Cụ ông tên là Nguyễn Văn Tấn, còn vợ ông là bà Hà Thị Thanh, ngụ tại đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Ông bị thương nặng ở hai chân trong một trận chiến đấu của lực lượng biệt động thành phối hợp với quân chủ lực đánh địch trên cầu Thị Nghè khi tiến vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975, nên phải ngồi xe lăn mỗi khi cần di chuyển. Khi trái gió trở trời, vết thương vẫn hành hạ ông bằng những cơn đau nhức. Ông bảo, khi những cơn đau qua đi, ông lại muốn kể cho ai đó nghe một kỷ niệm thời chiến tranh của mình. Chuyện ông kể nhiều nhất là về những dòng kênh của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Mỗi dòng kênh là một câu chuyện ấn tượng, là những thước phim quay chậm. Nó tái hiện trong tôi về những mạch nguồn của thành phố một thời chiến tranh và một thời hòa bình, phát triển.

leftcenterrightdel
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Trước khi kể câu chuyện nào đó, ông đều kiểm tra sự hiểu biết của tôi bằng những câu hỏi mở đầu, rồi lại tự trả lời thay tôi. Chiều nay ông hỏi: “Cháu có biết tại sao người ta lại gọi là kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè không?”. Tôi lắc đầu mỉm cười để ông nói tiếp. Ông chỉ tay về phía cầu Thị Nghè gật gật đầu: Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài hơn 9.000m, bắt đầu từ quận Bình Thạnh giáp với sông Sài Gòn, đi qua các quận: 1, 3, 10, Phú Nhuận và Tân Bình. Người ta chia kênh làm hai đoạn. Đoạn từ cầu Thị Nghè (quận 1) trở lên đầu nguồn (quận Tân Bình) gọi là Nhiêu Lộc. Đoạn từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn gọi là Thị Nghè, tên gọi của dòng kênh này được ghép với các từ Nhiêu Lộc và Thị Nghè.

Tôi nhớ có lần ai đó nói kênh này còn gọi là kênh Trương Minh Giảng. Thắc mắc của tôi đã được ông giải đáp ngay: Trước năm 1975, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè được gọi là kênh Trương Minh Giảng, vì nó băng qua cây cầu cùng tên. Sau ngày đất nước thống nhất, cái tên Nhiêu Lộc-Thị Nghè chính thức được sử dụng trở lại cho đến ngày nay. Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là chứng tích cho công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Sài Gòn-Gia Định xuyên suốt nhiều thế kỷ. Nó còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử với nhiều chiến công hiển hách của quân và dân thành phố trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Với ông Tấn, trận đánh địch cố thủ trên cầu Thị Nghè sáng 30-4-1975 là một kỷ niệm để đời. Hơn 7 giờ ngày hôm đó, lực lượng biệt động dẫn một mũi tấn công của quân chủ lực đánh chiếm được phía đông cầu Thị Nghè (cầu Sài Gòn). Tại đây, quân địch từ thế chủ động bị dồn thành bị động nên đã điên cuồng chống trả bằng hỏa lực mạnh. Nhằm cản đường tiến công của Quân giải phóng, địch tìm đủ mọi cách để đánh sập cầu, nhưng pháo binh và hỏa lực của Quân giải phóng đã phá tan âm mưu đó. Đến 9 giờ, mũi tiến công của ta tiếp tục vượt cầu Thị Nghè tiến vào thành phố, tiêu diệt tàn quân ngụy co cụm lại tại ngã tư Hàng Xanh, rồi tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Trong lúc chiến đấu với địch ở cầu Thị Nghè, ông Tấn đã bị đạn địch găm vào chân, phải đưa về phía sau cấp cứu. Ông nói: “Thật tiếc khi bị thương trên cầu, nếu không tôi đã cùng đoàn quân tiến vào sào huyệt cuối cùng của quân địch rồi”.

Nói đoạn, ông nheo mắt nhìn ra phía xa, nơi những hàng cây xanh chạy đều tít tắp hai bên bờ kè bê tông thoáng đãng. Chắc ông đang nhớ về những ngày xưa, khi nơi đây là dòng kênh trong xanh, mọi người có thể ra tắm, bắt ốc, câu cá. Rồi những ngày người dân các tỉnh kéo về dựng nhà dọc hai bên bờ kênh, có nơi họ còn cơi nới, lấn ra tận giữa lòng kênh. Và dòng Nhiêu Lộc-Thị Nghè trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, ngày càng bị bồi lắng, đen ngòm và hôi thối. Những năm cuối thế kỷ 20, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm cải tạo con kênh để dòng nước xanh trong trở lại. Tôi nhìn về phía những hàng cây và cả những cây cầu khang trang bắc qua dòng kênh. Đó là thành quả bắt nguồn từ những quyết định hơn 25 năm trước của lãnh đạo thành phố, nhằm mang lại vẻ đẹp và sự quyến rũ của tuyến kênh đã gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Giờ đây, khi sải bước bên dòng Nhiêu Lộc-Thị Nghè, mọi người đều thấy sảng khoái, dễ chịu. Chiều chiều, các cụ già rất thích dạo chơi, tập thể dục bên dòng kênh. Còn các cô cậu thanh niên thì có thói quen dẫn người yêu ra kênh Tàu Hủ-Bến Nghé để ngắm thành phố lúc lên đèn. Thật chẳng còn gì lãng mạn hơn khi đứng ở kênh Tàu Hủ, đón gió mát rười rượi và ngắm thành phố chuyển mình mỗi ngày như thế. Khách du lịch có dịp đến TP Hồ Chí Minh cũng không bỏ qua địa điểm này để thưởng ngoạn một chuyến tàu du lịch trên dòng kênh.

Hoàng hôn nhuộm tím đỏ mặt nước. Giọng kể của ông Tấn bỗng chốc như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, thu hút đến kỳ lạ. Ông lại kể cho tôi nghe về kênh Tàu Hủ. Con kênh có chiều dài khoảng 6km, chạy quanh từ cầu Chữ Y tới kênh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm. Kênh này nguyên có tên là Cổ Hũ, hay Củ Hủ vì có đoạn phình ra rồi thắt hẹp lại như cổ hũ dừa (các vật có hình dáng phình ra rồi thắt lại đều gọi là cổ hũ). Từ cổ hũ hay củ hủ gọi không quen thuộc như tàu hủ, nên lâu dần nó có tên là Tàu Hủ.

Những người sống ở đây lâu năm lý giải họ gọi đây là kênh Tàu Hủ vì khi dòng kênh đang dần bị bồi lấp, nước đen ngòm cùng những thứ trôi nổi trên đó làm người ta liên tưởng đến tương, chao, tàu hủ nên gọi như vậy. Dòng kênh là nơi kết nối trên bến dưới thuyền của đất Gia Định, Chợ Lớn thời bấy giờ. Mỗi ngày mặt kênh đều tấp nập xuồng, ghe. Ghe thì chở hoa kiểng, trái cây, ghe thì chở đồ sành sứ từ miệt Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An lên, hay từ Bình Dương, Đồng Nai xuống theo ngả cầu số 2 hoặc từ ngả Bến Nghé lướt theo con nước vừa lên. Từ ngày dự án cải tạo môi trường thành phố được thực hiện, nhịp sống kênh Tàu Hủ trở nên sôi động hơn. Xuồng ghe vận tải, tàu du lịch nhộn nhịp ngày đêm đã làm thay đổi diện mạo một con kênh, nơi mà mới chỉ 10 năm trước còn tù đọng, nhếch nhác, ô nhiễm và là nơi sống vất vưởng của những phận đời cơ cực.

leftcenterrightdel
Người dân tập thể dục bên đường Hoàng Sa, cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Chẳng những là nơi tấp nập giao thương buôn bán, kênh Tàu Hủ còn là địa danh lịch sử của thành phố trong kháng chiến chống quân xâm lược với nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 1934, phong trào tổng bãi công sôi nổi ở Nam Bộ đã mở đầu bằng cuộc tổng bãi công của cả 12 nhà máy xay, dọc theo kênh Tàu Hủ. Đầu năm 1938 lại nổ ra cuộc bãi công của 4.000 thợ trên 350 chiếc thuyền chở gạo, hàng nghìn công nhân ở các nhà máy xay... Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã nhiều lần vượt qua kênh Tàu Hủ để tấn công địch ở nhiều vị trí của trung tâm thành phố, nhất là vào dịp Tết Mậu Thân (1968). Quả đúng là thông qua lời kể của ông Tấn, nếu không dạo bước trên những bờ kênh tươi đẹp này, tôi sẽ chẳng biết được những biến cố thăng trầm mà chúng đã trải qua.

Nghe ông Nguyễn Văn Tấn kể về những dòng kênh, tôi nhớ lại cảm giác ngồi trên máy bay mỗi lần cất, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Chao ơi! Thành phố với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, trông chẳng khác những con rồng đang uốn lượn, ôm chặt lấy vùng đất anh hùng. Chẳng ngần ngại, tôi đề nghị ông kể thêm về một con kênh nữa. Người cựu chiến binh già mỉm cười thật tươi và tiếp tục bài thuyết minh của mình: Sau tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm cải tạo. Nằm ở phía tây thành phố, kênh Tân Hóa - Lò Gốm là dòng kênh thoát nước chính của thành phố dài hơn 7km, chảy qua các quận: Tân Bình, 6, 11 và Tân Phú. Sau hàng chục năm bị bỏ quên, bị lấn chiếm trái phép, con kênh chỉ còn là những rãnh nước ô nhiễm nghiêm trọng. Từ cầu Lò Gốm thuộc quận 6 chạy ngược lên thượng nguồn về phía quận Tân Bình, Tân Phú, dòng kênh ngày càng hẹp lại, nước bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Với quyết tâm của chính quyền thành phố, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được thực hiện. Giờ đây, dòng kênh đang sáng đẹp lên, cùng với sự phát triển không ngừng của thành phố mang tên Bác kính yêu.

Giờ thì tôi hiểu nhiều hơn về dự án cải tạo những dòng kênh đã góp phần tạo gương mặt mới cho cảnh quan đô thị, mở ra cơ hội cho du lịch thành phố trên sông nước, một thế mạnh của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phương Nam. Rồi mai đây, từ bến Bạch Đằng (quận 1), sẽ tấp nập khách du lịch trên những tuyến buýt sông đi Bình Quới - Thanh Đa, rồi đi Bến Dược (Củ Chi), hay từ trung tâm quận 1 đến các chùa cổ, các di tích văn hóa ở quận 5, quận 6. Xa hơn sẽ là tuyến du lịch qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đến các vựa cây trái của miền Tây Nam Bộ.

Tôi cùng bà Thanh đẩy xe lăn đưa ông Tấn đi dọc bờ kênh về nhà. Phía xa xa, con thuyền Cafe du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đang tiến dần về phía chúng tôi. Ánh đèn từ con thuyền rạng dần lên, vọng tiếng hát đờn ca tài tử. Thành phố rực rỡ ánh đèn rọi xuống mặt nước lung linh, huyền ảo. Những dòng kênh lịch sử, thân thương đang gieo vào hồn tôi những cảm xúc rạo rực. Cảm xúc tự hào, lâng lâng khi được sống, được chiêm ngưỡng cảnh quan tươi đẹp mà sông nước Nam Bộ mang lại, để sống sao cho xứng đáng với một đô thị hiện đại, một thành phố anh hùng.

Bài và ảnh: LÊ CÚC