Nước mất, lòng ái quốc không mất! Nhưng:

      - Cần Vương thất bại!

      - Phan Bội Châu bị Pháp cho về Huế an trí, làm “ông già Bến Ngự”; Nguyễn Thượng Hiền thành “đả thạch lão nhân” (ông già đập đá) ở Quảng Châu cho đến chết!

      - Phan Chu Trinh thành tù nhân của Pháp ở Côn Đảo!

      - Quốc dân Đảng bị xử bắn ở Thái Nguyên, dưới hình hài Nguyễn Thái Học! v.v.. và v.v..

      Lịch sử không nói dối!

*

      Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

     Năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân Việt làm Cách mạng Tháng Tám trên cả nước, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Năm 1954, “cộng quân” (theo cách gọi của các đối thủ cũ) chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Nước chia hai miền, Đảng lại dẫn toàn dân đánh Mỹ. Năm 1975, “cộng quân” chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu giang sơn về một mối; “và đưa tay giằng lại tấm giang sơn” là Đảng Cộng sản Việt Nam cùng dân tộc. Năm 1979, “cộng quân” giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng và 10 năm sau, đã chấm dứt được cuộc chiến ở biên giới phía Bắc.

leftcenterrightdel
 Một góc Hà Nội hôm nay. Ảnh: TUẤN HUY 

      Trong những năm ấy, những cộng sản, “cộng quân” và “cộng dân” bị đày ải, chịu hy sinh nhiều nhất. Hồ Chí Minh thành thiên tài; những học trò xuất sắc của Người trở thành những nhà lập quốc xuất chúng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

      Lịch sử không nói dối!

*

      Rồi vì hậu quả chiến tranh, vì lạc hậu, vì những sai lầm-duy ý chí, tư duy bao cấp và kinh tế kế hoạch hóa cũ kỹ-vì cấm vận quốc tế, vì phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ... nước nhà tưởng đâu “vỡ nợ”! Lòng tin của nhân dân với Đảng lại đứng trước thách thức nghiêm trọng!

      Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trong “Bộ tham mưu” của Đảng, đã manh nha tư tưởng đổi mới. Đến năm 1986, đánh dấu bằng Đại hội VI, công cuộc đổi mới của Đảng chính thức bắt đầu.

      Kinh tế thị trường dần được hình thành. Tư duy đối nội, tư duy kinh tế, tư duy đối ngoại của Đảng dần vững vàng, tự tin và có hiệu quả. Thế bị bao vây, cấm vận dần được gỡ bỏ. Gạo đã xuất khẩu. “Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” đã trở thành dĩ vãng. Khu vực làm ăn ngoài nhà nước trở thành thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân...

      Nhưng nền kinh tế thị trường mới mẻ và phức tạp kia lại vướng vào rất nhiều rào cản, nút thắt. Đó là sự cồng kềnh của hệ thống chính trị ngày một nặng nề, “chồng lấn” và thiếu hiệu quả. “Giặc nội xâm” đông dần, nguy cơ mất lòng dân nghiêm trọng hiện hữu, uy tín của Đảng và chế độ suy giảm. “Nội xâm” còn nguy hiểm hơn cả ngoại xâm-chúng “xâm lược” từ trong ra-nhất là khi chúng đã trở thành “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên!

*

      Một cuộc đổi mới trong “Đổi Mới” lại phải bắt đầu; đổi mới từ trong lòng Đảng.

      Từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và gia tăng quyền hạn cho Ban chỉ đạo này, công cuộc “chống giặc nội xâm”-“đốt lò”-thực sự bắt đầu!

     13 năm trong gần 3 nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát 3 câu nói-3 thành ngữ-3 “slogan” mới rất sâu sắc, ấn tượng:

      1. “Ngoại giao cây tre”-cách nói mới, bình dân, dễ hiểu, của câu nói chữ mà cha ông để lại: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong đối ngoại.

      Cách làm này khiến ta ngày càng đông bạn bè, đối tác, đặc biệt là các nước lớn và các nước trong khu vực. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ “với tư cách nguyên thủ”, để rồi Việt Nam và Hoa Kỳ, từ hai kẻ cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau (năm 2023).

      2. Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy.

     Cùng với Bộ Chính trị, qua công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “người đốt lò vĩ đại” trong dân gian. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai... thành phương châm của Ban chỉ đạo, thành chìa khóa mở lại cánh cửa lòng dân.

      Từ hai câu nói trên đã đưa đến câu thứ 3:

      3. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

       GDP những năm này tăng trưởng bình quân 6%. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.700USD.

      Dân ta thì bảo nhau: "Đảng cứ bắt hết sâu là mùa màng ta bội thu”.

     Nước ta đã vượt qua suy thoái, vượt qua nguy cơ “vỡ nợ”, vượt qua đại dịch Covid-19, để luôn tăng trưởng dương, trong khi nhiều nước giàu hơn, vẫn tăng trưởng âm.

     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, được dân ta tiếc thương như với một nhà lãnh đạo thanh sạch, dũng cảm và tận tụy-người đứng đầu, đi đầu đổi mới trong “Đổi Mới”!

*

      Tổng Bí thư Tô Lâm kế vị và dân không phải chờ lâu.

      Tổng Bí thư Tô Lâm rất cụ thể. Về đối ngoại, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, đường lối của Đảng không có gì thay đổi. Trước hết, phải giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, tự cường trong hoạt động đối ngoại. Lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết nhưng phải biết chia sẻ lợi ích với tất cả các đối tác, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “lấy trí nhân thay cường bạo”.

      Về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có “phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại và bổ sung quyết liệt: Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Xử một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Và, trước hết phải phòng, chống ở chính những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước.

      Về kinh tế và xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm rất thực tế. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, 70% ngân sách quốc gia dùng để chi công thường xuyên thì không nền kinh tế nào chịu nổi, không thể tăng lương được, không thể đầu tư phát triển được! Về ngành nghề, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt quan tâm những ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Với quản lý nhà nước, ông ví dụ, chỉ có mỗi việc quản lý, khai thác cát và sỏi mà gộp cả Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng lại, cũng không giải quyết được! Trong lĩnh vực hành chính, Tổng Bí thư nêu ví dụ, một cháu bé được sinh ra ở Trạm Y tế và dù đã có “Giấy chứng sinh”, vẫn phải qua Công an để có “số định danh”, sang Tư pháp để có “Giấy khai sinh”, rồi về lại Công an để có “Hộ khẩu”, sang Y tế để có “Bảo hiểm”... trong khi cháu bé “đương nhiên" có tất cả, mà chỉ cần nằm nguyên ở Trạm Y tế!     

      Với việc làm, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, năm 2023, tiền gửi cả nước trong ngân hàng là 15 triệu tỷ đồng, sao lại để dân ta phải đi xuất khẩu lao động đông thế? Được lao động ở nhà, bên vợ con, thì mới hạnh phúc chứ? Phải tìm ra việc làm từ nguồn vốn ấy và từ nhân lực ấy! Chữ “hạnh phúc” ở đây mới tốt làm sao-“tăng trưởng kinh tế” mà không “tăng trưởng hạnh phúc” thì có ý nghĩa gì? Xưa, Bác Hồ cũng đã nói: Độc lập rồi mà dân không đủ cơm ăn áo mặc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.

      Với y tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân là rất quan trọng, chứ y tế không chỉ có chữa bệnh. Phải xây dựng và dựa vào dữ liệu, sổ sức khỏe điện tử để theo dõi và quy hoạch hệ thống. Mỗi người dân, ít nhất phải được kiểm tra sức khỏe một lần trong một năm...

      Với giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, thống nhất chương trình giáo dục quốc gia, không để sách giáo khoa “loạn” thế, không để học sinh ta khổ thế, có học sinh là phải có thầy, có trường rồi tiến tới miễn học phí và nuôi các cháu...

       Tổng Bí thư Tô Lâm nói rõ: Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp tiếp nhận, xử lý triệt để mọi khiếu nại của dân, không được phép né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm. Việc để người dân phải đội đơn khiếu nại lên cấp trên là minh chứng cho sự yếu kém, thiếu trách nhiệm và không xứng đáng ngồi ở vị trí lãnh đạo. Quan chức nào trốn tránh nhiệm vụ sẽ không chỉ đánh mất niềm tin của dân mà còn phải đối diện với sự nghiêm trị từ tổ chức và pháp luật. Đây không chỉ là trách nhiệm mà là mệnh lệnh: Nếu không làm tròn vai trò, hãy đứng sang một bên để người có năng lực gánh vác; không để nhà nước là nơi trú ngụ của những người thiếu tâm, thiếu tài.

      Từ những thực tế đó, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên bố cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ngay lập tức, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không thí điểm”; và “phòng, chống lãng phí” phải được coi trọng như “phòng, chống tham nhũng”, không “hợp thức hóa” những vụ lãng phí trước đó!

      Biết kỹ như thế thì quyết đoán!

     Theo chủ trương của Đảng, sẽ có một số cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, ban cán sự Đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương; một số bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; một số ủy ban, cơ quan của Quốc hội... dần bị giải thể hoặc sáp nhập theo hướng tinh lọc. Tổng Bí thư Tô Lâm nói: Không thể chậm trễ hơn được nữa! Phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để giải phẫu, giải quyết khối u để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

      Cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống bắt đầu, một cách quyết liệt!

*

      Nguyên tắc tổ chức của Đảng ta là “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”. Cho nên, vai trò của người đứng đầu của Đảng là rất cao và rất nặng. “Phụ trách” tức là “chịu trách nhiệm cá nhân”.

      Trước đó, Bác Hồ, rồi đến các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... đã là những người đứng đầu ghi được những dấu ấn vĩ đại, xuất chúng, xuất sắc trong lịch sử và thực sự làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Việt Nam!

      Lịch sử cho thấy, trong mọi cuộc “cách mạng”, Đảng đều gặp những thách thức khổng lồ, nhưng với những người đứng đầu sáng suốt và quyết đoán, cơ hội thành công bao giờ cũng có thể “át vía” thách thức.

      “Ý dân là ý trời”, nhân dân đang trông ngóng và sẵn sàng đồng hành!

      Bài học lớn nhất trong mọi giai đoạn là: Chưa ai để mất lòng dân mà lại thành công! Chưa ai nhu nhược và do dự trước những bước ngoặt lớn mà lại thành công!

      Lịch sử luôn là ông thầy tốt nhất!

      Lịch sử không nói dối!

Đại tá, nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI