Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, không ai là không biết đến GS Nguyễn Tài Cẩn-nhà khoa học mà tên tuổi của ông đã vượt ra ngoài phạm vi của giới Việt ngữ học. Ông nguyên là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông sinh ngày 2-5-1926 (tức năm Bính Dần) trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, Nguyễn Tài Cẩn đã sớm bộc lộ tư chất thông minh trong việc tiếp thu chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Việt cổ. Ông là một trong những người có công xây dựng Bộ môn Ngôn ngữ học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từ đây xây dựng nên ngành ngữ học nước nhà.
Theo GS Cao Xuân Hạo: GS Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô (trước đây) về một báu vật vô giá: Lý thuyết âm tiết-hình vị (slogomorphema), lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại...
GS Nguyễn Tài Cẩn là một chuyên gia ngôn ngữ học am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực liên ngành, đặc biệt là Việt ngữ học, văn học và Hán Nôm. Ông là người thông thái các phương diện đồng đại và lịch đại trong nhiều địa hạt (ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự) và đã dành nhiều thời gian để viết các giáo trình, chuyên khảo (hơn 10 tác phẩm), trong đó, các tác phẩm chính là: "Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại" (1975); "Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng-Từ ghép-Đoản ngữ" (1975, 1977, 1996); "Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt" (1979, 2000); "Một số vấn đề về chữ Nôm" (1985); "Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt" (1995). Ông còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học xuất bản trong và ngoài nước, nhiều báo cáo khoa học ở các hội nghị khoa học quốc tế v.v..
Với những cống hiến của mình, GS Nguyễn Tài Cẩn đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ năm 2000 (cụm công trình về ngữ pháp và lịch sử tiếng Việt).
|
|
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (bên trái) và Giáo sư Đinh Văn Đức, năm 2010.
Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp |
Trở lại câu thơ "Bính Dần lòng đạo chẳng pha phôi”, GS Đinh Văn Đức muốn nói lên một điều: Thầy Nguyễn Tài Cẩn là một tài năng lớn, nhưng luôn giữ đạo làm người, trong đó có đạo làm thầy. Khi đã thành danh, GS Đinh Văn Đức (sinh năm 1944, năm nay đã 78 tuổi) vẫn không quên sự dìu dắt của thầy Cẩn. Thầy Cẩn không chỉ là thầy của ông mà còn là thầy của con gái ông-PGS, TS Đinh Kiều Châu, hiện cũng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có quá nhiều hồi ức để GS Đinh Văn Đức nhớ lại (qua 4 “Tiểu khúc về thầy tôi”, đã in trên tạp chí và sắp in thành sách): “Mùa thu năm 1985, tôi được nhà trường điều động về phụ trách Khoa Tiếng Việt (thay GS Hoàng Trọng Phiến). Thầy Cẩn ủng hộ tôi không phải vì chuyện quyền hành gì mà muốn tôi đem một tư duy mới của ngôn ngữ học về khoa thực hành tiếng mà lâu nay anh em ta chỉ có thói quen giảng dạy theo lối truyền thống. Thầy Cẩn nói: “Muốn thay đổi một phương pháp không dễ, cho nên cứ từ từ, làm được đến đâu thì chắc đến đấy”.
Đúng là GS Nguyễn Tài Cẩn đã có những kinh nghiệm vô cùng quý từ thực tế. Năm 1996, khi thành lập Khoa Ngôn ngữ học ở trường, thầy Cẩn rất vui, nhưng sau đó lại trầm ngâm nói với học trò: “Lập khoa là để lo nghĩ cách mà phát triển đào tạo và học thuật, gắng đừng để tụt hậu nhiều so với quốc tế, còn lập khoa mà chỉ để cát cứ hành chính thì rất không nên. Các anh phải luôn nghĩ đến sự liên thông, không chỉ giữa ngôn ngữ học với văn học mà cả với các chuyên ngành khác nữa và phải nghĩ xa, nghĩ dài hơi, có nhiều cái phải rất kiên trì mới mong thấy kết quả”.
Cái gọi là “lòng đạo” của GS Nguyễn Tài Cẩn là một triết lý giáo dục rất sâu sắc. Cũng theo GS Đinh Văn Đức, có một chuyện mà ông nhớ mãi. Đó là vào năm 1990, từ Paris, qua một mẩu thư ngắn gửi về, GS Nguyễn Tài Cẩn nhắc ông nên nghỉ quản lý để lo việc chuyên môn. Nói là làm ngay, GS Nguyễn Tài Cẩn đã giới thiệu học trò Đinh Văn Đức sang dạy ở Đại học Paris 7 (Pháp) để có cơ hội học hỏi thêm ở một đất nước có ngành ngôn ngữ học phát triển.
GS Nguyễn Tài Cẩn còn nhắn thêm: “Tôi chỉ đặt cho Đức viên đá đầu tiên thôi, còn sau đó thì anh phải tự mà lo nhé. Gắng chuẩn bị ngoại ngữ cho khá vào”. Nhờ thế mà GS Đinh Văn Đức đã có cơ hội học hỏi rất nhiều theo lời thầy dặn: “Cái đích thì không thay đổi còn lối để đi tới cái đích thì có thể tùy cơ”. Theo GS Đinh Văn Đức, ông rất thấm thía câu nói ấy và cho rằng: “Thầy Cẩn đã hành xử theo lối Nho giáo mang tinh thần mác-xít. Rất bài bản, rất đời, rất sâu sắc”.
GS Nguyễn Tài Cẩn về cõi người hiền vào ngày 25-2-2011. Ngẫm lại cuộc đời GS Nguyễn Tài Cẩn, các học trò của ông đều thấy con người thầy đúng là “Bính Dần lòng đạo chẳng pha phôi”.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH