“Ranh giới” của người làm báo
Khi kể lại với tôi quá trình làm phim tài liệu “Ranh giới” gây “dậy sóng” khán giả cả nước mới đây, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Đài Truyền hình Việt Nam) không nhắc nhiều đến những nguy hiểm, rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Với anh, khó khăn nhất lại là cuộc đấu tranh giữa lý trí và cảm xúc của người làm báo để đưa thông tin đến với khán giả. Trước mỗi sự kiện, vấn đề, thông tin như nhau nhưng cách tiếp cận, nhìn nhận của tác giả và thông điệp đưa vào tác phẩm báo chí là thứ tạo nên sự khác biệt. Lựa chọn đưa hình ảnh nào, không đưa hình ảnh nào, có nên đưa những hình ảnh đau thương... quả thực là cuộc đấu trí của Tạ Quỳnh Tư khi thực hiện “Ranh giới”. Nhưng đại dịch Covid-19 chính là một cuộc chiến và với vai trò biên kịch, đạo diễn, với quan điểm vì lợi ích cộng đồng, anh chấp nhận sẽ có cả những ý kiến phản đối để làm sao tuyên truyền tới đông đảo người dân về đại dịch, sự khốc liệt, nguy hiểm của nó. Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Nhiều người cho rằng không nên quay rõ mặt nhân vật, có người nói tôi thích xoáy vào nỗi đau của người khác, rằng hãy nghĩ đến cảm nhận của những bệnh nhân, người nhà họ... Tôi có nghĩ chứ. Nhưng nỗi đau, sự mất mát chính là cách chuyển tải rõ ràng nhất về đại dịch. Nghĩ theo hướng tích cực, những nhân vật-bệnh nhân ấy cũng đang đóng góp một phần vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Và ngoài việc những nhân vật trong phim đều đồng ý cho chúng tôi ghi hình, tôi nghĩ nhiều hơn đến hàng triệu, hàng tỷ người khác nếu xem được những hình ảnh chân thực về cuộc chiến chống Covid-19 này sẽ hiểu hơn, sẽ giật mình, sẽ ý thức hơn để chung tay PCD. Và tôi chọn vì số đông”.
|
|
Ê kip làm phim tài liệu "Ranh giới" ghi hình trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cung cấp |
Đứng trước những thời khắc quyết định, những ranh giới mong manh của lý trí và cảm xúc, chỉ quan điểm làm nghề của Tạ Quỳnh Tư là không lay động. Không riêng “Ranh giới”, những tác phẩm anh làm trước đó đều chọn xoáy vào những câu chuyện gây ám ảnh cho người xem. Là “Chông chênh” nói về số phận những cô gái Việt lấy chồng Đài Loan, làm dâu xứ người với bao khổ cực, cay đắng, bị hắt hủi, bị đuổi khỏi nhà chồng, trắng tay, đến con cũng không gặp được. Là “Hai đứa trẻ” nói về câu chuyện nhầm con của hai gia đình; chỉ một phút tắc trách của nhân viên y tế mà hai đứa trẻ, hai gia đình phải chịu nỗi đau khổ nhiều năm. Là “Miền đất hứa” với câu chuyện của những người lao động bất hợp pháp mơ về miền đất mang lại thu nhập cao giúp họ đổi đời, nhưng thực tế lại khiến họ vỡ mộng, thậm chí khi trở về chỉ còn là nắm tro cốt... Đi đến tận cùng nỗi đau, để người xem đặt mình vào nhân vật, đưa ra những câu hỏi rồi tự trả lời và rút ra những bài học để không làm tái diễn những nỗi đau như thế nữa-đó là cách mà đạo diễn Tạ Quỳnh Tư xây dựng tác phẩm của mình. Ở “Ranh giới”, anh và đồng nghiệp vào một trong những nơi nóng bỏng nhất giữa tâm dịch suốt 15 ngày để đưa đến người xem những hình ảnh chân thực về đại dịch. Dấn thân vào cuộc chiến này hay đứng từ xa, phản ánh chân thực hay không, chuyển tải thông điệp nào, có dũng cảm nhận về những lời khen-chê?... Luôn có những ranh giới khiến người làm báo phải lựa chọn.
Những chiến sĩ dấn thân nơi tuyến đầu
Mới đây, trong chương trình tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19” do Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế tổ chức, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định rằng: Báo chí tiếp tục cùng lực lượng y tế, quân đội, công an trên tuyến đầu chống dịch. Các nhà báo đã thực sự xuất sắc đưa đến công chúng những thông tin chính xác, tin cậy về PCD Covid-19 để cả nước, các tầng lớp nhân dân đồng lòng nhất trí với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là đóng góp rất quan trọng của báo chí.
|
|
Nhà báo Duy Văn, Báo Quân đội nhân dân (bên phải) tác nghiệp trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: ĐĂNG HUY |
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, những nhà báo, phóng viên luôn xung kích tới những nơi “nóng bỏng” nhất, dù thời chiến hay thời bình để đưa những thông tin quý giá đến với công chúng. Gần hai năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, có biết bao phóng viên có mặt ở các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung, những vùng phong tỏa, đến những chốt kiểm soát dịch nơi biên giới... để phản ánh những thông tin chính xác, nhanh nhất về tình hình dịch bệnh; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; về những gương nhân viên y tế, bộ đội, công an, người dân trong PCD. Trong số đó, có không ít phóng viên là nữ. Đầu năm nay, khi Hải Dương trở thành tâm dịch của cả nước, đồng nghiệp cùng tòa soạn Báo Quân đội nhân dân với tôi-nữ phóng viên Thanh Hà-đã xung kích cùng đoàn công tác vào tâm dịch. Vừa đặt chân đến Hải Dương, chị đã nhanh chóng có những tin, bài, hình ảnh kịp thời gửi tới bạn đọc. Cách đây một năm, Thanh Hà cũng là phóng viên nữ xuất hiện sớm nhất ở khu vực sạt lở đất khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Hình ảnh nữ phóng viên chân ngập bùn lầy, áo quần ướt mưa, đêm tối vẫn có mặt ở hiện trường để đưa tin trong những phóng sự của Báo Quân đội nhân dân khi đó khiến bao người xúc động, cảm phục. Trong buổi tọa đàm trực tuyến vừa qua, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh niên cũng cho biết, Báo Thanh niên có nhiều F0 là những phóng viên tác nghiệp tại hiện trường dịch Covid-19. Có phóng viên nữ sau khi làm tình nguyện viên cả tháng tại một bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã trở thành F0.
Trước khi xung kích vào tâm dịch, rồi những ngày ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Hùng Vương và cả khi đã hoàn thành bộ phim, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhiều lần nhận được câu hỏi: Có sợ không? Không. Anh đã trả lời rằng chẳng hề thấy sợ hãi, còn chuẩn bị sẵn sàng có thể bị lây nhiễm. Lúc ấy, anh chỉ lo làm sao quay được phim nhanh nhất để nếu bị lây nhiễm, cách ly thì vẫn tranh thủ làm hậu kỳ. Mới đây thôi, một đồng nghiệp của tôi, Thiếu tá, phóng viên Trần Duy Văn đang tác nghiệp gần hai tháng ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã gửi tới con trai lớn bước vào lớp 1 những lời thật xúc động nhân ngày khai giảng. Một ngày đặc biệt nhưng vì dịch bệnh, các con “mắc kẹt” ở quê, học nơi “trường gửi”, còn bố đang cùng đồng đội, đồng nghiệp trầm mình nơi tuyến đầu chống dịch, không thể ở bên con. Chắc chắn, hoàn cảnh ấy chẳng phải của riêng anh!
Nhưng tôi cũng được nghe lời chia sẻ từ nhà báo Trần Tú (Thông tấn xã Việt Nam) rằng: “Càng nguy hiểm thì tinh thần làm báo không biết bằng cách nào càng được khích lệ và quan trọng hơn là phải hoàn thành nhiệm vụ đưa những thông tin chính xác, nhanh chóng đến với bạn đọc. Vậy nên dấn thân vào tâm dịch là việc hết sức bình thường và cũng là một tiêu chí của nhà báo”. Trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng dấn thân của những người làm báo đã đóng góp một phần lớn vào công cuộc PCD Covid-19 chung của cả nước. Trong dịch bệnh, nhiều hoạt động phải tạm dừng, người dân “ở đâu ở yên đó” nhưng những tòa soạn vẫn luôn hoạt động, những nhà báo, phóng viên vẫn có mặt tác nghiệp ở những nơi tâm dịch, chấp nhận xa gia đình hàng tháng trời, đối mặt với rủi ro, thậm chí là ranh giới sống-chết. Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 này, họ thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
---------------
HOÀNG DƯƠNG
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020