Đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đinh Văn Đức. Ông nguyên là Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1990); Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (1996-2004); Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2006-2012); Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (từ năm 2012 đến nay).

Ngày 27-5-2022, chúng tôi-những sinh viên cũ từng học thầy những năm trước đây-đến mừng thọ nhân dịp thầy bước vào tuổi 78 (thầy sinh ngày 27-5-1944). Bao nhiêu năm rồi dáng thầy vẫn như xưa, vẫn cần mẫn với sách vở. Thầy lúi húi ở nhà trong khá lâu rồi mang ra một tập giấy viết tay, đóng quyển đã ố vàng. Tôi ngạc nhiên vô cùng vì đó là bản luận văn tốt nghiệp (bây giờ gọi là khóa luận) của hai bạn Nguyễn Hồng Thái và Võ Xuân Quế, lớp K23 Ngữ văn thầy từng hướng dẫn (anh Thái hiện nay là Tiến sĩ, Thiếu tướng ngành công an; anh Võ Xuân Quế đang dạy tiếng Việt tại Phần Lan). Tôi không được thầy hướng dẫn luận văn hay luận án, nhưng tôi vẫn có rất nhiều hồi ức đáng nhớ về thầy.

Trở lại quãng thời gian cách đây hơn 40 năm, khi tôi đang là sinh viên lớp Ngữ K22 (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), được giảng viên rất trẻ lên lớp về phần Từ loại thuộc chuyên đề Ngữ pháp tiếng Việt-một nội dung khó, nhưng thầy trình bày rất chững chạc, rõ ràng, khúc chiết. Thầy ăn mặc rất lịch sự, khuôn mặt thanh tú với cặp kính trắng rất trí thức. Đó chính là thầy Đinh Văn Đức, khi ấy thầy mới bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô một năm rồi về trường công tác.

Thầy Đinh Văn Đức xuất thân trong một gia đình trí thức tại Thanh Hóa. Gia đình thầy đã có 4 đời làm nghề dạy học. Từ nhỏ, cậu bé Đức dáng người nhỏ nhắn nhưng rất thông minh và hiếu động. Cậu thích tìm hiểu, khám phá và thỉnh thoảng suy tư một mình. Ngay từ hồi cấp 1, cấp 2, cậu đã học rất giỏi với năng khiếu về các môn xã hội và nhân văn. Hồi đó, các trường có phong trào làm báo tường rất rầm rộ, “trăm hoa đua nở”. Những bài tản văn “ngẫu hứng” đầu đời của trò Đức sớm được các thầy, các bạn đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Thầy chủ nhiệm lớp cuối cấp đã khuyên cậu nên thi vào một khoa có thiên hướng Ngữ văn, dù cậu rất thích Lịch sử và Địa lý. Thế là năm 1961, Đinh Văn Đức được tuyển vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tuy nhiên, mơ ước trau dồi tiếng Nga để mong có dịp đi sâu nghiên cứu văn học Nga của sinh viên Đinh Văn Đức đã dừng giữa chừng vì bén duyên với Ngôn ngữ học. Lúc đầu thầy ham văn, học ngôn ngữ thờ ơ. Cuối học kì 1 năm 1962, thầy Nguyễn Phan Cảnh (mà nhiều người đã biết qua chuyên luận về ngôn ngữ thơ của ông) đã nhận ra khả năng của trò Đức qua bài thi viết và nói với thầy Nguyễn Tài Cẩn. Thầy Cẩn sau đó gọi hỏi han nguyện vọng của trò và hỏi có muốn đi sang Ngôn ngữ học hay không? Lúc đầu, thầy Cẩn chưa mấy mặn mà với Đinh Văn Đức vì cho là trò chưa quyết tâm (dễ bỏ cuộc). Nhưng rồi Đinh Văn Đức đã bị tài năng, nhân cách của thầy Nguyễn Tài Cẩn thu phục và cuốn hút hoàn toàn để đi vào địa hạt mới. Thế là, Đinh Văn Đức quyết định “dấn thân” vào một ngành còn rất mới lạ, không chỉ vì “khô, khó, khổ” mà tương lai lúc đó rất khó đoán định, có rất ít người đam mê (thầy vẫn lẩy câu Kiều: “Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu”).

leftcenterrightdel

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đinh Văn Đức. Ảnh do nhân vật cung cấp

Được ở lại làm cán bộ giảng dạy của ngành ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó, môi trường toàn những thầy giỏi, là một vinh dự lớn. Giảng viên trẻ Đinh Văn Đức (cũng như các thầy khác trong bộ môn, trong khoa) đều phải chịu đựng nhiều vất vả của thời kỳ chiến tranh, khi Mỹ ném bom miền Bắc. Nhận giấy bổ nhiệm cán bộ đúng 4 ngày, thầy đã theo khoa lên vùng sâu huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc Thái Nguyên) để xây dựng một làng đại học thời chiến cho Trường Đại học Tổng hợp giữa núi rừng hoang vu, đầy thiếu thốn. Sống cái cảnh “nhà tranh, vách nứa, ăn núi, ngủ rừng” trong 4 năm nhưng các thầy trong bộ môn đã vượt lên tất cả, vừa dạy, vừa tự học, vừa thực hiện một chương trình điều tra điền dã ngôn ngữ dân tộc, lấy tiếng Tày-Nùng làm trọng điểm và kết quả thành công thật mỹ mãn... Thầy Đức cũng trưởng thành lên từ đó nhờ chịu học và chịu khó xông xáo “làm dâu trăm họ”.

