Áo trấn thủ ra đời trong kháng chiến chống Pháp từ phong trào may áo rét cho chiến sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1946. Quân nhu Cục (nay là Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) được giao nhiệm vụ cùng các nhà may nghiên cứu, thiết kế ra kiểu áo vừa bảo đảm mặc mùa đông ấm áp, vừa thuận tiện trong quá trình hành quân, tiện lợi khi chiến đấu. Kiểu áo đó được gọi là áo trấn thủ.

Áo trấn thủ là một loại áo có lớp bên ngoài bằng vải, trong lót bông, đường khâu hình ô quả trám, ngắn đến thắt lưng, cổ khoét tròn, không tay, gồm có hai mảnh trước và mảnh sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai, dùng khuy hay dải buộc ở vai trái và mạng sườn trái; may sát người, gọn nhẹ, tiện lợi...

“Trấn thủ” là một từ Hán Việt. “Trấn” có nghĩa là “giữ gìn, làm cho yên”. “Thủ” cũng có nghĩa là “giữ”. Trấn thủ có nghĩa gốc là “giữ gìn bờ cõi”. Ca dao xưa từng có câu mô tả tình cảnh của người lính phải ngày đêm canh giữ biên cương, bờ cõi... của đất nước: "Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Ngày thì canh miếu tối dồn việc quan"...

Chính vì “trấn thủ” có chức năng “quốc phòng” như vậy mà thời phong kiến, nhà vua thường hay bổ một chức quan, gọi là “quan trấn thủ” có nhiệm vụ canh gác và trấn giữ những địa phương có vai trò xung yếu trong việc bảo vệ giang sơn đất nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta phải hoạt động, tác chiến trong núi rừng Việt Bắc và Tây Bắc. Những nơi này đều tiếp giáp với biên cương Tổ quốc. Áo trấn thủ là “đặc sản” trang phục của bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, với ý nghĩa cao cả là “giữ gìn giang sơn, bờ cõi” mà các chiến sĩ ta được coi là những người “trấn thủ”. Và có lẽ chính vì vậy mà chiếc áo chống rét mang tính dã chiến của các anh được đặt tên là “áo trấn thủ”.

Tham gia chiến trận năm xưa

Tấm áo trấn thủ vẫn chưa có sờn...

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH