Ngành du lịch thành phố hướng đến mỗi quận, huyện giới thiệu một sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Hấp dẫn sản phẩm du lịch “quen mà lạ”

Dành trọn một ngày tham gia tour du lịch “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”, gia đình anh Đỗ Văn Trung (ngụ tại TP Thủ Đức) đã có những trải nghiệm thú vị khi vừa đạp xe, đi xe ngựa, vừa tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử... Anh Trung tâm đắc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cứ nghĩ đến với Củ Chi chủ yếu là về nguồn, dâng hương tưởng niệm, tham quan địa đạo Củ Chi nhưng với tour du lịch này, chúng tôi được tìm hiểu về các làng nghề, vùng trái cây miệt vườn, đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân sống ở khu vực ven sông Sài Gòn. Tôi nghĩ, khi khai thác tốt, tour du lịch sẽ tăng được sức hút cho du khách có nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch xanh để trải nghiệm cuộc sống nông thôn yên bình”.

Mới đây, khi tham gia cùng đoàn khảo sát sản phẩm du lịch “Tân Phú-Đi là nhớ”, chị Nguyễn Ngọc Thái Tâm (ngụ tại quận 3) cho biết, bản thân sống ở thành phố đã lâu nhưng lần đầu tiên được đến tham quan Khu di tích địa đạo Phú Thọ Hòa. Một công trình độc đáo được đào sâu dưới lòng đất 3m ngay giữa lòng thành phố trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Chị Thái Tâm và du khách còn được tham quan công trình chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục Việt Nam, tìm hiểu Bảo tàng sâm Ngọc Linh duy nhất tại Việt Nam, cùng trải nghiệm chợ vải nhộn nhịp... Chị Thái Tâm cho rằng: “Hành trình của tour du lịch “Tân Phú-Đi là nhớ” tuy nghe quen mà rất mới lạ, đáp ứng tốt nhu cầu vừa thấy, vừa nghe, được trải nghiệm của người tham quan. Hành trình này rất phù hợp với các yêu cầu về giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa của các gia đình, hay cơ quan, trường học”.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trải nghiệm tham quan Khu di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú

Ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức đang dần hình thành những sản phẩm du lịch được xây dựng hoặc làm mới, tạo nét khác biệt trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch để thu hút khách nội địa và quốc tế. Đến với TP Hồ Chí Minh hôm nay, bên cạnh những điểm đến quen thuộc ở khu vực trung tâm thành phố, du khách còn có thể tiếp cận những tour du lịch khác tại các quận: 3, 5, 8, Tân Phú, TP Thủ Đức, cùng các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn... với sự trải nghiệm riêng biệt, thú vị. Chẳng hạn, về huyện Hóc Môn với tour “Sức sống mới vùng ngoại thành”, du khách sẽ được trải nghiệm ngắm sông Sài Gòn, tham quan cánh đồng hoa xã Nhị Bình, tham quan Di tích lịch sử Ngã ba Giồng, khu vực “18 thôn vườn trầu”. Hay với tour “Về Cần Giờ-Lắng nghe hơi thở của rừng”, du khách được tìm hiểu về quá trình phục hồi hệ sinh thái Cần Giờ, trải nghiệm đi bộ, chèo thuyền SUP xuyên rừng đước...

Vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour triển khai sản phẩm du lịch "Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn", bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết: “Với mong muốn đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch về văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, điểm đến chính của tour du lịch này trên nền tảng “mặc áo mới” những địa điểm sẵn có như di tích lưu niệm nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước, hay di tích khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán là nơi đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta) đã bị thực dân Pháp giam giữ trong kháng chiến, cùng chương trình biểu diễn nghệ thuật lân-sư-rồng riêng có trên địa bàn”.