Thế là, nhờ “sự kiện” đổi hướng bất ngờ như đã nói, giới Ngôn ngữ học ta về sau đã có thêm một chuyên gia mới, chuyên về ngữ pháp tiếng Việt. Sau những năm tháng tu nghiệp ở Rostov on Don và Moscow (Liên Xô), thầy được đào tạo chính quy theo chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ, thầy trở về đi sâu tiếp vào Việt ngữ học. Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt-Từ loại của Đinh Văn Đức trình làng vào năm 1986 đã ghi dấu ấn mới trong giới Việt ngữ về một quan điểm mới, cách tiếp cận mới cho Từ loại tiếng Việt theo hướng Nghĩa học. Sau 30 năm, chuyên luận này vẫn đậm tính thời sự, sâu sắc, càng ngày càng khẳng định giá trị khoa học của công trình. Năm nay, thầy vừa cho xuất bản tập I và II, khai thác sâu hơn, cập nhật hơn về những nội dung mới này.

Trong tư cách cá nhân, thầy Đinh Văn Đức cũng là một nhân cách đáng trọng. Chưa tiếp xúc thì như thấy thầy lặng lẽ, nhưng ai tiếp xúc với thầy rồi thì đều cảm thấy thầy cởi mở, gần gũi, điềm tĩnh và rất hóm hỉnh. Nghiêm túc, chu đáo nhưng không kiểu cách, thầy có lối nói chuyện giản dị, thân mật và đậm chất hài hước. Trong giảng bài, thầy là người có tính sư phạm cao. Các chuyên đề về ngữ pháp, về ngôn ngữ học đại cương, về ngôn ngữ tư duy vốn rất khó tiếp cận, do chỗ trừu tượng, khô khan, khó hiểu, song người nghe thầy Đức giảng đều rất hứng thú bởi thầy luôn có một cách diễn giải “dễ hóa”, bằng một lối nói từ tốn, đơn giản, nhẹ nhàng, “khẩu ngữ hóa” và “văn học hóa” những vấn đề lý luận cao siêu. Thỉnh thoảng thầy lẩy Kiều, vận thơ Đường hay dẫn ca dao, tục ngữ... rất hợp và tạo nên sắc thái riêng, sinh động cho những bài giảng trên lớp. Thầy phát biểu trước công chúng bao giờ cũng rất ngắn, gọn, nhiều thông tin và cảm xúc với một lối diễn đạt giàu cá tính.

Sắp bước vào tuổi 80, với nhiều người là đã yên tâm “rửa tay gác kiếm”. Còn thầy, đón tuổi sắp “thượng thọ” còn ý nghĩa hơn nhiều. Đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ học sinh đều biết cách đây đúng 3 năm (2019), thầy bị ốm rất nặng: Tắc sỏi ống mật, nhiễm trùng gan và máu. Thầy nằm hôn mê 28 ngày tại Bệnh viện Vinmec. Lúc đó, mọi người (kể cả các bác sĩ) cũng không tin là thầy sẽ qua khỏi (một giáo sư, bác sĩ phải lắc đầu: “Chúng tôi cứu được bệnh chứ khó cứu được mệnh!”). Ấy vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra. Thầy đã vượt qua bạo bệnh và trở lại với cuộc sống một cách ngoạn mục. Chỉ sau 6 tháng, thầy đã trở lại tiếp tục công việc bình thường: Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam... Thầy lại rong ruổi khắp 3 miền với công việc nghiên cứu và đào tạo. Tháng 6-2021, thầy được bổ nhiệm làm cố vấn cho Viện Việt Nam học kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Việt Nam học.

Đầu năm 2022, thầy cho in cuốn hồi ức “Từ làng tôi đến làng đại học-Những mảnh ghép từ miền ký ức” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội). Cuốn sách là một “tập đại thành” về con đường của thầy đến với mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với Ngôn ngữ học. Qua hơn 60 bài viết (kèm ảnh tư liệu), người đọc nhận ra gương mặt nhà khoa học Đinh Văn Đức từ thuở ấu thơ cho đến khi đã thành danh. Tôi có cảm giác “ngọn lửa” Việt ngữ học luôn cháy mãi trong con người thầy. Điều này làm cho chúng tôi, thế hệ học trò luôn coi đó là tấm gương sáng để noi theo.

GS, TS Đinh Văn Đức xứng đáng được coi là “chứng nhân lịch sử” khi đi qua và chứng kiến mọi bước thăng trầm, mọi sự trưởng thành của làng Việt ngữ học. Các thế hệ ngôn ngữ học nước nhà đều nhắc đến tên thầy với niềm kính trọng, yêu quý và thân thương. Với một người thầy, một nhà khoa học, thì đó chính là “tấm huy chương” xứng đáng nhất. Người cống hiến trọn đời cùng Việt ngữ học.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH