Những hoạt động viếng nghĩa trang, thắp nến tri ân, dâng hương các anh hùng liệt sĩ, tri ân các gia đình cựu tù chính trị, người có công với cách mạng... góp phần giáo dục truyền thống, hun đúc tinh thần yêu nước, tạo động lực cho thế hệ hôm nay cùng thi đua đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng giàu đẹp.

Xúc động và tự hào

 Nghĩa trang Hàng Dương là điểm đến đầu tiên trong hành trình tri ân ý nghĩa của đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh cùng đại diện các cựu tù chính trị ở Côn Đảo năm xưa. Dâng nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhiều thành viên của đoàn không giấu được niềm xúc động, bồi hồi. Đã trải qua 47 năm đất nước thống nhất nhưng với các cựu tù chính trị từng bị địch giam cầm, tra tấn ở Côn Đảo, những câu chuyện thử thách ý chí, sức chịu đựng, lòng kiên trung và tình đồng đội vẫn như mới xảy ra tại “địa ngục trần gian”. Bao kỷ niệm chợt ùa về trên gương mặt, lời kể của những người còn sống được hội ngộ, cùng những tâm sự với các đồng đội đã mãi yên nghỉ nơi mảnh đất thiêng này.

Là Phó trưởng ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh, ông Võ Ái Dân nhớ lại, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị địch đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1964 đến 1975. Những khó khăn, gian truân khi kẻ địch tra tấn người tù chính trị khó mà kể xiết, chỉ có ý chí, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do mới giúp mọi người trụ vững. “Từ sau ngày thống nhất đất nước, tôi đã trở lại Côn Đảo tổ chức được 40 lễ giỗ cho các anh hùng liệt sĩ. Mỗi lần trở lại, đứng trước phần mộ đồng đội mãi mãi nằm lại mảnh đất này, chúng tôi dâng lên niềm xúc động sâu sắc, nguyện với lòng khi còn sống thì phải luôn cống hiến cho đất nước, để xứng đáng với các đồng đội đã anh dũng hy sinh”.

Còn với người cựu tù chính trị Chu Văn Mẫn, mỗi lần đến Côn Đảo, ông đều phải đến thăm, viếng người anh, người đồng đội là Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Chí Hiếu. Ông Mẫn nhớ lại rằng, trong tù, đồng chí Lưu Chí Hiếu cũng như nhiều tù chính trị khác đã phải trải qua đủ loại cực hình tàn ác của địch nhưng lúc nào cũng giữ vững khí phách, động viên mọi người vững vàng ý chí. Tinh thần bất khuất của đồng chí Lưu Chí Hiếu chính là động lực to lớn để ông Mẫn vượt qua giai đoạn bị địch tù đày khắc nghiệt tại Côn Đảo. Kể từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông đều đặn thực hiện lời hứa với chính bản thân là ra Côn Đảo để thăm viếng, cúng giỗ các tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã nằm lại tại mảnh đất linh thiêng này.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm, tri ân các gia đình chính sách tại Côn Đảo.

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nữ cựu tù chính trị Bùi Thị Son vẫn thường xuyên ra Côn Đảo để về với những đồng chí, đồng đội năm nào. Bà Son tâm sự: “Tôi nhiều lần bị địch bắt tù đày tại Côn Đảo, bị nhốt vào trong “chuồng cọp”. Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, Côn Đảo đã phát triển hơn, đẹp hơn. Từng tấc đất, ngọn cây nơi đây đều chứa đựng tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng yêu nước của các thế hệ chiến sĩ cách mạng từ năm 1862 đến năm 1975. Chúng tôi mong rằng, thế hệ trẻ hiểu rõ về Côn Đảo, từng ví như “địa ngục trần gian” năm xưa thì hôm nay phải xây dựng như “thiên đường ở trần gian” để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ trước”.

Hành trình của đoàn đã đi qua nhiều di tích lịch sử tại Côn Đảo. Ở mỗi nơi, chúng tôi được các nhân chứng kể lại nhiều câu chuyện đã gắn bó với họ trong khoảng thời gian “không bao giờ quên”. Qua từng câu chuyện, dẫu có căm phẫn với sự tàn ác của kẻ địch nhưng luôn ánh lên sự xúc động, niềm tự hào sâu sắc về ý chí đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Côn Đảo đã là “trường học đấu tranh cách mạng”, “tôi luyện” nên nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiên trung, là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Thị Sáu, Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Chí Hiếu, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Văn Việt...

Về với Côn Đảo hôm nay, tham quan những di tích chuồng cọp, chuồng bò, xà lim, hầm xay lúa, cầu tàu 914, bãi sọ người, cầu Ma Thiên Lãnh hay các trại giam Phú Hải, Phú Tường..., chúng ta càng khâm phục ý chí sắt đá của những người cộng sản, đã hy sinh thân mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè chia sẻ: “Đất nước được độc lập, tự do như hôm nay đã có biết bao máu xương của anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước ta đổ xuống, hòa vào đất mẹ nơi Côn Đảo thiêng liêng. Quãng đời thanh xuân đẹp nhất của các chiến sĩ cách mạng đã khẳng định bản lĩnh, ý chí quật cường trước gông cùm, xiềng xích, các đòn tra tấn của kẻ thù và luôn luôn giữ vững lý tưởng vì độc lập, tự do cho đất nước. Chúng tôi càng thêm khâm phục, sẽ viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện, lao động và cống hiến”.

Trên nền nhạc hùng tráng của ca khúc: “Linh thiêng Việt Nam”, "Đồng đội ơi", tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đã dâng hương, thắp nến tri ân lên từng phần mộ trong Nghĩa trang Hàng Dương, tại Nghĩa trang Hàng Keo và các bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên địa bàn huyện Côn Đảo.

Đồng chí Trương Minh Tước Nguyên, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ xúc động: “Về với Côn Đảo, được lắng nghe lịch sử, tham quan di tích, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tuổi trẻ thành phố thêm tự hào về truyền thống, nguyện son sắt một lòng, sống xứng đáng với các thế hệ cha anh bằng những công trình, phần việc thanh niên sáng tạo, thiết thực, đóng góp trí tuệ và sức trẻ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung. Trước mắt, tuổi trẻ thành phố sẽ xung kích, thi đua sáng tạo, tổ chức thành công đại hội đoàn các cấp”.

leftcenterrightdel

Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh thực hiện lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Tri ân thiết thực
Khắc sâu truyền thống, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, cựu tù chính trị tại Côn Đảo... Trong hành trình tri ân về với Côn Đảo dịp này, lãnh đạo thành phố đã tổ chức các đoàn đến thăm, trao quà các đồng chí cựu tù chính trị, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... trên địa bàn. Những cái ôm đầm ấm, cái bắt tay siết chặt của lãnh đạo thành phố với các gia đình, cùng những câu chuyện xen lẫn nụ cười và giọt nước mắt xúc động khiến các buổi gặp gỡ tri ân thêm lắng đọng, nghĩa tình.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trên mảnh đất Côn Đảo nói riêng, cả nước nói chung sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Thế hệ hôm nay thật may mắn khi được sống, lao động, rèn luyện trong tự do, hòa bình, độc lập. Chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước chí khí chiến đấu kiên cường, trước tình đồng chí cộng sản nghĩa tình, son sắt của các chiến sĩ cách mạng nơi Côn Đảo thiêng liêng và những nhân chứng còn sống chính là “tài sản” quý đại diện cho thế hệ anh hùng của cha ông ta”.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, mỗi thời đại đều sinh ra một thế hệ và mỗi thế hệ đều có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Thế hệ chúng ta hôm nay không chỉ làm tốt công việc hiện tại, mà phải suy nghĩ và hành động theo gương những thế hệ đi trước, bồi dưỡng cho thế hệ mai sau kế thừa xứng đáng truyền thống, sự nghiệp, nối dài lý tưởng vì sự phát triển giàu đẹp của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

leftcenterrightdel

Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh học tập truyền thống tại các bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), cùng với hành trình tri ân tại Côn Đảo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh còn triển khai nhiều hoạt động tri ân thiết thực khác tại thành phố và nhiều địa phương trên cả nước với tổng kinh phí hơn 76 tỷ đồng.

Theo đồng chí Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, để Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành hoạt động thường xuyên, đi vào chiều sâu, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị đẩy mạnh các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, xã hội hóa huy động nguồn lực để góp phần cải thiện đời sống cho người có công, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho gia đình chính sách với sự tham gia của cả hệ thống chính trị thành phố.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG