Nhiều người nói với nhau: “Thành phố bịnh thật rồi”. Có người còn ví von là “Thành phố bị cảm cúm”, “Thành phố đang lên cơn sốt” hay “Thành phố buồn miên man”... Nhưng có nói thế nào đi nữa cũng đều là cảm xúc xót xa, thương yêu và chia sẻ đến cháy lòng khi giờ đây TP Hồ Chí Minh đang từng giờ, từng ngày phải căng mình chống dịch. Vùng đất “hai mùa mưa nắng” luôn bao dung, nghĩa tình, chở che cho biết bao người đến đây làm ăn sinh sống, sinh hoạt đang bị tổn thương lớn. Và những người “lấy phố làm nhà”, ngày ngày mưa nắng bám chợ, bám những con phố để mưu sinh đang chới với, héo mòn... 

leftcenterrightdel

Quán cơm 0 đồng. Tranh của LÊ SA LONG 

Những ngày qua, cư dân mạng rất xúc động và đồng cảm với họa sĩ Lê Sa Long, hiện là giảng viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh với bộ tranh ký họa “Sài Gòn những ngày giãn cách”. Những bức tranh của người họa sĩ một thời là Bộ đội Cụ Hồ đã khắc họa nhiều câu chuyện cảm động, nhiều hình ảnh nghĩa tình nơi tâm dịch. Đó là cảnh nữ bác sĩ trẻ Phạm Thị Thanh Thúy của Bệnh viện Trưng Vương vắt sữa nuôi cháu bé 7 tháng tuổi đang điều trị Covid-19; là bé gái 5 tuổi ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh bị dương tính Covid-19 phải một mình bước lên xe ô tô để đến bệnh viện điều trị; là cảnh những con đường, vườn hoa bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vắng tanh trong những ngày giãn cách; là "ATM lướt ống” độc đáo ở nhà thờ Tân Sa Châu (Tân Bình), cảnh những quán cơm 0 đồng, những tình nguyện viên phát suất ăn cho người nghèo... Những bức tranh của Lê Sa Long đã tác động lớn vào trái tim người xem, khiến ai cũng rưng rưng và dành tất cả yêu thương của mình cho thành phố. Họa sĩ Lê Sa Long tâm sự: “Tôi chỉ muốn góp phần lan tỏa yêu thương đến với mọi người để cùng nhau vượt qua đại dịch”. Nhưng tôi thì hiểu rằng, đó là cách riêng mà người họa sĩ thể hiện tình yêu với TP Hồ Chí Minh. Tình yêu ấy sẽ góp phần tiếp thêm động lực để thành phố chiến thắng Covid-19.

 Sáu ngày nay, vợ chồng ông Huỳnh Văn Quang, 53 tuổi, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, phải ngồi ở phòng trọ do thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vợ chồng ông vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh từ năm 2017 bằng nghề chạy xe ôm và bán vé số. Tuy vất vả, nhưng mỗi ngày gia đình ông cũng kiếm được từ 500.000 đến 700.000 đồng. Trừ chi phí thuê nhà, chi tiêu cho cuộc sống, mỗi tháng vợ chồng ông cũng tiết kiệm được 5 triệu đồng gửi về nuôi mẹ già và chu cấp cho đứa con đang học đại học ở TP Đà Nẵng. Từ giữa tháng tư đến ngày 8-7, mỗi ngày vợ chồng ông Quang may ra kiếm được hai, ba trăm ngàn đồng, giờ đây thì chẳng có cách nào để kiếm tiền nữa. Cuộc sống cùng cực ập đến với bao người lao động nghèo ở TP Hồ Chí Minh như một cơn bạo bệnh. Ông Quang thở dài: “Vợ chồng tôi cũng được thành phố hỗ trợ, nhưng số tiền này chỉ đủ trả thuê phòng, còn ăn uống thì nhờ vào những tấm lòng thiện nguyện”.      

leftcenterrightdel

Chiến sĩ dân quân quận 4 phát cơm cho người nghèo.   Ảnh: HÙNG KHOA 

Trong các đợt dịch trước, ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện những "ATM gạo", "ATM khẩu trang", siêu thị 0 đồng. Từ đầu tháng 7 đến nay, những hoạt động đồng hành với  đội ngũ y sĩ, bác sĩ, lực lượng phòng, chống dịch và hỗ trợ người nghèo nở như hoa mùa xuân. Đi trên nhiều con phố, chúng ta dễ bắt gặp những thùng trà đá, những sọt bánh mì, những thùng mì ăn liền, kệ rau-củ-quả, kệ cơm hộp để bên đường, ai cần cứ lấy một phần. Giữa trưa ngày 11-7, tôi bắt gặp 3 bạn trẻ đang đẩy xe chở cơm hộp tìm đến các khu nhà trọ của người nghèo trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình. Gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên má sau tấm kính bảo hộ, Trần Thị Hương Lan, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Văn Lang nheo mắt kể: “Tụi em ngày nào cũng tìm đến các khu trọ của bà con bán vé số, chạy xe ôm, hay bốc vác để phát cơm, phát nước uống. Những ngày này, chắc các cô bác thiếu bữa lắm”. Tôi như dán ánh mắt của mình vào dáng hình của những tấm lòng thiện nguyện. Nghe những câu nói: “Dì à! Con mời dì ăn cơm trưa ạ”, “Bác ơi! Bác lấy giùm con một phần cơm nha. Con cảm ơn bác nhiều!”, "Chị cầm giúp em mấy chai nước"... sao mà thấy xốn xang, thấy ấm lòng vô cùng.    

Mười lăm ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các bếp ăn từ thiện ở TP Hồ Chí Minh xuất hiện càng nhiều và ngày nào cũng đỏ lửa. Cứ mỗi buổi trưa hay cuối buổi chiều, không khó để tìm thấy những điểm có giăng biển: “Cơm từ thiện”, “Cơm nghĩa tình”, “Bữa ăn sẻ chia”. Từ những ngôi chùa, điểm trường học hay ở nhà các hộ dân, nhiều nhà tu hành, đến anh em văn nghệ sĩ, các chiến sĩ quân đội, dân quân hay một người dân bình thường, tất cả đều hăm hở vào bếp, nhiệt tình ra đường và đến các khu nhà trọ để phát cơm, phát lương thực, thực phẩm cho dân nghèo. Bà Nguyễn Thị Hòa, sống tại hẻm 523 Nguyễn Tri Phương, quận 10, mưu sinh bằng việc bán nước giải khát trên vỉa hè mấy chục năm nay. Cho dù giờ gia đình vẫn phải ở nhà thuê, nhưng bà đã cùng con cháu góp tiền nấu cơm gửi đến những người nghèo. Thấy vậy, bà con trong hẻm cũng bảo nhau ủng hộ tiền, góp gạo để bà Hòa nấu thêm nhiều suất ăn nữa gửi đến những người dân đang gặp khó khăn.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy chăm nuôi cháu bé 7 tháng tuổi nhiễm

Covid-19.  Tranh của LÊ SA LONG

Sáng sớm ngày chủ nhật, tranh thủ cho đứa con 7 tháng tuổi bú sữa và ru bé ngủ, chị Lê Thị Mến ngụ ở phường 12, quận Gò Vấp vội ra khoảng sân chứa đầy rau, củ, quả trước nhà để phân loại, đóng gói. Đây là số rau quả của người em cùng bà con ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gửi xuống ủng hộ người dân TP Hồ Chí Minh. Chị Mến nói: “Củ, quả có thể để lâu được, nhưng rau phải đóng gói để chia cho bà con luôn không sẽ héo mất. Những ngày này, nhiều nhà thiếu rau xanh ăn lắm”. Cứ thế, dưới đôi bàn tay thoăn thoắt của chị, những túi rau, túi củ, quả được bó rất gọn gàng. Đến 8 giờ sáng, rau, củ được chồng chị Mến và một số bà con trong hẻm chở đi phân phát cho người dân có nhu cầu, nhất là ở các xóm trọ, khu cách ly, phong tỏa.     

Tôi cũng được nghe kể nhiều về anh Tuấn Anh, một người khá nổi tiếng từ năm 2020 với sáng chế máy "ATM gạo" giúp người nghèo trong bão lụt và dịch bệnh. Năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, anh đã bán chiếc xe Mercedes đang dùng để lấy một phần tiền mua xe bán tải kéo máy "ATM gạo" đến các quận, huyện trong thành phố. Anh bảo: “Làm thế này bà con nghèo không phải đi lại vất vả mà vẫn có gạo để dùng trong những ngày gian khó. Tôi ước gì làm được thật nhiều "ATM gạo", ATM các loại hàng hóa khác di động để cùng mọi người dìu nhau qua mùa dịch này”.

Không thể kể hết những tấm lòng, những con người vì cộng đồng mà sẻ chia, giúp đỡ. TP Hồ Chí Minh bao giờ cũng vậy, cứ khó khăn là chung sức, chung lòng, càng trong hoạn nạn thì lại càng bao dung, càng sẻ chia mạnh mẽ. Những ngày này, thành phố cũng trân quý biết bao những chuyến xe chở rau quả, chở hải sản, thịt, gạo, muối từ Quảng Bình, Quảng Trị, từ Lâm Đồng, Tây Ninh, Bến Tre, Long An... đến hỗ trợ lực lượng chống dịch và người dân.    

Dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá TP Hồ Chí Minh với nhiều ca nhiễm mỗi ngày. Những chiếc xe cứu thương, xe chở bệnh nhân chạy liên tục trên đường phố. Tiếng còi hú của nó như muốn xé ruột, xé gan mọi người. Chẳng ai vui khi thành phố nơi mình sống đang bị "mệt", nhưng trong đại dịch, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ: Yên bình. Hơn bao giờ hết, TP Hồ Chí Minh đang cần sự chia sẻ, giúp đỡ nên mọi người hãy cùng nhau, vì nhau mà góp sức, góp của để thành phố mau "bình phục". Điều cần làm lúc này là hãy ngồi yên ở nhà, hãy thực hiện tốt "5K" và hãy mở lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 

 Với tôi, giờ đây đứng ở những ngã ba, ngã tư, nhìn đường phố lặng thinh mới thấy thèm, thấy nhớ cảnh tấp nập, náo nhiệt hôm nào. Hãy cùng nhau vượt qua đại dịch, chờ ngày thành phố đông vui trở lại. Hãy đồng hành với thành phố, chung sức cùng các y sĩ, bác sĩ, bộ đội, công an... và đừng phàn nàn khi điều kiện cách ly, chữa trị cũng như cuộc sống có khó khăn. Có như thế thành phố mới nhanh chóng ca khúc khải hoàn chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển của mình.

 ------------------------

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP

LÊ PHI HÙNG