Nghĩa tình người Sài Gòn
Nhiều người nói với tôi rằng, TP Hồ Chí Minh không chỉ hấp dẫn bởi phố phường tráng lệ, cây cối tốt tươi mà còn hấp dẫn bởi những điều giản dị, đó là dấu ấn của thời gian và tính cách đẹp của con người. Tôi còn nhớ ngày mới đến thành phố năm 1987. Háo hức muốn khám phá “hòn ngọc Viễn Đông”, tôi đã mượn chiếc xe đạp của người bạn trong Sư đoàn Không quân 370 ào ra phố với ý nghĩ: Đi đường nào, về đường đó. Những vòng xe phơi phới bon bon từ sân bay Tân Sơn Nhất, qua cổng Phi Hổ ra đường Hoàng Văn Thụ, tới Phan Đình Phùng, Trần Quang Khải, Điện Biên Phủ, rồi đưa tôi lên tận đường Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ. Mải mê ngắm phố phường, tôi quên mất đường về. Thôi thì “đường ở miệng”, nhưng liệu hỏi đường người dân có chỉ nhiệt tình hay không? Điều lo lắng bị xóa tan khi cứ đến ngã ba, ngã tư nào, tôi cũng được các bác xích lô, cô bán hàng tạp hóa hay một cậu bé đánh giày giúp đỡ rất nhiệt tình. Thậm chí có anh thanh niên đi xe Honda 67 còn dẫn tôi từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa về tận cổng sân bay.
Cũng một lần tôi đến ăn ở quán hủ tiếu gần chợ Phạm Văn Hai. Ăn xong, tôi đưa tờ tiền có mệnh giá lớn để trả nhưng chủ quán không đủ tiền lẻ thối lại. Thấy tôi định đi tìm chỗ đổi tiền, người chủ quán nói liền: “Thôi con, bữa sau đến ăn rồi trả tiền dì cũng được”. Người TP Hồ Chí Minh là vậy, luôn cởi mở, tin tưởng và nhiệt tình giúp đỡ người khác.
Tính cách người TP Hồ Chí Minh vẫn luôn được du khách trân trọng và là vốn quý của người dân thành phố. Có thể kể ra đây những tính cách đặc trưng khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, đó là sự thân thiện, nhiệt tình, vui vẻ, phóng khoáng. Người dân nơi đây coi du khách, những người tới làm ăn sinh sống như người trong gia đình. Những từ xưng hô như dì, ngoại, con, anh hai, chị ba, em út... đã xóa đi ngăn cách, kéo con người gần lại với nhau. Người TP Hồ Chí Minh vốn khảng khái, thấy đúng-sai đều nói thẳng, thấy khó khăn là giúp liền. Chính vì vậy, bất cứ nơi nào trên đất nước ta gặp thiên tai, hoạn nạn hay cần sự sẻ chia là các tổ chức chính trị-xã hội, người dân TP Hồ Chí Minh đều có mặt. Ngay trong đại dịch Covid-19 hiện nay, TP Hồ Chí Minh không chỉ phòng, chống dịch tốt mà còn nhiệt tình giúp các địa phương, giúp những trường hợp bị lây nhiễm điều trị, cách ly rất hiệu quả. Nói như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thì: “TP Hồ Chí Minh bao giờ cũng vì cả nước, cùng cả nước”.
|
|
TP Hồ Chí Minh tươi đẹp hôm nay. |
Thành phố của niềm tự hào
Với nhiều người, được sống ở TP Hồ Chí Minh là một ước mơ, còn được sinh ra và lớn lên ở thành phố này là một niềm tự hào khôn tả. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, tôi được tiếp xúc với nhiều người dân và các cựu chiến binh. Họ đưa gia đình đi thăm các khu danh lam thắng cảnh hay các di tích lịch sử của thành phố. Dù phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định phòng, chống dịch Covid-19 nhưng ai cũng háo hức, phấn khởi và dâng lên niềm tự hào sâu sắc.
