Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là người có những công trình nghiên cứu, tài liệu sưu tầm vô cùng quý giá trong lĩnh vực lịch sử, địa lý nước ta. Hiện tại, ông đang sở hữu kho tư liệu với hơn 3.000 tấm bản đồ Việt Nam do các tác giả trong nước và nước ngoài vẽ từ mấy trăm năm trước; trong đó có hàng trăm bản đồ liên quan đến biển, đảo, thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam...

Để có được hàng nghìn tấm bản đồ cổ quý giá ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dành gần 70 năm sưu tầm, tìm kiếm. Mặc dù là nhà nghiên cứu tự do nhưng ông vẫn cần mẫn theo đuổi mục tiêu riêng của mình là giải mã hình hài Tổ quốc, chứng minh cương thổ, chủ quyền quốc gia. Công việc ấy ông làm bằng trái tim của một trí thức yêu nước, tự nguyện dấn thân vì dân tộc. Đến nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn minh mẫn, nói chuyện mạch lạc, rõ ràng. Ông tâm sự: “Ngày xưa tôi thường lân la đi khắp các hiệu sách cũ của Sài Gòn, rồi các khu chợ trời để tìm kiếm, gom góp từng tấm bản đồ cổ. Mỗi khi tìm được một tấm bản đồ có giá trị, tôi lại quên hết mệt nhọc, đói khát bởi không có những họa đồ tin cậy ấy, bao bí ẩn về địa dư, cương thổ, định vị chủ quyền quốc gia vẫn sẽ là một ẩn số. Điều đó cứ thôi thúc tôi miệt mài tìm kiếm lời giải đáp. Mới đấy mà đã gần 70 năm”...

Bằng tất cả các mối quan hệ và tiền lương dạy học ở trường tư thục, cùng thời gian, tâm huyết, học giả Nguyễn Đình Đầu đã tìm kiếm, sưu tầm được kho tư liệu bản đồ cổ lớn nhất Việt Nam. Có nhiều tấm bản đồ ông phải ngồi cả ngày trong thư viện nước ngoài để vẽ lại bởi quy định không cho sao chép; hoặc cắt giảm chi tiêu cá nhân để dành tiền nhờ bạn bè tìm mua giúp...

leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong một lần giới thiệu bản đồ cổ Việt Nam. 

Cũng trong khoảng thời gian gần 70 năm làm bạn với bản đồ, ông đã cho ra đời 17 tập địa bạ của một nửa đất nước, từ Hà Tiên đến Thừa Thiên Huế; hơn 30 cuốn sách viết riêng và khoảng 40 cuốn sách viết chung với một số tác giả về các lĩnh vực địa bạ, địa chí, bản đồ và các hoạt động công nghiệp cổ truyền Việt Nam. Năm 2020, đúng dịp sinh nhật 100 tuổi, ông Nguyễn Đình Đầu ra mắt cuốn “Tạp ghi Việt Sử Địa”, nối tiếp tập 1 và tập 2 đã phát hành trước đó. Đây là cuốn tài liệu quý chưa từng được công bố, cung cấp thông tin, giúp ích cho các nhà khoa học, sinh viên, giáo viên tra cứu, đối chiếu, tham khảo. Trong cuốn tạp ghi này, có những vấn đề tồn tại từ lâu, từng được nhiều lần, nhiều giới nghiên cứu tham gia hội thảo nhưng chưa giải quyết rốt ráo như trường hợp tên gọi Sài Gòn, học giả Nguyễn Đình Đầu cũng nêu lại vấn đề, dù chưa thể xác quyết một cách thấu đáo, nhưng chính những gợi ý của ông đã cung cấp cho người đọc dữ liệu về quá trình bàn thảo để tìm hiểu sự ra đời tên gọi Sài Gòn. Hay, cái nhìn về đô thị Sài Gòn cũng được ông nêu ý kiến, cần có giải pháp triệt để nhằm tránh cho thành phố thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa; trong đó đề cập, phân tích các giải pháp, ý tưởng và nỗ lực của chính quyền các thời kỳ từng áp dụng cho Sài Gòn trong lịch sử. Ông cũng lý giải sâu sắc, chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến địa lý, đất đai cần xem xét trong mối quan hệ quy hoạch tổng thể tại địa phương...

Theo nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, từ một cậu bé phải đi tráng bánh cuốn mưu sinh vì nhà nghèo cho đến khi trở thành một thanh niên trí thức yêu nước, một học giả uy tín, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chưa bao giờ ngừng say mê làm khảo cứu, tâm huyết cả đời và đau đáu với dáng hình đất nước. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Dù thời gian biểu hằng ngày của học giả Nguyễn Đình Đầu rất bận rộn, khoa học, chặt chẽ, nhưng ông vẫn dành thời gian giao lưu, truyền cảm hứng và tình yêu sử Việt cho thế hệ trẻ. Mới đây, trong buổi giao lưu “Trăm năm sử Việt”, do Tạp chí Xưa & Nay tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vẫn hăng say trả lời tất cả câu hỏi từ khách mời, nhất là của sinh viên, học sinh. Bạn Trần Hữu Ngọc, sinh viên năm thứ ba Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), bày tỏ: “Giao lưu với các học giả uyên bác, chúng tôi không chỉ được tiếp lửa về tình yêu lịch sử, địa lý, hiểu hơn về cương thổ quốc gia, mà còn học hỏi được ở các vị tiền bối tinh thần ham học, bền bỉ cống hiến, tận tụy với công việc. Tôi rất ngưỡng mộ, khâm phục nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dù đã cao tuổi nhưng vẫn thuần thục sử dụng các thiết bị điện tử để làm việc thêm hiệu quả”.

leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong căn phòng trưng bày bản đồ cổ Việt Nam.

Mới đây, đến thăm, chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhân sinh nhật 102 tuổi của ông, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm tri ân công lao và những đóng góp của học giả lão thành cho đất nước và cho thành phố. Những công trình nghiên cứu và góp ý tâm huyết của ông rất hữu ích cho chính quyền thành phố trong công tác quản lý, điều hành và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức; củng cố mối quan hệ đoàn kết toàn dân tộc.

Học giả Nguyễn Đình Đầu bộc bạch: “Lòng yêu nước chính là cái chung, là duyên đưa đến những cuộc gặp gỡ đáng nhớ. Với tôi, cho dù sức khỏe suy kiệt theo tuổi tác, nhưng còn sống là còn cống hiến, còn làm việc để góp ích cho đời, cho đất nước và xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng giàu đẹp”.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, tại Hà Nội. Trước năm 1945, ngoài việc học, ông còn tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ... Cách mạng tháng Tám thành công, ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư, phụ tá cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia Nguyễn Mạnh Hà, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ đi mua gạo để cứu đói đồng bào miền Bắc, năm 1945. Sau năm 1955, ông sống tại TP Hồ Chí Minh, đảm nhiệm giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, địa lý. Từ năm 1960, nhiều công trình khoa học của ông bắt đầu được công bố trên báo chí có uy tín trong và ngoài nước.

Một số tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể tới là: “Việt Nam quốc hiệu & cương vực: Hoàng Sa-Trường Sa”; “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn”; “Tạp ghi Việt Sử Địa” (3 tập); “Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông”; “Nam Bộ-Đất và người”; “Biển Đông và hải đảo Việt Nam”... Ngoài ra còn hơn 3.000 bản đồ cổ Việt Nam, đủ loại, đủ kích cỡ do ông sưu tầm; trong đó có nhiều tấm bản đồ cổ chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam... Năm 2005, ông được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu với công trình Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG