Những âm thanh... ám ảnh

Đó là trường hợp bệnh nhân Trần Hữu N, 49 tuổi, làm nghề trông giữ xe ở một bệnh viện. Ngày đầu tiên phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, anh N. được đưa vào Phân khoa Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 7A, Quân khu 7) lúc khoảng 3 giờ chiều. Anh thuộc dạng chắc con, sức khỏe thoạt nhìn có vẻ tốt. Lúc mới vào viện, anh vẫn nói cười thoải mái, đi lại ngó nghiêng các phòng bên cạnh. Anh bảo: “Hằng ngày tôi chỉ ngồi một chỗ phát thẻ xe và thu tiền lẻ; khẩu trang thì đeo hai chiếc, đi bao tay hẳn hoi. Vậy mà vẫn không tránh khỏi! Tổ giữ xe của tôi, người trước, người sau nhập viện hết”... Nhìn anh, ai cũng nghĩ anh chỉ bị... cảm cúm sơ sơ. Nào ngờ đêm đó, anh N. ho mỗi lúc một nhiều hơn. Thứ âm thanh đặc trưng của bệnh nhân Covid-19 thể vừa và nặng nghe thật não nề, tưởng chừng người bệnh sắp bị xé toang cổ họng. Lúc bớt ho anh lại lịm đi. Cả đêm, liên tục tiếng bước chân của bác sĩ, điều dưỡng ra vào phòng anh, theo dõi sát sao từng diễn biến để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp. Và cũng đêm đó, tiếng leng keng phát ra từ chiếc xe đẩy bình oxy đến phòng bệnh nhân khiến mọi người mất ngủ. Mỗi lần nghe âm thanh ấy, anh bạn nằm cùng phòng tôi tỏ ra kinh nghiệm: “Chơi bình oxy lớn cỡ này, chắc chắn phổi lại xẹp lép”.

Ở phòng bệnh nhân khác, cả hai giường bệnh đều đặt máy monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Cái máy phát ra tiếng kêu tít tít đều đặn và nhấp nháy hiển thị các thông số về huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, chỉ số SpO2... Bình thường là thế, nhưng có lúc nó rít lên gấp gáp báo động liên hồi, khiến các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực vội vã lao đến giường bệnh kiểm tra, theo dõi và can thiệp y tế. Mấy bệnh nhân nặng, nhiều bệnh lý nền thường phải “xài” thứ máy móc hạng sang ấy. Tiếng rít liên hồi còn ám ảnh cả những bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ ở phòng gần đó mỗi khi nghe thấy. Họ ngó ra cửa để theo dõi, “hóng” tin trong tâm trạng phập phồng, lo lắng. Bệnh nhân Vũ Hữu Q. dắt theo cậu con trai 5 tuổi bước ra hành lang, nét mặt lo âu bởi vợ anh đêm qua cũng ho không ngớt. Cậu bé hỏi: “Khi nào mình mới được về nhà hả ba? Ở đây nhiều tiếng kêu, con sợ lắm!”. “Ráng lên, đợi mẹ khỏe thì cả nhà mình cùng về”, anh Q. trả lời. Cậu bé gặng thêm: “Khi nào mẹ mới khỏe?”. Anh Q. nhìn vào phòng. Vợ anh vẫn mệt mỏi, nằm ho khan. Im lặng một hồi, anh Q. mới trả lời con: “Ba cũng không biết nữa. Con phải ngoan, nhanh hết bệnh thì mẹ sẽ khỏe”.

Nói rồi, anh dẫn con vào phòng, nhẹ nhàng vỗ lưng cho vợ. Tiếng bộp bộp đều đặn giúp vợ anh dễ thở hơn và bớt ho đôi chút. Gia đình anh Q. cả 3 người nhập viện đã hơn chục ngày nay. Anh và con trai nhiễm Covid-19 thể nhẹ nên sức khỏe ổn định, triệu chứng giảm nhanh. Vợ anh bị nặng hơn, mệt mỏi, ho nhiều. Từ khi nằm viện, anh Q. vẫn hay giật mình với những âm thanh leng keng, tít tít hay tiếng vỗ lưng bộp bộp và tiếng ho khan rát bỏng...

leftcenterrightdel

Nhân viên quân y siêu âm cho bệnh nhân Covid-19 ở Phân khoa Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 7A).

Ân tình người thầy thuốc quân y

Bẵng đi mấy ngày do chuyển sang phòng khác để bệnh viện thiết lập hệ thống oxy, trở về phòng cũ, tôi gặp anh Q. vẫy tay chào, ánh mắt anh rất vui. “Cả nhà tôi âm tính lần 2 rồi, sáng mai được xuất viện về nhà anh ạ”, anh Q. khoe. “Âm tính” là kết quả mà bất cứ bệnh nhân Covid-19 nào cũng mong đợi, mong đợi đến bồn chồn gan ruột nếu như vài lần xét nghiệm mà bác sĩ vẫn thông báo “chưa âm”. Anh Q. chia sẻ: “Thấu hiểu nỗi lòng của vợ chồng tôi và thương cháu bé nên mấy ngày nay bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc vợ tôi từng li từng tí và động viên, khích lệ vợ tôi mỗi ngày. Vợ chồng tôi như có thêm sức mạnh để vượt lên chính mình, chiến thắng bạo bệnh”.

Là người trong cuộc, tôi hiểu những gì anh Q. nói. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây chẳng bệnh nhân nào nhìn rõ mặt, chỉ biết tên và chức vụ ghi vắn tắt trên áo, nhưng ai cũng nhớ ánh mắt chan chứa yêu thương cùng giọng nói nhẹ nhàng, thân thiết. Họ làm việc bằng tình thương và trách nhiệm, bằng lương tâm và sự cảm thông bởi trước mặt họ là tính mạng của bệnh nhân; sau lưng họ là niềm tin của xã hội, là sự ngóng chờ của gia đình, người thân bệnh nhân đang từng giờ âu lo, mong đợi... Có lẽ vì thế mà có hôm khi vừa hết ca trực, thay đồ bảo hộ thì bệnh nhân diễn biến nặng, những thầy thuốc quân y lại vội vã mặc đồ quay trở lại phòng bệnh. Và thời gian làm việc của họ lại kéo dài thêm nhiều giờ nữa!

Gần 5 tháng qua, Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đình Duy, phụ trách Phân khoa Điều trị bệnh nhân Covid-19, bám trụ liên tục tại đơn vị, chưa một lần về nhà thăm gia đình, vợ con. Ở trong phân khoa-nơi được ví là “vùng đỏ đậm đặc” của bệnh viện, ngày ngày bác sĩ Duy và đồng nghiệp ân cần chăm sóc, động viên, chữa trị cho các bệnh nhân không may bị nhiễm Covid-19. Tôi còn nhớ như in dáng vẻ tất bật và bước đi như chạy của bác sĩ Duy khi mới xong ca trực lại nhận được thông tin có bệnh nhân trở nặng. Vừa bước vào phòng, anh liền đỡ bệnh nhân nằm nghiêng, kiểm tra các chỉ số sinh tồn, rồi vừa vỗ lưng cho bệnh nhân, vừa động viên, khích lệ người bệnh: “Cố gắng lên! Bác chỉ việc hít thật sâu, thở nhẹ nhàng, còn những việc khác đã có cháu hỗ trợ”. Từng lời nói, động tác đều rất nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn giúp người bệnh yên tâm thực hiện theo y lệnh để vượt qua thời khắc hiểm nghèo. Rồi mỗi buổi sáng, khi bước vào phòng tôi, bác sĩ Duy đều hỏi: "Hôm nay anh thấy sức khỏe thế nào? Có ho, có sốt, có đau ngực, khó thở gì không? Đêm qua anh ngủ ngon chứ?"... Sau khi đo chỉ số SpO2, bác sĩ Duy bảo: “98%, tốt rồi anh ạ”. Có lần tôi hỏi về chỉ số SpO2, bác sĩ Duy nhẹ nhàng giải thích: SpO2 là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Đối với bệnh nhân Covid-19, chỉ số này vô cùng quan trọng, dưới 95% là phải thở bình oxy, dưới nữa sẽ phải thở máy, thậm chí phải can thiệp kỹ thuật hỗ trợ tim, phổi nhân tạo (ECMO). Trường hợp đó rất có thể phải chuyển lên "tầng 3" (tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch theo mô hình “tháp 3 tầng”)...