Bác Dương Văn Phong, 74 tuổi, ngụ tại đường Âu Cơ, quận Tân Phú, từng là chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 5) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, xúc động: “Mới đó mà đã 46 năm kể từ ngày chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng đông nam. Thành phố đã phát triển rất nhanh chóng. Tôi là người may mắn được sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất. Thành phố luôn là niềm tự hào và là những dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời của tôi”. Còn với chị Lê Thị Mỹ Dung, 46 tuổi, một doanh nhân trên lĩnh vực truyền thông lại có cảm nghĩ: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở thành phố vào tháng 5-1975. Thành phố đã nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng để tôi trở thành một doanh nhân như ngày hôm nay”.
Không chỉ người dân thành phố mà đa số du khách trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh đều có chung suy nghĩ: Thành phố không phải của một riêng ai mà là của chúng ta. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Thành phố mang tên Bác và tình cảm của mọi người dành cho nơi đây lớn đến chừng nào. Nói đến Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là nói đến thành phố anh hùng, thành phố văn minh-sáng tạo. Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn luôn thể hiện ý chí quật cường với tinh thần "Thành đồng Tổ quốc". Trong kháng chiến, những người con của mảnh đất Sài thành đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, quên mình, cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Ngày nay, trong phát triển kinh tế-xã hội, thành phố luôn tiên phong đi đầu. Hôm nay, đi trên những đại lộ thênh thang, những phố phường với bao tòa nhà chọc trời hay qua những khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại, rộng lớn... chúng ta càng hiểu vì sao thành phố luôn đóng góp trung bình mỗi năm khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, khoảng 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước và luôn giữ vị trí đầu tàu đối với nền kinh tế nước nhà.
Thành phố của những khát vọng khởi nghiệp
|
|
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh trong ngày hội khởi nghiệp. |
Bao nhiêu năm qua, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đã dang rộng vòng tay chào đón tất cả những ai đến với mình bằng thiện chí và những khát vọng trong cuộc sống. Dù đó là anh xe ôm, người công nhân, người bán hàng rong hay những kỹ sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... đều được đón chào với tấm lòng bao dung và đồng cảm. Đến với TP Hồ Chí Minh nhiều nhất là các bạn trẻ, các doanh nghiệp trẻ.
Bạn Trần Huyền My, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nói với tôi: “Em chọn TP Hồ Chí Minh là nơi học tập, khởi nghiệp là một điều đúng đắn. Tụi em đến đây là trưởng thành, để học được cách yêu thương con người, để trái tim hòa vào nhịp đập của những trái tim bao dung, sẻ chia...”. Còn bạn Hoàng Văn Tiến, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh lại khảng khái: “Em muốn trở thành một doanh nhân thành đạt từ tinh thần và ý chí khởi nghiệp của một đô thị năng động, sáng tạo và hội nhập như TP Hồ Chí Minh”. Trên thực tế, 46 năm qua là quãng thời gian ghi nhận những thành tích to lớn của thành phố trong công tác giáo dục và đào tạo, khi có hàng triệu lượt sinh viên của các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực cho đất nước.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ chính để phát triển khởi nghiệp, gồm: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự kiến đến cuối năm 2025, thành phố sẽ hoàn tất phần hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nhiều người quan niệm, đến với TP Hồ Chí Minh không chỉ nhằm mục đích tiếp nhận tri thức, lập nghiệp mà còn để được cống hiến. Những người chọn thành phố này là để đi cùng những ước mơ, vì ở đây luôn đầy ắp những cơ hội. Rồi mai đây, TP Hồ Chí Minh sẽ là một trong những trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Khi ấy, những khát vọng sẽ có nhiều cơ hội trở thành hiện thực. Và chúng ta sẽ càng thêm yêu, thêm gắn bó với thành phố, coi nó như một phần không thể tách rời của cuộc sống, để Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đọng mãi trong tim, chạy dài theo nỗi nhớ...
TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2021
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG