Không gian văn hóa của niềm tự hào
Năm học 2022-2023, nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo nét mới trong hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” của ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Các trường không chỉ trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời của Bác mà còn kết hợp sinh hoạt truyền thống, tổ chức dạy học các môn Lịch sử, Giáo dục địa phương... nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) cho biết: “Không gian giới thiệu các hoạt động học tập và làm theo Bác của tập thể sư phạm nhà trường, các bài cảm nhận của học sinh về Bác Hồ kính yêu, cũng như giới thiệu mô hình về những địa danh gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính tay các giáo viên thực hiện. Đây là một trong những sáng tạo của giáo viên nhằm kết hợp nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo sự cuốn hút cho học sinh”.
Thời gian qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với đặc thù nhiệm vụ, không gian địa lý, cơ sở vật chất. Bên cạnh cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhiều cơ sở tôn giáo, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện, khu dân cư... cũng phối hợp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với đa dạng hình thức thể hiện. Là cơ sở tôn giáo thứ 3 trên địa bàn quận 3 đưa vào hoạt động KGVH Hồ Chí Minh, Thượng tọa Thích Minh Duyên (chùa Hưng Phước) chia sẻ rằng, nhà chùa thực hiện không gian văn hóa về Bác tại khu vực trang trọng nhất của phòng tiếp khách chính. Nhà chùa mong rằng, đây là khu vực để quý phật tử, các tầng lớp nhân dân khi đến thăm chùa, lễ phật sẽ dừng chân tìm hiểu về Bác. Qua đó, góp phần tuyên truyền tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào cho cộng đồng người có đạo trên địa bàn.
|
|
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại quận 11, TP Hồ Chí Minh.
|
Với đặc thù là doanh nghiệp có số lượng người lao động đông bậc nhất thành phố, bà Trịnh Thị Ánh Hồng, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) tâm sự rằng: "Đây là công trình thể hiện tình cảm sâu sắc của tập thể cán bộ, người lao động với Bác, giúp mọi người thấm nhuần tư tưởng của Bác về chăm lo cho đội ngũ người lao động. Công ty phân công người phụ trách và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người lao động thường xuyên đến tìm hiểu, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị của chi bộ, đoàn thể...".
KGVH Hồ Chí Minh đang hiện hữu khắp nơi, trở thành điểm tựa tinh thần trong đời sống lao động, công tác và sinh hoạt hằng ngày của mọi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố. KGVH trở thành nơi để chào cờ hằng tuần, họp chi bộ, chi đoàn, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt truyền thống... Không gian chính là tình cảm sâu sắc, luôn định hướng tinh thần học tập và làm theo Bác thường xuyên, mọi lúc mọi nơi từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến từng gia đình, khu phố. Không gian đặc biệt này còn là niềm tự hào, trở thành một địa chỉ thiêng liêng trong hành trình giới thiệu với khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Lan tỏa, thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác
Nghị quyết Đại hội XI nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng thành phố là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên thành phố. KGVH Hồ Chí Minh sẽ là những không gian ấm áp tình người, thấm đượm cốt cách, tâm hồn, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào từng người dân.
Qua tìm hiểu thực tiễn hoạt động các KGVH Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy có sự tiếp nối, kết hợp từ những không gian vật thể, phi vật thể đến không gian mạng. Chẳng hạn, quận 7 đã xây dựng ứng dụng KGVH Hồ Chí Minh trên internet với 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Hàn với hình ảnh tư liệu rất sinh động như việc tích hợp các thước phim, bài hát, hình ảnh liên quan đến thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động của Người và “Bảo tàng Hồ Chí Minh” dưới dạng 3D để người xem tham khảo. Hiện ứng dụng đã được giới thiệu rộng rãi đến từng tổ dân phố, chung cư, khu dân cư... trên địa bàn và ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn.
Quận 1 lại xây dựng mô hình vận động 100% gia đình đảng viên có tủ sách và chân dung Bác Hồ, nhằm góp phần đưa hình ảnh Bác đi vào không gian sống hằng ngày từ góc độ gia đình, hay mô hình “Hành trình tri thức” tặng sách viết về Bác đến cơ sở tôn giáo tại quận. Quận 1 cũng xây dựng chuyên mục KGVH Hồ Chí Minh trên trang xã hội Cột cờ Thủ Ngữ. Còn tại Quận 6, đã thiết lập không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng xã hội, triển khai triển lãm trực tuyến hình ảnh 3D về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, phát hành tập san “Âm vang lời dạy của Người”...
Bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận 6 nêu kinh nghiệm rằng, đơn vị luôn chủ động cập nhật, đổi mới về nội dung, hình thức triển lãm trên không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp không gian luôn sinh động, để tư tưởng, tình cảm của Bác đến gần hơn với mọi người dân. Đặc biệt, đơn vị luôn kết nối không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những chuyên đề, câu chuyện truyền cảm hứng để tạo nét mới, sự phong phú, hấp dẫn. Chẳng hạn, KGVH Hồ Chí Minh tại quận thời điểm này kết hợp trưng bày các hình ảnh, ấn phẩm về Bộ đội Cụ Hồ nhân dịp hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".
Là cái nôi đào tạo những giáo viên tương lai, anh Nguyễn Vũ Hoài Ân, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhà trường tiên phong trong xây dựng KGVH Hồ Chí Minh trên không gian mạng, trở thành nơi sinh hoạt không thể thiếu của sinh viên với nhiều chuyên mục hấp dẫn. Ở đó, không chỉ có tư liệu về Bác mà còn có cả những tác phẩm, bài viết, cảm nhận, cách làm của sinh viên nhà trường khi học tập và làm theo Bác. Nhiều tư liệu và tác phẩm của Bác còn được biên dịch ra nhiều thứ tiếng giúp tuổi trẻ nhà trường có thêm cơ hội nghiên cứu, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, với thế mạnh sư phạm, sinh viên đã đầu tư, thực hiện sáng tạo các tác phẩm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều thể loại như: Cải lương, vọng cổ, thơ... để biểu diễn thường xuyên trong các sinh hoạt tập thể”.
TP Hồ Chí Minh xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là vấn đề mới, nội hàm rộng, cần thực hiện trong thời gian dài, kết hợp đồng bộ cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa hiện tại trên địa bàn thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, kết hợp với hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dấu ấn riêng cho thành phố. Xây dựng KGVH Hồ Chí Minh còn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, lễ hội, hình thành văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp để phát huy truyền thống nghĩa tình...
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, tất cả người dân thành phố là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả KGVH Hồ Chí Minh. Điểm nhấn trong xây dựng không gian này trước hết phải là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình để lan tỏa, thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, giúp việc học và làm theo Bác trở thành lối sống đẹp, nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG