiến trúc, không gian sang trọng trong tòa nhà hơn 100 năm tuổi, Sở Du lịch thành phố đang xem xét, đề xuất tiếp tục mở tour để du khách được tham quan.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi,  địa phương đang xây dựng đề án phát triển chung, trong đó chú trọng phát triển du lịch đường thủy gắn với du lịch ven sông Sài Gòn để du khách có thể đi từ TP Hồ Chí Minh tới Địa đạo Củ Chi và ghé thăm các điểm tham quan khác. Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn thành quy hoạch sinh thái thông minh để tăng lượng đất ở, tăng mật độ dân số khu vực này thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án du lịch ven sông; đồng thời, huyện cũng mong muốn chính quyền thành phố có cơ chế đặc thù cho từng địa phương để đầu tư, xây dựng đầu tàu, bến thủy.

leftcenterrightdel

Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh được nhiều du khách tham quan. 

Không chỉ các DSVH, lịch sử, mà những loại hình nghệ thuật truyền thống được ghi nhận là DSVH phi vật thể như đờn ca tài tử, cải lương... cũng được sở, ngành TP Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư, đẩy mạnh để xây dựng thành các sản phẩm du lịch phục vụ công chúng và du khách. Hiện, thành phố có 2 DSVH phi vật thể được UNESCO công nhận là hát ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Bên cạnh đó, thành phố có 3 DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 và Lễ hội Khai hạ-Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh).

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: "Từ khi đờn ca tài tử được ghi danh đến nay, thành phố đã xây dựng đề án bảo tồn loại hình nghệ thuật này; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm trên toàn thành phố với nhiều hình thức cụ thể, như: Tổ chức truyền dạy đờn ca tài tử tại trung tâm văn hóa quận, huyện; sân khấu học đường; liên hoan, hội diễn đờn ca tài tử... Cùng với đờn ca tài tử, TP Hồ Chí Minh còn chú trọng phát triển nhiều loại hình nghệ thuật khác, như: Nghệ thuật hát Bội, múa rối nước...

Nhận định DSVH, lịch sử chính là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng và là cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, theo đồng chí Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh: DSVH, lịch sử khi được khai thác hiệu quả sẽ góp phần quan trọng phục hồi và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Những đơn vị thuộc lĩnh vực bảo tồn DSVH, lịch sử cần phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch hơn nữa, nhằm tìm ra sự cộng hưởng và phát huy những giá trị DSVH, lịch sử phục vụ du lịch, bảo đảm khai thác du lịch hài hòa với giữ gìn, bảo tồn di sản.

Bài và ảnh: NGÂN HƯƠNG