QĐND - Như chúng ta đều biết, Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hiến lâu đời. Tuy nhiên, suốt trong một thời gian dài, tiếng Việt chỉ có địa vị thấp kém và bị coi là thứ ngôn ngữ thứ yếu. Hàng ngàn năm dưới chế độ đô hộ, chữ Hán luôn là thứ văn tự chính yếu, chiếm vị trí độc tôn. Nó không chỉ được coi là phương tiện bắt buộc dùng trong bộ máy hành chính Nhà nước mà còn được chọn làm phương tiện trong học hành, thi cử, chọn lựa nhân tài… Con cái dân thường thì không có điều kiện học chữ; con cái nhà quý tộc, quan lại, thương gia… muốn tiến thân cũng phải lấy chữ Hán để dùi mài kinh sử hòng đỗ đạt ra làm quan. Không những thế, các bậc văn nhân tài tử, các vị túc nho cũng dùng chữ Hán để sáng tác văn học. Đó là thứ văn chương bác học. Còn thứ văn học bình dân (gọi chung là văn học dân gian) thì chỉ được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Ý thức được vai trò to lớn của tiếng Việt và nhận thức rõ giá trị của ngôn ngữ trong bảo tồn văn hóa dân tộc, một số nhà nho cấp tiến đương thời đã nghĩ ra loại văn tự dùng riêng cho người Việt là chữ Nôm. Đây là loại văn tự dùng các ký hiệu (các nét) của chữ Hán để sáng tạo ra loại chữ viết mới theo các quy tắc riêng của người Việt. Người có công đầu, theo tài liệu hiện có, là Hàn Thuyên - một nhà nho yêu nước thế kỷ 13.  Sau đó, chữ Nôm từng được cha con Hồ Quý Ly cổ xúy với ý đồ dùng làm quốc tự. Chỉ tiếc sự nghiệp của nhà Hồ không thành, nên chữ Nôm cũng không có cơ hội phát triển. Nhưng tinh thần tự tôn dân tộc theo ý tưởng của Hàn Thuyên tiên sinh đã được nhiều nhà nho tiến bộ hưởng ứng. Vì thế, trong kho tàng văn học Việt, bên cạnh nền văn học chữ Hán đồ sộ có cả nền văn học Nôm với nhiều tác phẩm bất hủ. Trong đó phải kể đến những tên tuổi như: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương… Song dù thế nào đi chăng nữa, chữ Nôm cũng mới chỉ được đề cao từ phương diện quần chúng và các trí thức tiến bộ, còn dưới con mắt của nhà cầm quyền, nó cũng chỉ được coi là “nôm na mách qué”; đến thiên tài như Nguyễn Du cũng phải thốt lên ở cuối tác phẩm Truyện Kiều của mình: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh…

Sinh viên nước ngoài học tập tại Đại học Quốc gia Hà Nội yêu thích trang phục dân tộc Việt Nam và môn học Tiếng Việt. Ảnh: Lộc Hà

Khóa thi theo lối văn chương cử tử cuối cùng của Việt Nam kết thúc vào năm 1919. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, một lớp quan trường mới được đào tạo theo lối Tây học được hình thành. Người Pháp phế bỏ chữ Hán chính thức, đưa tiếng Pháp vào làm công cụ hành chính quốc gia trên toàn cõi Đông Dương. Như vậy đến đầu thế kỷ 20, tiếng Việt vẫn sống trong hoàn cảnh ở địa vị thấp kém, đứng ngoài lề trong tiến trình phát triển của dân tộc. Ý thức rõ về vai trò của ngôn ngữ cũng như chữ viết đối với sự nghiệp cách mạng, từ Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, các chí sĩ cách mạng đã vận động tuyên truyền cho dân chúng học chữ quốc ngữ. Đây là loại chữ ghi âm, rất dễ nhớ, dễ thuộc, được Alếch-xăng Đờ-rốt và một số nhà truyền giáo phương Tây kết hợp với một số vị cha cố người Việt tạo ra từ thế kỷ 17. Lúc đầu thứ văn tự này là công cụ phục vụ cho việc truyền giáo. Nhưng thấy rõ tính ưu việt của nó nên các trí thức yêu nước Việt Nam đã hăng hái cổ vũ biến nó thành thứ chữ viết phổ biến để mở mang dân trí và tăng cường nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, chữ quốc ngữ được coi là công cụ đắc lực cho việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giác ngộ ý thức đấu tranh giai cấp và tinh thần tự cường dân tộc.

Năm 1945, ngay khi vừa giành được chính quyền, chữ quốc ngữ được Đảng, Chính phủ rất quan tâm, trở thành một trong ba mục tiêu quan trọng cấp bách cần thanh toán là: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chữ quốc ngữ từ đây được chính thức đưa vào giảng dạy ở các cấp học, được dùng làm phương tiện ngoại giao, hành chính… cho nền chính trị mới của quốc gia. Nhưng không phải ngay từ đầu mọi việc đã được suôn sẻ. Trong những năm tháng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một số nhà trí thức còn băn khoăn cho rằng tiếng Việt chỉ nên dùng giảng dạy ở bậc phổ thông, còn ở bậc đại học phải dạy bằng tiếng Pháp, vì chỉ có tiếng Pháp mới có đủ từ, thuật ngữ dùng cho giáo dục ở bậc cao. Song với đường lối sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, một dân tộc độc lập phải có chữ viết riêng, có nền giáo dục riêng, nên tiếng Việt-chữ quốc ngữ đã chính thức được chọn làm công cụ để giảng dạy cho cả bậc phổ thông và đại học. Quyết tâm này của Đảng và Bác Hồ đã làm thay đổi hẳn bản chất của nền giáo dục, tạo ra đội ngũ trí thức mới phục vụ sự nghiệp cách mạng.

 Hòa bình lập lại, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm chia cắt thành hai miền. Ở miền Bắc, tiếng Việt đã có cơ hội phát triển và hoàn thiện trên mọi phương diện (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng). Ở miền Nam, do chế độ Sài Gòn phụ thuộc vào nước ngoài, tiếng Việt phát triển theo hướng tự phát, thiếu kế hoạch hóa nên bị hạn chế nhiều mặt. Vốn từ vựng còn bảo lưu nhiều từ cũ, từ cổ (đặc biệt trên báo chí, truyền thông, văn học), hệ thống từ mới, nhất là lớp từ, thuật ngữ kinh tế-chính trị còn nghèo nàn...

Từ năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, Quốc hội khóa VI là Quốc hội thống nhất đất nước đầu tiên đã thành công, quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lần đầu tiên, tiếng Việt thống nhất đã trở thành tiếng nói chung, là niềm kiêu hãnh của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nó là phương tiện quan trọng nhất để truyền đi các sự kiện, hình ảnh của người Việt Nam ra toàn thế giới. Tiếng Việt không chỉ là tiếng nói của tâm hồn, con tim người Việt mà còn là cõi linh thiêng của văn hóa dân tộc ngàn đời, của hôm nay và mai sau.

PGS, TS NGUYỄN HỮU ĐẠT (Đại học Quốc gia Hà Nội)