Tháng tư thường là giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở Nam Bộ. Vì thế, những cơn mưa đầu mùa bao giờ cũng mang lại cảm giác khoan khoái, hưng phấn cho con người và cảnh vật. Cảm giác ấy càng được nhân lên gấp bội trong tháng 4-2022, khi dải đất “Thành đồng Tổ quốc” cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19 và đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi đến thăm Đại tá Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng ban đại diện phía Nam (nay là Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) vào một ngày nắng đẹp. Nhìn dáng ông đi lại, cung cách ông trò chuyện với những tiếng cười sảng khoái, ít người nghĩ rằng ông đã bước sang tuổi 84. Ở cái tuổi trên cả “xưa nay hiếm” ấy, trong ông vẫn tràn ngập bao ký ức, bao kỷ niệm và những tình cảm cháy lòng với Ban đại diện phía Nam, Báo QĐND, nơi ông từng công tác từ năm 1982 đến 2001. Ông hỏi tôi: “Sắp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống, cơ quan mình có tổ chức hoạt động gì không cháu?”. “Dạ, tòa soạn sẽ đứng ra tổ chức họp mặt truyền thống và mời tất cả mọi người từng công tác ở Ban đại diện về dự, trong đó có cả gia đình những người đã mất chú ạ”. Như bắt vào đúng mạch cảm xúc, Đại tá Phạm Đình Trọng hào hứng hẳn lên: “Thế thì tốt quá. Nơi ấy đã trải qua bao năm tháng hình thành và phát triển, có thuận lợi, có khó khăn, có lúc vui, lúc buồn, nhưng luôn là tổ ấm của những người làm báo Báo QĐND ở phương Nam”.
Trong câu chuyện của tôi với Đại tá Phạm Đình Trọng, quá trình ra đời và lớn mạnh của Ban đại diện phía Nam cứ hiển hiện sinh động như những thước phim tư liệu. Đôi khi nó giống một đoạn phóng sự, hay một câu chuyện sâu lắng, khiến lòng người cứ chơi vơi và bổi hổi theo dòng thời gian.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều phóng viên của Báo QĐND đã xung phong ra chiến trường. Họ đã đến những nơi vô cùng ác liệt của cuộc chiến, mà điển hình là chiến trường Quảng Trị. Những phóng viên như: Lê Đình Dư, Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu, Đoàn Công Tính... vừa tác nghiệp vừa chiến đấu, đúng “chất” nhà báo chiến sĩ trên chiến trường. Các tác phẩm báo chí của họ trở thành những tư liệu sống động, mang đầy sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của người chiến sĩ, góp phần cổ vũ quân và dân ta đánh thắng quân thù. Trong số đó có hai nhà báo đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị, đó là Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Dư và liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu.
|
|
Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh (Báo QĐND) phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo, Tiền Giang) năm 1993. |
Miền Nam giải phóng, Ban biên tập Báo QĐND tiếp tục cử nhiều cán bộ, phóng viên vào TP Sài Gòn-Gia Định và các địa phương ở miền Nam, cùng với các phóng viên chiến trường của Báo Quân Giải phóng trước đó phản ánh hoạt động của các lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ quân quản, giữ vững an ninh trật tự phố phường, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống. Trong một lần tâm sự với tôi ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng Biên tập Văn hóa-Thể thao vẫn còn nhớ như in những ngày bước chân đến TP Sài Gòn-Gia Định 47 năm trước. “Trong ngày 30-4-1975, khi Sài Gòn là điểm hẹn lịch sử của cả dân tộc thì số 2bis, đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh) là điểm hẹn của phóng viên Báo QĐND theo bước chân các đoàn quân tiến vào giải phóng thành đô. Từ điểm hẹn ấy, chúng tôi tỏa đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi ngược về Cam Ranh để theo những chuyến tàu ra với Trường Sa. Sau này, Ban đại diện phía Nam cũng là nơi “chắp cánh” cho những chuyến đi của phóng viên thường trú cũng như phóng viên từ tòa soạn ngoài Hà Nội vào”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại.
Để tổ chức làm báo hiệu quả hơn, Ban biên tập Báo QĐND chủ trương thành lập “Ban liên lạc Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh”. Và ngày 18-4-1977, Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) đã ký Quyết định số 18/QĐ, thành lập bộ phận thường trú Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có biên chế gồm 67 người, do đồng chí Nguyễn Ngọc Bằng (được cử sang từ Báo Quân Giải phóng) làm Trưởng ban, có trụ sở ở số 63 Lý Tự Trọng, quận 1. Ban liên lạc có nhiệm vụ: Tổ chức việc in và phát hành Báo QĐND ở phía Nam; liên hệ với bạn đọc và địa phương về công tác báo chí; viết tin, bài gửi về tòa soạn. Đến ngày 1-11-1981, thủ trưởng TCCT ra Quyết định số 47/QĐ đổi tên “Ban liên lạc Báo QĐND” thành “Ban đại diện phía Nam, Báo QĐND”. Ngày 18-4-1977 trở thành ngày truyền thống của Ban đại diện phía Nam.