Kết hợp chặt chẽ “3 nhà”

Để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Thành phố mang tên Bác, ngành du lịch phối hợp với các quận, huyện đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng của mỗi địa phương. Đây là những tour ngắn ngày, thay đổi liên tục nhằm mang lại nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Tuy nhiên, để sản phẩm hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, rất cần sự chung tay của “3 nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Đó là việc kết hợp từ sự chuyên nghiệp tổ chức tour của doanh nghiệp du lịch, sự lựa chọn điểm đến độc đáo, riêng biệt của địa phương và vai trò điều hành, quảng bá, liên kết chung của cơ quan quản lý nhà nước là sở du lịch. Có như vậy, sản phẩm du lịch của từng địa phương tuy mang đặc thù riêng nhưng nằm trong sự phát triển chung của du lịch thành phố, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, trùng lặp, gây sự nhàm chán cho du khách.

leftcenterrightdel

Đại biểu, du khách tham quan Khu di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Thủ Đức cho rằng, địa phương có nhiều tài nguyên, tiềm năng du lịch nhưng không thể tự phát triển nếu TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng không giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển du lịch, như: Thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, giao thông công cộng, các bến thủy gắn với mục tiêu khai thác tour, điểm đến du lịch của địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour phân tích rằng, muốn sản phẩm tour du lịch thực sự nổi bật, cần khai thác đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa các quận, huyện, doanh nghiệp lữ hành, từ đó giúp sản phẩm đa dạng, phong phú hơn. “Cần làm mới sản phẩm du lịch để du khách đi đến bất kỳ quận, huyện nào cũng cảm nhận được cái mới, nét riêng biệt”, ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ.

Về vấn đề gắn kết, phối hợp, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương là một trong các biện pháp tốt nhất để ngành du lịch thành phố phát triển bền vững. Các quận, huyện phải chủ động xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực mang tính độc đáo, khác biệt, tiềm ẩn của địa phương. Sở sẽ có chiến lược hỗ trợ quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch sẽ cùng các quận, huyện thiết kế các tour, tuyến đặc trưng cho thành phố trên cơ sở gắn kết các tour, tuyến đặc trưng của quận, huyện theo nhiều hướng như truyền thống, tâm linh, văn hóa, sinh thái...

Đầu tư nâng chất lượng sản phẩm du lịch

TP Hồ Chí Minh có 366 địa điểm có khả năng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch với 4 nhóm chính: Du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa vật thể, du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch gắn với các công trình nhân tạo, hiện đại. Đến nay, ngành du lịch thành phố đã phối hợp với doanh nghiệp công bố và triển khai hơn 40 chương trình du lịch tại các quận, huyện. Đồng thời, làm mới các chương trình du lịch tại các điểm đến của thành phố, gắn với các hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, không gian miệt vườn ven sông... Nhiều sản phẩm du lịch mới về khám phá thành phố với những góc nhìn khác nhau từ đường bộ, trên sông đến trên trời (bằng trực thăng) được nhiều doanh nghiệp đăng ký khai thác.

leftcenterrightdel

Du khách trải nghiệm di chuyển bằng xe ngựa với tour du lịch “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”.

Về lâu dài, thành phố đang tập trung triển khai Chương trình “Welcome to Ho Chi Minh City” với đồng bộ các nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nâng chất lượng sản phẩm, sự kiện du lịch hiện có và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức các hình thức gia tăng giá trị cộng thêm cho du khách... Ngành du lịch thành phố vừa công bố Bộ thông tin cơ bản du lịch TP Hồ Chí Minh bao gồm các thông tin về lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người vùng đất Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn-TP Hồ Chí Minh. Thông qua cẩm nang này, người dân và du khách có thể tìm thấy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt chỉ có tại Thành phố mang tên Bác đã và đang làm nên hình ảnh điểm đến “An toàn-sống động-cởi mở-trẻ trung-đầy hứng khởi”.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, du lịch thành phố đã xác định phải nâng tầm, “mặc áo mới” cho các điểm tham quan, điểm đến nhằm dần hình thành chuỗi giá trị du lịch đẳng cấp, thu hút khách. Mỗi địa phương chăm chút và xem ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cùng với đó, thông qua việc xây dựng, giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp, những nụ cười thân thiện, sự mến khách và lòng nhiệt thành của mỗi người dân thành phố là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân du khách.

 Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đón gần 478.000 lượt khách quốc tế (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021) và hơn 11 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,5% so với kế hoạch năm 2022.

 

Bài và ảnh: HỒNG GIANG