Cách đây không lâu, trong chuyến công tác tại Củ Chi, tôi có dịp gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Tô Văn Đực, ngụ tại xã Nhuận Đức. Trong chiến tranh, ông là người có biệt danh “Anh hùng mìn gạt” khiến quân Mỹ ngỡ ngàng, điêu đứng. Ông Đực kể: “Những năm chống Mỹ, cứu nước, tình hình Củ Chi rất cam go, ác liệt. Địch càn quét liên miên, B-52 rải thảm gây tổn thất cho lực lượng cách mạng. Dù vậy, lớp lớp thế hệ trước ngã xuống, lớp lớp thế hệ sau cầm súng đứng lên, tiếp tục chống lại kẻ thù. Bộ đội, du kích và nhân dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ, bám đất, bám làng chiến đấu oanh liệt. Máu và nước mắt của người dân nơi đây đã quyện vào lòng đất, trở thành sức mạnh quật cường, làm cho quân thù khiếp sợ”.

Ngày Củ Chi vinh dự được Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Đất thép thành đồng” tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các LLVT nhân dân Giải phóng miền Nam lần thứ II (17-9-1967), đồng bào và chiến sĩ Củ Chi vui mừng khôn xiết. Ông Đực nhớ lại: "Ít lâu sau, chúng tôi mới nhận được tin, dù vô cùng vinh dự, tự hào nhưng ai nấy đều nhận thức được rằng, niềm vinh dự đó có công sức, xương máu và nước mắt của bao người con ưu tú quê hương Củ Chi và mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống trên mảnh đất này".

Theo thống kê, kết thúc chiến tranh, toàn huyện Củ Chi có 35.000 gia đình chính sách; 2.128 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động và hơn 10.000 liệt sĩ... Cả vùng đất Củ Chi đều thấm đẫm giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng. Mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà nơi đây đều chứa đựng những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước.

Truyền thống 55 năm “Đất thép thành đồng” trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực giúp Củ Chi vững bước vươn lên với những con người hiền hòa trong lao động, sản xuất nhưng vô cùng kiên cường, gan dạ và sáng tạo khi đối đầu với giặc ngoại xâm, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Những tấm gương như: Anh hùng LLVT nhân dân Tô Văn Đực; Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi Nguyễn Thị Nê; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Rành... đã góp phần không nhỏ làm nên Củ Chi rạng danh, ngời sáng...

leftcenterrightdel
Kết hợp du lịch di tích lịch sử với sinh thái là thế mạnh của Củ Chi “Đất thép thành đồng”. 

Ngày nay, Củ Chi đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Tính đến tháng 8-2022, tất cả các xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người hiện tại đạt gần 64 triệu đồng/năm... Củ Chi cũng là nơi khởi phát nhiều phong trào thiện nguyện lan rộng ra cả nước. Huyện cũng là địa phương được TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển thành đô thị sinh thái, thông minh, bền vững; đô thị theo cụm, có sự liên kết với khu vực lân cận; định hướng giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao và phát triển du lịch sinh thái kết hợp di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, truyền thống “Đất thép thành đồng” luôn thôi thúc đồng bào, chiến sĩ toàn huyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đưa Củ Chi phát triển bền vững, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, xứng đáng với những hy sinh, mất mát lớn lao của các thế hệ tiền nhân.

Bài và ảnh: YẾN LONG - NAM DƯƠNG