Kể từ ngày có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Ban đại diện phía Nam đã nhanh chóng ổn định biên chế, tổ chức cho phóng viên đi đến các đơn vị lực lượng vũ trang, các địa phương Nam Bộ để lấy thông tin, tài liệu viết tin, bài đăng báo, đồng thời nỗ lực để Báo QĐND được in ấn và phát hành tại khu vực phía Nam. Cũng từ đó, rất nhiều lượt cán bộ, phóng viên tòa soạn ở Hà Nội thay phiên nhau vào trực và đi công tác.
|
|
Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh (Báo QĐND), Cục Truyền thông Công an nhân dân và Báo-Truyền hình Quân khu 7 tổ chức Tọa đàm "Nhà báo và những câu chuyện về "tự diễn biến, tự chuyển hóa". |
Theo thời gian, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên của ban đại diện ngày càng được kiện toàn, củng cố và phát triển. Đại tá Vũ Linh, Trưởng ban đại diện đầu tiên là cây viết bình luận thời sự quốc tế sắc sảo, hiểu rất sâu về Nam Bộ. Hay Đại tá Phạm Đình Trọng, Phó trưởng ban (sau là trưởng ban), vốn là phóng viên Báo Chiến sĩ miền Tây từ mặt trận Lào chuyển về, là cây bút ký có hạng. Những người chỉ huy ban đại diện thời kỳ này đã dày công vun đắp, rèn luyện nên nhiều lớp phóng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc về nghiệp vụ như: Hồng Phương, Đào Văn Sử, Trần Thế Tuyển, Dương Đức Nguyện, Trần Hoàng, Ngọc Niên, Sĩ Bình...
Nhớ lại những năm tháng công tác tại Báo QĐND, Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Trưởng ban đại diện phía Nam Báo QĐND, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cảm xúc: “Khi hoạt động đã đi vào chiều sâu, ban đại diện tiếp tục được ban biên tập giao nhiệm vụ thành lập các điểm thường trực, thường trú. Cũng từ đây, hai văn phòng thường trú của báo ở Cần Thơ và Đà Lạt đã ra đời. Cùng với đó, nhiều hoạt động kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội được tổ chức sôi nổi, ý nghĩa. Hoạt động giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, nhân vật nổi tiếng, giao lưu với học sinh-sinh viên ở khu vực Nam Bộ, hoạt động của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh chiến sĩ góp phần tăng sức sống mới của tờ báo Đảng trong quân đội, cũng như ảnh hưởng của Báo QĐND với đông đảo bạn đọc”.
Bao công sức của lớp cha anh xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của Ban đại diện phía Nam đã được các thế hệ phóng viên trẻ sau này phát huy tốt, để viết nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có hiệu ứng xã hội cao. Đội ngũ phóng viên của Ban đại diện phía Nam đã kịp thời có mặt trong các đợt tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ những vụ thiên tai lớn: Lũ lụt ở miền Tây năm 2000; cháy rừng U Minh năm 2002; bão Xangsane, bão Durian năm 2006; sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007; mưa lũ ở Nam Trung Bộ năm 2009 và 2016; sập hầm ở Đạ Dâng (Lâm Đồng) năm 2014... Phóng viên của ban đại diện đã theo bước chân các đội công tác đi tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia; đi cùng các tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư tới các vùng biển đảo phía Nam Tổ quốc; theo chân các chiến sĩ biên phòng, các đoàn kinh tế-quốc phòng và các đơn vị quân đội đến vùng biên giới, rừng núi và các địa phương để lấy thông tin, tài liệu viết bài. Nhiều phóng viên của cơ quan đã đoạt giải báo chí toàn quốc (trước đây), nay là giải báo chí quốc gia, giải báo chí các bộ, ngành, địa phương.
|
|
Phóng viên Lê Hùng Khoa (bên trái) tác nghiệp tại Trung tâm cấp cứu, điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện 175 (tháng 9-2021). |
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, gây bao cảnh tang thương, đói nghèo cho vùng miền Đông Nam Bộ. Trong khó khăn, nguy nan, cán bộ, phóng viên, nhân viên của ban đại diện tiếp tục dũng cảm, sáng tạo, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm báo giữa tâm dịch... Các phóng viên thực hiện cấm trại tại cơ quan đã cùng chỉ huy lao vào những vùng “đỏ đậm đặc”, vùng “khóa chặt, đông cứng” và các khu cách ly, phong tỏa, các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu để lấy thông tin, chụp ảnh, quay phim và viết được hơn 3.000 tin, bài, ảnh, phóng sự media, trong đó có nhiều vệt bài, phóng sự hay về công tác phòng, chống dịch ở khu vực Đông Nam Bộ. Với những nỗ lực của mình, cơ quan đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 6 cán bộ, phóng viên được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm TCCT tặng bằng khen. Nhiều tác phẩm báo chí của cơ quan đã đoạt giải cao của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, được khen thưởng của Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND.
45 năm là một thời gian chưa dài, nhưng cũng đủ để in vào trí óc, khắc vào tim người những ấn tượng tốt đẹp về Ban đại diện phía Nam, Báo QĐND. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số và cạnh tranh thông tin quyết liệt thì việc phát triển toàn diện Báo QĐND nói chung, Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết và cấp bách. Chúng ta tin tưởng lớp lớp các thế hệ nhà báo, nhân viên của ban đại diện sau này sẽ xứng đáng với truyền thống mà cha anh đã gây dựng nên, để Báo QĐND luôn gần gũi, gắn bó và góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, vùng đất phương Nam thương yêu nói riêng.
Bút ký của PHÚ HƯNG