leftcenterrightdel

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân Covid-19.

Cũng mấy tháng nay sát cánh cùng đồng nghiệp trực tại bệnh viện, bác sĩ Thu, bác sĩ Vũ, điều dưỡng Duẩn, điều dưỡng Huỳnh... ngày ngày thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân. Từ 5 giờ 30 phút đến tận 23 giờ, những thầy thuốc quân y vẫn luôn bên người bệnh để theo dõi, phát hiện triệu chứng bất thường. Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Tăng Thị Mộng Thu, Quyền chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm-Da liễu, tâm sự: “Biến chủng Delta vô cùng nguy hiểm, nên đợt dịch thứ tư thực sự là một cuộc chiến khốc liệt! Bệnh nhân Covid-19 diễn biến rất nhanh và phức tạp khó lường, nhất là với các trường hợp nặng, có bệnh lý nền. Hơn nữa, họ lại không có người thân bên cạnh, tất cả đều do nhân viên y tế đảm nhiệm nên cường độ làm việc của chúng tôi vô cùng căng thẳng. Thêm vào đó là tâm lý hoang mang, nên các bác sĩ, nhân viên y tế còn gánh thêm cả chức năng tư vấn tâm lý, trở thành chỗ dựa tinh thần cho người bệnh”.

Mệt mỏi, vất vả, nhưng tất cả đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở đây luôn tự nhủ không được kiệt sức trong lúc này, bởi họ đã xác định tư tưởng, dự đoán được những khó khăn và cả hiểm nguy tiềm ẩn. Hằng ngày, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín và nóng làm cạn kiệt sức lực nhưng vì nhiệm vụ, vì tính mạng của đồng đội và nhân dân nên họ luôn cứng cỏi vượt qua. Tôi cũng từng mặc bộ đồ đó trong lúc tác nghiệp, vướng víu, mồ hôi chảy liên tục dọc sống lưng, ướt đầm đìa, tóc bết lại... khiến tâm trạng người ta thay đổi, mệt mỏi và có lúc tưởng chừng như thiếu oxy. Cảm giác ấy đến tận bây giờ và mãi sau này tôi cũng không quên được.

Vậy mà, suốt mấy tháng nay, trong bộ đồ bảo hộ, các y sĩ, bác sĩ căng mình làm việc nơi trận tuyến khốc liệt nhất, trong “vùng đỏ đậm đặc” ở thành trì chống dịch để giành giật sự sống cho bệnh nhân, dốc hết sức vì sự “bình thường mới” của Thành phố mang tên Bác. Đúng như lời Đại tá, TS, bác sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A: “Đó không chỉ là tinh thần, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ-người thầy thuốc quân y, mà còn là tình cảm, trách nhiệm và nhiệt tâm cống hiến xuất phát từ trái tim vì đồng đội, vì nhân dân của những người đã nguyện cả đời làm tròn lời thề Hippocrates”.

Box: Phân khoa Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 7A, Quân khu 7) chính thức tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ đầu tháng 8-2021. Với khoảng 60 cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế (cả tăng cường) và từng bước được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, phân khoa đã điều trị khỏi cho hơn 170 bệnh nhân. Hiện còn gần 40 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, đang được chăm sóc, điều trị tại phân khoa.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG