Nên giữ tổ hợp C00

Vấn đề giữ hay bỏ tổ hợp C00 nhìn rộng hơn thì không chỉ giới hạn trong chuyện thi cử, một vài môn thi. Đây là chuyện lớn, là hệ trọng của định hướng giáo dục, của những vấn đề đạo đức, nhân cách, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa... của một ngành.

Từ thực tế tuyển sinh (có thi và chấm thi, sau đó căn cứ vào kết quả thi mà chọn người đỗ) các môn thuần C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) vào các ngành KHXH&NV, tôi cho rằng việc chọn khối D không phải là vô lý. Thí sinh thi khối D có điểm trung bình môn Văn cao hơn thí sinh thi khối C nhưng bài thi hay nhất của môn Văn thường thuộc về thí sinh thi khối C và số thí sinh có nhiều điểm Văn kém cũng thuộc về khối C. 

Qua số liệu phân tích nhiều năm, chúng tôi rút ra kết luận: Học sinh dự thi khối D có tư duy logic tốt hơn, viết câu văn chuẩn và chặt chẽ hơn. Thêm nữa, trình độ ngoại ngữ thường tốt hơn thí sinh khối C vì phần lớn các em ở phổ thông được học nhiều hơn. Khi vào đại học, các em có mặt bằng ngoại ngữ tốt hơn. Bây giờ thi tốt nghiệp THPT lại được xác định từ trước và các em đã lựa chọn môn này gắn với khả năng, định hướng chuyên môn...

Như vậy, việc một số trường có xu hướng chọn tổ hợp khác với tổ hợp C00 để phù hợp với yêu cầu đào tạo mới là điều cần làm, song không nên bỏ tổ hợp C00. Tại sao không nên bỏ hẳn các môn theo tổ hợp C00? Bởi vì hiện nay thí sinh học trong các trường chuyên, lớp chuyên thuộc khối Văn, Sử, Địa vẫn đang tồn tại và đây là một nguồn nhân lực quý ở bậc đại học cho các ngành thuộc khối KHXH&NV. Số này không đông nhưng đã hình thành xu hướng lựa chọn ngành nghề từ sớm, đặc biệt là các em có say mê và chí hướng chọn ngành cho tương lai từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Niềm đam mê này là động lực ban đầu để gắn bó với nghề và phát triển trong tương lai. Bỏ chọn thí sinh vào đại học theo tổ hợp Văn, Sử, Địa là bỏ mất một nguồn đầu vào có chất lượng tốt. Như vậy sẽ lãng phí, vì nếu bỏ tổ hợp này có em học trường chuyên các môn khoa học xã hội thuộc loại khá và giỏi vẫn có thể trượt đại học do các môn sở trường của các em không còn được chọn. Điều này thiếu công bằng với các em!

leftcenterrightdel

Hoạt động về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HỒNG GIANG

Học Văn, Sử, Địa để bồi đắp nhân cách văn hóa

Ngoài việc thi cử thì vấn đề đặt ra là học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, yêu truyền thống văn hóa nước nhà, bồi dưỡng nhân cách cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi giảng dạy các môn này, ở góc này hay góc khác, các thầy cô sẽ làm sống dậy một trang nào đó của lịch sử, làm cho các em như được sống lại trong bối cảnh mà sự việc, con người ấy xuất hiện, để lại những dấu ấn trong đời sống dân tộc. Từ đó các em sẽ biết yêu truyền thống và gắn bó với đất nước, quê hương, qua đó sẽ bồi bổ những phẩm chất tốt đẹp góp phần hình thành nhân cách các em.

Ngữ văn là môn học gắn bó nhiều nhất với đời sống tinh thần dân tộc, là lịch sử tâm hồn của một dân tộc. Các môn Lịch sử hay Địa lý cũng không chỉ là những con số, sự kiện khô khan mà nó là nơi lắng đọng hồn cốt dân tộc, là sự hiện hình cụ thể của đất nước, quê hương qua tri thức được học. Ví như khi nghe giảng về lịch sử dựng nước và giữ nước, nếu có sự kết hợp giữa những tri thức lịch sử, văn học, địa lý dưới góc nhìn địa-lịch sử, lịch sử-văn học, địa-văn hóa thì bài giảng sẽ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều. Đây không phải là chuyện gì cao siêu mà chỉ bằng và từ những kiến thức phổ thông, các thầy cô hoàn toàn có thể làm tốt những công việc ấy.

Tôi xin nêu một ví dụ nhỏ: Khi dạy bài "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, nếu thầy cô chỉ bám vào nội dung một loại hình văn chương cổ (phú) thì việc truyền thụ một tác phẩm hay như thế cho học sinh cũng mất mát đi nhiều (do từ ngữ cổ, cảm hứng mỹ học Trung đại, những yêu cầu của thể loại...). Nhưng nếu mở rộng ra những tri thức phổ thông thuộc lĩnh vực lịch sử, địa lý gắn với chiến công nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, đến vùng đất đã diễn ra những trận đánh này... thì bài giảng sẽ trở nên sinh động hơn rất nhiều. Nó thêm nhiều nội dung để căn cứ vào đó truyền thụ tri thức cho các em, đồng thời bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước qua những nội dung rất cụ thể, các em có thể tiếp nhận cũng tốt hơn.

Kiến thức địa lý nếu gắn với kiến thức lịch sử sẽ làm cho lịch sử sống dậy qua những số liệu vốn khô khan. Sức hấp dẫn của các bài học địa lý không còn giới hạn thuần túy ở trong khoa học trái đất kinh viện và dễ chán nữa mà nó trở thành một bài học địa lý-lịch sử về đất nước, truyền thống ông cha, về những điều lớn lao hơn.

Tôi nhớ hơn 50 năm trước, khi học Địa lý kinh tế, phần về hệ thống sông ngòi Đồng bằng Bắc Bộ, cô giáo tôi giảng khá kỹ về những căn cứ kháng chiến chống quân Nguyên Mông gắn với hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, về những chỗ đóng quân của quan quân nhà Trần suốt một dải từ trại A Sào (Quỳnh Phụ) qua quê tôi với các địa danh hành cung Lưu Đồn, trại Phương Man, cửa Đại Bàng dọc theo sông Hóa; làm cả lớp như được tiếp nhận những gì rất lạ, rất mới và càng tự hào vì quê hương mình đã có những địa danh và chiến công lừng lẫy một thời.

Bây giờ, những trại A Sào, hành cung Lưu Đồn, trại Phương Man, cửa Đại Bàng, đền Tam Tòa (đền Chòi) vẫn còn đó nhưng hình như ít thầy cô quan tâm đến chuyện này khi giảng Lịch sử, Địa lý. Tôi hỏi các cháu tôi về những chuyện ấy, chúng đều ngơ ngác và hoài nghi về những gì tôi nói. Tôi nghĩ rằng, sống ngay trên mảnh đất rất giàu truyền thống nhưng nếu không có ý thức nhắc nhớ, truyền thụ, người ta sẽ dần vô tình trước truyền thống và từ vô tình, tình cảm con người cũng nhạt phai dần, sự gắn bó sẽ mất đi. Con người trở nên nghèo nàn hơn trong hành trang vào đời do chính mình mà mình không biết.

leftcenterrightdel

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) biểu diễn tiết mục múa "Bóng phù hoa" dựa theo cốt truyện "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ (môn Ngữ văn). Ảnh: MINH THÀNH

Theo tôi, các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cần cho học sinh không chỉ vì đó là những tri thức nền tảng, cần thiết để các em hiểu về lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc mà nó còn vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, bồi đắp nhân cách công dân, nhân cách văn hóa của mỗi người. Bởi những tình cảm nguyên sơ, tinh khôi ấy sẽ là nền tảng, tuy ban đầu nhưng bền chặt để được bồi đắp dần và trở thành hành trang theo suốt cuộc đời của mỗi người.

Trong hoàn cảnh hiện nay, các trường phổ thông cần tổ chức những lớp hướng dẫn cách dạy theo hướng tích hợp, gợi mở, tìm cách tiếp cận vấn đề theo hướng đa môn, liên môn. Vấn đề này không hề khó bởi tự trong mỗi bài học đã chứa đựng những nội dung này, chỉ cần chúng ta biết cách khai thác rồi mở rộng, nhân lên những nội dung ấy chắc sẽ rất có ích cho các em và cho tương lai của chúng ta.

Chọn tổ hợp các môn nào của trường đại học phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi trường. Nhưng trường đại học lại càng không thể tách ra khỏi môi trường xã hội. Việc thi cử và chọn nghề không phải là chuyện riêng của nhà trường. Dạy thế nào ở trường cũng không chỉ là chuyện riêng của ngành giáo dục. Rộng hơn nó là chuyện của đất nước, của hiện tại và tương lai. Giải một bài toán nhiều đáp án cần một sự khoa học của các nhà chuyên môn nhưng cũng cần có sự góp sức của xã hội. Chọn đúng và đủ bao giờ cũng là tiền đề để có sản phẩm giáo dục tốt nhất.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG