Nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý
Không gian trưng bày trong tòa nhà chính của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh là bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được ví như trái tim của Bảo tàng. Bởi lẽ, bức tranh có kích thước khá lớn (540cm x 200cm), được họa sĩ tài hoa này sáng tác trong 20 năm (1969-1989), là một kiệt tác độc đáo, biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã dành khu vực trưng bày bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” ở một phòng lớn gồm 3 gian. Bên cạnh gian chính trưng bày bức tranh này, các gian còn lại trưng bày những vật dụng, dụng cụ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí cùng các bức phác thảo là hiện vật gốc trong quá trình họa sĩ sáng tác bức tranh. Ngoài ra, còn trưng bày những hình ảnh, bài viết, bài báo... liên quan đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí để giúp người xem hình dung rõ nét hơn không chỉ về tác phẩm mà còn về con đường sáng tác nghệ thuật của ông.
|
|
Khách tham quan tác phẩm - Bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. |
Đối diện khu vực của bảo vật “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là không gian trưng bày một Bảo vật quốc gia khác-tác phẩm “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Tác phẩm cũng được họa sĩ sáng tác trong thời gian khá dài (1967-1978). Tác phẩm mô tả cuộc đấu tranh của một nhóm thanh niên miền Nam tạo thành một khối vững chắc như bức tường thành trước bọn đế quốc xâm lược.
Lựa chọn khu vực trưng bày Bảo vật quốc gia là điểm đến đầu tiên trong hành trình tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sinh viên Nguyễn Bảo Hân (Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi và các bạn đến Bảo tàng và lần nào tôi cũng dành nhiều thời gian tham quan, tìm hiểu về các bức tranh là Bảo vật quốc gia. Điều khiến chúng tôi thán phục nhất ở hai họa sĩ tài ba này chính là đã lao động miệt mài trong thời gian dài để sáng tác nên bức tranh mà vẫn giữ được vẹn nguyên ý tưởng, cảm xúc. Đây là bài học lao động nghề nghiệp quý giá mà thế hệ trẻ chúng tôi phải noi gương”.
Trong quá trình hướng dẫn cho du khách khi đến với bảo tàng, hai tác phẩm nói trên luôn được các hướng dẫn viên ưu tiên giới thiệu trước, khẳng định niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bảo tàng tự hào có hai hiện vật là Bảo vật quốc gia. Dù hai tác phẩm được sáng tác ở hai miền xa cách nhưng lại cùng nói lên một niềm khát khao về chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Việc giữ gìn, phát huy giá trị của bảo vật không chỉ là tình cảm, trách nhiệm của cơ quan quản lý, của Bảo tàng mà cả công chúng yêu nghệ thuật”.
|
|
Khách tham quan, tìm hiểu hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. |
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 194/QĐ-UB của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 5-9-1987. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thực hiện vai trò, nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các hiện vật. Từ năm 1987 đến nay, Bảo tàng đã trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật có các niên đại khác nhau, được chia thành hai phần: Mỹ thuật cổ đại, cận đại và mỹ thuật hiện đại. Với sự nỗ lực sưu tầm của cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng đầy tâm huyết, đến nay, “tài sản” quý của Bảo tàng là hàng chục nghìn hiện vật, bao gồm: Tranh, tượng và các hiện vật liên quan đến những tên tuổi lớn của giới mỹ thuật Việt Nam. Để mỗi hiện vật phát huy hết giá trị vốn có, ngoài trưng bày cố định, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày chuyên đề hằng năm...
Phát huy giá trị mỹ thuật độc đáo
|
|
Mặt trước Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
|
Sức hấp dẫn của Bảo tàng này không chỉ ở giá trị cổ vật, hiện vật mà còn ở vẻ đẹp về kiến trúc, mỹ thuật của tòa nhà Bảo tàng luôn tạo sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Theo các nhà nghiên cứu, kiến trúc tòa nhà là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Á Đông với châu Âu, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế vào năm 1929 và hoàn thành vào năm 1934. Điểm nhấn của tổng thể kiến trúc tòa nhà nằm tại khu vực cửa chính ở tầng 1 với tiền sảnh cao có mái che, các cột lớn đỡ mái và hai bên có cầu thang lên xuống. Phần cửa chính được thiết kế hình vòm, ở trên có gắn hoa văn bằng sắt... Phần trên mái nhà được lợp ngói âm dương màu đỏ, những viên ngói diềm mái được tráng men viền màu xanh lục. Còn các ô cửa sổ được lắp kính màu có hoa văn mang đậm phong cách nghệ thuật châu Âu. Sàn nhà được lát bằng gạch bông với kiểu dáng, hoa văn đa dạng, phong phú, riêng phần cầu thang được lát đá cẩm thạch. Những đặc điểm này giúp du khách có nhiều góc chụp ảnh độc đáo.
Phần lớn khách tham quan trong và ngoài nước đến với Bảo tàng vào những dịp cuối tuần, ngày nghỉ, lễ tết. Nhiều đoàn học sinh, sinh viên cũng chọn địa điểm này là nơi sinh hoạt ngoại khóa hoặc tham khảo thêm môn học nghệ thuật. Với sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ngân (Trường Đại học Tài chính-Marketing), Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chính là tiêu điểm trong các báo cáo chuẩn bị tốt nghiệp của mình. Mỹ Ngân bộc bạch: “Tôi học chuyên ngành về du lịch nên đã chọn Bảo tàng này để gắn bó từ những năm học đầu nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu tới mọi người, nhất là các du khách quốc tế đến với TP Hồ Chí Minh. Tôi mong muốn, Bảo tàng sẽ có nhiều hoạt động tương tác với công chúng hơn, đưa công chúng tới gần hơn với Bảo tàng. Từ đó, giúp Bảo tàng trở thành một điểm đến tuyệt vời cho du khách và những người yêu văn hóa-nghệ thuật”.
Theo ông Trần Thanh Bình, tiêu chuẩn bảo quản các hiện vật đòi hỏi rất khắt khe, nhất là đối với tác phẩm tranh. Hiện Bảo tàng đã xây dựng đề án bảo tồn, bảo quản để phát huy giá trị các bảo vật quốc gia và các hiện vật khác. Thuận lợi của Bảo tàng là trung bình hằng năm đều có 6-7 sự kiện, hoạt động trưng bày, triển lãm cấp toàn quốc và thành phố nên có điều kiện để gặp gỡ, trao đổi, phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia với giới chuyên môn mỹ thuật nói riêng và công chúng nói chung. Hằng ngày, Bảo tàng cũng đón đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế, cũng là một kênh quảng bá hiệu quả.
|
|
Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng. |
Thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giới thiệu về hiện vật. Trong đó, chú trọng đổi mới không gian trưng bày hiện đại, mã hóa dữ liệu các hiện vật, tăng cường ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trưng bày, giới thiệu... góp phần đưa hình ảnh, giá trị của Bảo vật quốc gia, hiện vật về mỹ thuật vươn xa hơn. Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tạo phiên bản thu nhỏ của bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” làm tặng phẩm đối ngoại cho lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, giúp giới thiệu Bảo vật quốc gia này đến bạn bè quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển Bảo tàng trong mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế, văn hóa với bảo tồn và phát triển.
Bài và ảnh: BẢO THƯ