Thời gian qua, chuyển đổi số trong công tác bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh được xem là bước đột phá, dẫn đầu cả nước, gắn với các phương thức mới, đa dạng, giúp công tác bảo tàng ngày càng tạo sức hút đối với người dân, khách du lịch...

Đa dạng ứng dụng công nghệ ở bảo tàng

TP Hồ Chí Minh có hệ thống bảo tàng đa dạng và mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, phát triển du lịch. Hiện nay, Thành phố có 12 bảo tàng, tiêu biểu như: Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng tranh 3D Artinus... Các bảo tàng này đều gắn với ý nghĩa lịch sử, danh nhân văn hóa, chính trị, thành tựu đổi mới... được hình thành trước và sau Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975.

Trải qua hàng chục năm, nhiều bảo tàng bị xuống cấp, công tác bảo tàng không theo kịp xu hướng, nhu cầu của khách tham quan; chưa phát huy được hết giá trị vào đời sống hiện tại. Cùng với công tác đầu tư trùng tu, sửa chữa, các bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh từng bước ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tàng qua các hình thức: Trình chiếu 3D các hiện vật, cài ứng dụng bảo tàng, mã quét QR, phần mềm chuyên đề, máy quét hologram (thể hiện hình ảnh 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo-VR), hệ thống bảng led mô tả, hướng dẫn, đầu tư website, tư vấn trực tuyến, số hóa dữ liệu hình ảnh, thông tin hiện vật, tra cứu trực tuyến thông tin...

Đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (quận 3, TP Hồ Chí Minh), du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về các chuyên đề thông qua cài đặt ứng dụng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Thông qua ứng dụng này, du khách có thể tham quan phòng trưng bày “Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP Hồ Chí Minh” trực tuyến, hiển thị đầy đủ, chi tiết, sinh động hơn về thông tin hiện vật, tiểu sử, quá trình sưu tầm...

leftcenterrightdel
Học sinh Trường Quốc tế Á Châu tương tác phần mềm gia phả họ Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: QUẾ NHƯ 

Tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, du khách có thể sử dụng máy tính tại chỗ để tra cứu, sao chụp hình ảnh, tài liệu về các hiện vật, tiểu sử nhân vật... Tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, du khách có thể nghe thuyết minh tự động khi sử dụng ứng dụng công nghệ quét QR code tại Phòng “Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng". Điều này không những tiện lợi mà còn tạo sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Với cách quét QR code, du khách sẽ được nghe thuyết minh về các hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng là đơn vị có nhiều phương thức ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác bảo tàng. Bên cạnh là đơn vị đầu tiên áp dụng ứng dụng quét mã QR trong hoạt động bảo tàng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn triển khai các phần mềm: Phần mềm thuyết minh tự động, phần mềm gia phả, phần mềm trưng bày online... Khách tham quan có thể sử dụng mã QR để tra cứu thông tin hay tìm hiểu thông tin trực tuyến qua các màn hình led diện tích lớn, có thể chạm cảm ứng vào hình ảnh, tệp tin để tra cứu...

Chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu

Bằng nhiều hình thức khác nhau trong ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tàng, TP Hồ Chí Minh đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với khách tham quan, đặc biệt là khách du lịch. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nơi lưu giữ những hiện vật, ký ức lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thông qua hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số đã thu hút hơn 500.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm.

leftcenterrightdel
Khách tham quan quét mã QR để nghe nội dung thuyết minh tự động tại Phòng "Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng". 

Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, hoạt động bảo tàng bị đình trệ, buộc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh và các bảo tàng khác của Thành phố phải đổi mới, trong đó, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết. Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình “bảo tàng ảo” với Dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”, tạo sức hút rất lớn đối với người dân Thành phố và du khách.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, nhờ thực hiện chuyển đổi số trong công tác bảo tàng đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với khách tham quan, đối tượng đến bảo tàng ngày càng được “trẻ hóa”, khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đều dành thời gian để tham quan các bảo tàng trên địa bàn. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết, thời gian qua, Thành phố quan tâm xây dựng, phát triển hoàn thiện, đồng bộ các bảo tàng. Để chuyển đổi số trong công tác bảo tàng thành công thì cần dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ gắn với việc trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới bảo tàng.

UBND Thành phố đã có chủ trương, chỉ đạo đầu tư, xây dựng mới, sửa chữa các công trình: Xây dựng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại quận 9 với quy mô 8ha, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2020-2025; xây dựng hệ thống kho lưu trữ và trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác lưu trữ và bảo quản hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh; tu bổ di tích Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh; mở rộng khối nhà trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ; đầu tư hệ thống chống sét trong trường hợp đã bị hư hỏng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (hiện hữu), Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ... Bảo tàng Tôn Đức Thắng hiện đang được xây dựng với quy mô hiện đại, có diện tích trưng bày lớn gấp 5 lần so với hiện tại, được đầu tư hệ thống trưng bày khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là cơ sở để các bảo tàng đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong thời gian tới.

Chuyển đổi số trong công tác bảo tàng là xu hướng tất yếu, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời đối với khách tham quan. Mỗi bảo tàng có chủ đề, chuyên đề, quy mô khác nhau và hoạt động chuyển đổi số của mỗi bảo tàng cũng khác nhau ở phương thức, công nghệ, hệ thống dữ liệu, hệ thống phần mềm chuyên biệt... Chẳng hạn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng xây dựng phần mềm gia phả họ Tôn thông qua màn hình chạm đã giải quyết được vấn đề hạn chế diện tích trong trưng bày. Do thành viên gia phả họ Tôn rất nhiều (7 đời, với 136 thành viên) nên diện tích trưng bày không thể hiện hết từng cá nhân trong gia tộc. Phần mềm giúp khách tham quan xem tiểu sử Chủ tịch Tôn Đức Thắng và thông tin cá nhân từng thành viên trong phả hệ, có cái nhìn trực quan, sinh động hơn.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tham quan, tìm hiểu chuyên đề “Bác Tôn với Quân đội nhân dân Việt Nam” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: QUẾ NHƯ

Nguyễn Văn Sơn, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Để phục vụ công tác học tập, tôi thường dành các ngày cuối tuần đến bảo tàng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tàng giúp tôi vô cùng thuận lợi khi tiếp cận các tư liệu, hình ảnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì các bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của Thành phố mà của cả vùng Nam Bộ".

Muốn chuyển đổi số thành công thì trước hết lãnh đạo các bảo tàng cần có quyết tâm, nhận thức về chuyển đổi số, số hóa dữ liệu bảo tàng một cách khoa học, có nguồn kinh phí đầu tư hợp lý cho hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất... Với định hướng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng văn minh đô thị, đầu tư nâng cấp, trùng tu lại hàng loạt bảo tàng, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số của UBND TP Hồ Chí Minh, các bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và xu hướng phát triển bảo tàng, đưa công tác bảo tàng hoạt động xứng tầm với các di tích lịch sử, di sản, danh nhân tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ.

ĐẶNG TRUNG KIÊN