Trải nghiệm mới

Sau hơn 4 tháng triển khai, Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ Quân sự đã hoàn thành các hạng mục, tiến hành nghiệm thu, bàn giao phần mềm tham quan 3D Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho tỉnh Bình Phước. Phần mềm sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: Công nghệ chụp ảnh 360 độ bảo đảm chất lượng hình ảnh và tương tác của người xem; công nghệ scan hiện vật 3D tạo ra hình dạng hiện vật cơ bản kết hợp với xử lý đồ họa, tạo ra mô hình 3D hiện vật giúp người xem có cảm nhận như đang xem hiện vật gốc; công nghệ xây dựng phần mềm Unity3D, là nền tảng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để xây dựng các phần mềm 3D. Các công nghệ này cho phép thể hiện những nội dung 3D từ nhiều định dạng khác nhau với độ phân giải cao, độ trễ thấp, cho phép triển khai phần mềm từ nhiều nền tảng hệ điều hành.

leftcenterrightdel
Giao diện phần mềm tham quan 3D Di tích Tà Thiết. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 

Không những thế, du khách đến di tích Tà Thiết trải nghiệm phần mềm này còn có thể tham quan từ xa 4 bảo tàng: Bảo tàng LSQS Việt Nam, Bảo tàng Quân khu 7, Bảo tàng Quân khu 9, Bảo tàng Hải quân và di tích rừng Trần Hưng Đạo...

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu du khách không thể tới tận mắt trải nghiệm thì ở website của Bảo tàng LSQS Việt Nam, bằng công nghệ 3D du khách có thể thỏa sức tham quan nhiều nơi, như: Di tích rừng Trần Hưng Đạo, địa đạo Củ Chi, ATK Thái Nguyên, cụm di tích Điện Biên Phủ... với một số tính năng đi kèm như tự động thuyết minh về di tích, xem các tư liệu, video có liên quan...

Việc các đơn vị du lịch tiếp cận và ứng dụng công nghệ để giới thiệu các hiện vật được trưng bày của mình ra công chúng là cách làm cần thiết. Việc này giúp quảng bá từ xa và thu hút khách tham quan đến với các bảo tàng. Tại Hà Nội, từ lâu nhiều phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách đã được đưa vào sử dụng, như: Hệ thống thuyết minh tự động tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long...

Tại TP Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh, như: “Vibrant Ho Chi Minh City”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”... Di tích Cố đô Huế cũng đã triển khai các dịch vụ gắn với công nghệ số như: Hệ thống thuyết minh tự động sử dụng nhiều ngôn ngữ tại khu vực Đại Nội và các lăng tẩm; sử dụng công nghệ mã QR code để nâng cao trải nghiệm tham quan của du khách. Du khách đến với Đại Nội Huế cũng có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Đà Nẵng thì đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Danang Fantasticity”, là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore)...

Xu hướng tất yếu

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan tỏa mạnh mẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Du lịch thông minh từ đó cũng hình thành. Du lịch thông minh là các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ với phương pháp tiếp cận sáng tạo, nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách. Trước bối cảnh đó, ngành du lịch Việt Nam đã tiếp cận nhanh chóng với hình thái du lịch thông minh để có thể đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.

Trên tinh thần ấy, thời gian qua các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ban, ngành trên cả nước đã tập trung phát triển, triển khai nhiều ứng dụng kết nối liên thông, hệ thống thông tin phục vụ điều hành quản lý nhà nước. Với vai trò chủ trì, Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ứng dụng này hỗ trợ kết nối du khách, cung cấp cơ sở du lịch và cơ quan quản lý du lịch trên nền tảng chung. Khách du lịch có thể dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến, cập nhật bản đồ số để biết cảnh báo an toàn và tìm kiếm thông tin về các dịch vụ (nhà hàng, khách sạn...) và nhiều thông tin khác tại đây.

Bên cạnh đó, các báo điện tử, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, website đã trở thành hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến. Những công cụ này không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch mà còn kịp thời thông tin, phản ánh các hoạt động văn hóa, thể thao địa phương. Ngoài ra, du khách có thể được hỗ trợ các hoạt động du lịch ngay trên chiếc điện thoại như các tính năng: Bản đồ du lịch, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết... đồng thời có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch.

Đó chỉ là một trong những hoạt động cho thấy ngành du lịch nước ta đã và đang có những bước chuyển đổi tích cực, mạnh mẽ, trong đó phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số được đẩy mạnh, đem đến những chuyển biến đột phá cho ngành, giúp du khách hưởng lợi, có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

HOÀNG VIỆT