Giáo sư Hoàng Phê quê ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là hậu duệ, cháu đời thứ ba của Tổng đốc Hoàng Diệu (nguyên Tổng đốc Hà Ninh, người quyết tâm bảo vệ Thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882). Ông theo cách mạng và đã lên vùng Việt Bắc tham gia kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), ông là cán bộ đầu tiên trong Tổ Ngôn ngữ thuộc Viện Văn học. Khi Viện Ngôn ngữ học thành lập (trên cơ sở Tổ Ngôn ngữ, 1968), Hoàng Phê là chuyên viên nghiên cứu, biên tập viên Tạp chí Ngôn ngữ. Sau này, ông sáng lập Trung tâm Từ điển học (1995) và làm Giám đốc Trung tâm cho đến khi qua đời (2005).

Giáo sư Hoàng Phê công bố khá nhiều công trình khoa học, 9 cuốn sách viết riêng, nhiều cuốn viết chung và các bài báo. Những công trình của ông đều có giá trị đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ học và tiếng Việt, trong đó có cụm công trình được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ (giải thưởng cá nhân với cụm công trình: Logic-Ngôn ngữ học, 1989; Từ điển Chính tả, 1995; Từ điển Vần, 1996; Chính tả tiếng Việt, 1999; giải thưởng tập thể với "Từ điển tiếng Việt" năm 1988 mà ông là chủ biên). Tuy Giáo sư Hoàng Phê chưa có một chuyên luận riêng nhưng người đọc vẫn nhận ra ông là một nhà lý luận Ngôn ngữ học tầm cỡ. Cũng bởi, muốn biên soạn được một cuốn "Từ điển tiếng Việt" tường giải đúng nghĩa, thì tác giả phải là người có một “phông” tri thức ngôn ngữ học liên quan tới từ vựng-ngữ nghĩa, đặc biệt là vấn đề hình thái học tạo từ, hết sức chắc chắn.

leftcenterrightdel

Giáo sư Hoàng Phê (1919-2005).

Giáo sư Hoàng Phê được coi là lá cờ đầu trong việc chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Quan điểm chuẩn hóa của ông rất khoa học và hiện đại. Theo ông, “khái niệm trung tâm trong vấn đề chuẩn hóa là khái niệm chuẩn. Một quan điểm toàn diện đòi hỏi trước hết phải nhận thức chuẩn vừa là một phạm trù ngôn ngữ, vừa là một phạm trù xã hội-lịch sử”. Chuẩn thực chất là một quá trình lựa chọn (chọn nhiều biến thể để lấy một biến thể chuẩn). Sự lựa chọn ở đây không phải là của cá nhân, mà là của xã hội. Nói cách khác, chuẩn là những cách diễn đạt vừa được cấu trúc của ngôn ngữ cho phép, vừa được xã hội chấp nhận. Cũng theo ông, “cũng nên tránh một sự chuẩn hóa cứng nhắc, tuyệt đối... Chuẩn không loại trừ hoàn toàn sự vi phạm chuẩn, lắm khi chuẩn cũ và chuẩn mới song song tồn tại trong một thời gian, có hiện tượng gọi là “lưỡng khả”. Vì vậy khi đang có nhiều ý kiến khác nhau thì không nên xác định chuẩn một cách vội vàng, chỉ dựa trên cảm tính, trên một tình cảm hoặc một định kiến nào đó, chứ không phải dựa trên kết quả của một sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trên cơ sở thực tiễn đầy đủ”. Chẳng hạn, với vấn đề viết tên riêng tiếng nước ngoài, theo ông, “chúng ta đứng trước nhiều yêu cầu khác nhau, nhưng có một yêu cầu chủ yếu, cơ bản, nhất thiết phải đáp ứng, đó là bảo đảm một sự thống nhất trong tiếng Việt và một sự nhất trí tối đa với quốc tế”.

Với Giáo sư Hoàng Phê, nói trau dồi tiếng Việt, chuẩn hóa tiếng Việt, thì phải ngầm hiểu rằng đây là tiếng Việt văn hóa. Tiếng nói có trước, chữ viết có sau, nhưng phải sau khi có chữ viết thì mới thực sự có ngôn ngữ văn hóa. Với ngôn ngữ văn hóa thì chữ viết là chính, chứ không phải phát âm. Phát âm có thể thay đổi, nhưng chữ viết vẫn có thể giữ nguyên thế kỷ này sang thế kỷ khác. Như cái tên “Nguyễn Trãi”, người miền Bắc đọc là “Nguyễn Chãi”, nhưng người miền Trung lại đọc là “Nguyển Trải”. “Trần Công Minh”, người địa phương nhiều vùng miền Nam đọc là “Trầng Coông Mưn”, “Việt Nam” thành “Giệc Nam”... Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Phê thì cần thống nhất trước hết ở chuẩn chính tả, đó là vấn đề quan trọng cho chuẩn hóa tiếng Việt.

leftcenterrightdel

"Từ điển tiếng Việt" do GS Hoàng Phê chủ biên đã được tái bản nhiều lần. Ảnh tư liệu của Viện Ngôn ngữ học 

MINH HIỀN