Nhà thơ Lưu Trùng Dương tuy tuổi đã cao, nhưng sức khỏe còn tốt, đặc biệt, trí nhớ rất tốt. Ở ông hội tụ tới ba “nhà”: Nhà báo, nhà thơ và nhà văn. Trong đó, “nhà báo” có trước. Trong một lần được gặp và hỏi chuyện, tôi được nghe ông kể nhiều kỷ niệm về làm báo của ông:
|
Nhà thơ Lưu Trùng Dương. Ảnh: Internet |
- Hồi kháng chiến chống Pháp, Liên khu 5 chúng ta cũng có tờ báo mang tên
Quân đội nhân dân và được nghe các anh ở báo
Quân đội nhân dân trung ương lúc ấy đánh giá và xếp “
hàng đầu” trong số những tờ báo Quân khu lúc ấy. Nhưng, để khỏi lẫn với báo
Quân đội nhân dân trung ương, tờ báo có thêm dòng phụ ở dưới bài “chi nhánh Liên khu 5”.
Đầu tiên, tờ Quân đội nhân dân-chi nhánh Liên khu 5 do đồng chí Đinh Nho Bắc (quê Hà Tĩnh), chủ nhiệm chính trị Liên khu, phụ trách. Thư ký tòa soạn thì qua mấy “đời”, từ anh Mai Xuân Cảnh, rồi anh Ngô Thông. Khi anh Thông được cấp trên cử đi học, tôi đang làm Phó ban Văn nghệ Liên khu 5 được cử sang thay làm Thư ký tòa soạn. Phóng viên của báo, tôi chỉ nhớ một số anh, như: Nguyên Ngọc (nhà văn viết Đất nước đứng lên nổi tiếng); Ngọc Anh (nhà thơ có nhiều bài hay về Tây Nguyên, trong đó có bài Bóng cây Kơ-Nia, sau được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc); Vũ Kim Đồng (sau này chuyển ra làm báo Quân đội nhân dân ở trung ương)…
Trình bày báo, lúc đầu là anh Hồ Quảng, anh Trương Qua, rồi anh Lê Công Thành, Nguyễn Trọng Cát… Toàn là những họa sĩ có tiếng. Báo lúc ấy mới in li-tô (in đá). Người phụ trách in ấn đầu tiên là anh Đoàn Hữu Công (thật không ngờ Đoàn Hữu Công lại là nhạc sĩ Thuận Yến cũng nổi tiếng sau này). Các anh làm trình bày báo chưa qua học hành bài bản, tự nghiên cứu và trưởng thành trong công tác.
Do bị địch càn quét, đánh phá luôn, nhà in báo cũng phải “lưu động” như bộ đội vậy. Được Trung ương và Liên khu ủy quan tâm đầu tư, báo chuyển từ in đá (li-tô) đơn giản sang in bằng máy chữ kẽm do báo Quân đội nhân dân trung ương chi viện, do dân công gánh gồng từ Bắc vào. Do chữ kẽm mau mòn, anh em trong báo có sáng kiến đúc sang chữ chì, cũng may, chì lúc ấy cũng không quá khan hiếm.
Báo Quân đội nhân dân Liên khu 5 có kích cỡ gần như tờ Nhân Dân. Những ngày kỷ niệm lớn, báo ra “số đặc biệt”. Một nét độc đáo nữa, nên nói thêm: ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh tờ Quân đội nhân dân, có tờ Văn nghệ mang tên “Áo xám”, cũng có thể nói như tờ Văn nghệ quân đội của Liên khu 5. Nhà in báo Quân đội nhân dân kiêm in cho tờ “Áo xám”.
Tên Áo xám là dựa vào màu sắc của những bộ quân phục của Liên khu 5 may bằng vải xi-ta, có màu xám tro, được bộ đội yêu thích và là sản phẩm đặc biệt của Liên khu 5 trong những ngày tự túc, tự cấp. “Áo xám” có kích cỡ giống như tập Văn nghệ quân đội bây giờ và là một trong những tiền thân của Văn nghệ quân đội ngày nay. “Áo xám” cũng có những cây bút hay như: Thái Minh Viên (nhạc sĩ, có bài Du kích Ba Tơ nổi tiếng), Nguyễn Chí Trung (hiện đang mang quân hàm Thiếu tướng), nhà văn Nguyên Ngọc…
Khác với Quân đội nhân dân ra đều, “Áo xám” chỉ ra những dịp kỷ niệm lớn và phục vụ những chủ trương lớn của Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5, thí dụ ra số phục vụ động viên bộ đội tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên-chiến dịch công kiên đầu tiên… Hồi ấy, tôi và nhạc sĩ Dương Minh Ninh (quê Hội An) cùng cộng tác sáng tác “Bài ca tự túc” được bộ đội và nhân dân đón nhận. Bài hát ra đời ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, quê đồng chí Trung tướng Nguyễn Đôn.
Trước Quân đội nhân dân chi nhánh Liên khu 5, ở đây có tờ “Luyện quân” ra đời khoảng giữa năm 1948, do đồng chí Nguyễn Chính Cầu, chủ nhiệm chính trị Liên khu 5, phụ trách. Sở dĩ có tờ “Luyện quân” là từ sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng được Bác Hồ và Trung ương cử làm Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, đã triệu tập hội nghị quân sự Nam Trung Bộ, chủ trương: “tích cực luyện quân lập công, đẩy mạnh du kích chiến tranh”. Tiếp theo tờ “Luyện quân” là tờ “Vệ quốc quân”, cũng có dòng phụ: “Chi nhánh Liên khu 5”. Cũng vào khoảng 1948 – 1949 này, tôi có bài thơ “Thương nhất anh nuôi”, được cán bộ, chiến sĩ yêu thích. Đặc biệt, có lần bài thơ được ngâm cho Bác Hồ nghe ở Việt Bắc, được Bác khen “hay” rồi Bác thưởng hai chiếc kẹo: một cho tác giả bài thơ, một cho người ngâm thơ.
PHÓ ĐỨC VƯỢNG
(tổ 47, Bình An 2, Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng)