Ngập vì đủ nguyên nhân
Câu chuyện sống chung với ngập lụt của người dân TP Hồ Chí Minh hoàn toàn không mới. Tuy nhiên, càng những năm gần đây, khi tốc độ đô thị hóa gia tăng, khi biến đổi khí hậu có xu hướng cực đoan hóa, tình trạng ngập lụt càng trở nên bức bối.
Trận lụt “kinh hoàng” nhất trong thời gian gần đây ở TP Hồ Chí Minh xảy ra vào chiều 26-9-2016. Trận mưa lớn kéo dài 2 giờ đồng hồ đã gây ngập nặng 59 tuyến đường của thành phố, khiến giao thông rối loạn, hàng loạt nhà dân và cửa hàng bị nước tràn vào, nhiều bãi đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập làm hàng chục chuyến bay phải chuyển hướng... gây xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân ở đô thị lớn nhất nước. Theo Trung tâm điều hành chống ngập TP Hồ Chí Minh, có một số nguyên nhân cơ bản gây nên trận lụt này như: Lượng mưa vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước, tình trạng người dân xả rác xuống hệ thống thoát nước gây cản trở dòng chảy, nhiều dự án đã được triển khai để xóa các điểm ngập nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục, hoặc thi công chậm…
Người dân TP Hồ Chí Minh sẽ sớm thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên ngập lụt? Ảnh: Tuấn Vũ
Ở góc độ quy hoạch, nguyên nhân chính của việc ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh là do kênh rạch bị lấp. Chỉ trong 2 thập kỷ qua, 60% kênh rạch đã “biến mất”. Hơn nữa, về mặt địa hình, TP Hồ Chí Minh cao ở hướng bắc và thoải dần về hướng nam. Vì thế, hướng nam đã là hướng thoát nước chính của cả thành phố. Tuy nhiên, quyết định xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cùng hàng loạt dự án phát triển ồ ạt tại phía nam thành phố đã gây lo ngại chặn mất lối thoát nước của thành phố.
Một nguyên nhân khác được các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh nhìn nhận là sự thiếu đồng bộ trong xây dựng hạ tầng. Nhiều con đường làm xong không chú ý đến hệ thống cống thoát nước, dẫn tới tình trạng "đường ngập là do không có cống". Nguyên nhân là do các nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính toán làm sao có lợi nhất cho mình, chỉ lo làm phần trên mặt đất mà không lo làm phía dưới.
Siêu dự án chống ngập
Với số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, lần đầu tiên một dự án chống ngập nước được thực hiện bằng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), thay vì sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đã được khởi động. Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, dự kiến kiểm soát ngập do triều cường và có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh, đồng thời chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Theo chủ đầu tư, dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn bao gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Quy mô bề rộng cống lên tới 40x160m, cao trình đáy cống 10x3,6m. Tàu thuyền được bảo đảm qua lại bình thường khi cửa cống mở và qua âu thuyền khi cửa cống đóng. Cùng đó, dự án còn xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36m3/giây. Đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh-giai đoạn 1 bao gồm khoảng 7,8km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 25 cống nhỏ có khẩu độ 1x10m từ sông Vàm Thuật đến rạch Mương Chuối. Địa điểm xây dựng các hạng mục của công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Để chống ngập do mưa, dự án sẽ tạo ra hồ điều tiết rất lớn để dự phòng trữ nước đón mưa, tự tạo ra độ dốc thủy lực để rút nhanh nước từ hệ thống cống tiêu thoát ra kênh. Ngoài ra, dự án còn có các trạm bơm tại cống ngăn triều để bơm nước từ nội đồng ra.
Theo hợp đồng, Tập đoàn Trung Nam bảo đảm hoàn thành dự án trong 36 tháng. Tuy nhiên, với sự tạo điều kiện tối đa của UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng, Tập đoàn Trung Nam đã cam kết hoàn thành dự án trước 12 tháng, trong khi vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Và đến hiện tại, dự án đang gấp rút thực hiện với hơn 30% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa, đây là dự án rất lớn, không chỉ chống ngập mà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Về hiệu quả của dự án, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vina Mekong (một trong bốn đơn vị tư vấn thiết kế dự án), không khẳng định sẽ hết ngập nước vì hiện nay các cống thoát nước đã cũ, có kích thước nhỏ và có khi còn bị nghẹt do vướng rác, không bảo đảm thoát nước ra kênh rạch khi trời mưa nên vẫn có khả năng xảy ra ngập nước. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được giải quyết khi Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến cống thoát nước để đồng bộ với dự án giải quyết ngập nước.
VÕ ANH