Nguồn gốc câu thành ngữ là từ thời Xuân Thu (Trung Quốc), từng có vị quan viên tên Tử Hạ, anh ta rất mơ hồ về công việc cũng như tương lai của mình, bèn đến gặp thầy mình là Khổng Tử, hy vọng được thầy giúp đỡ. Gặp được Khổng Tử, Tử Hạ liền hỏi thầy: “Thưa thầy, làm sao để trị vì tốt một địa phương ạ?”. Khổng Tử nghe xong, nói với anh ta đại ý rằng, nếu con đã chọn con đường làm quan thì con phải biết kiên nhẫn, phải biết nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến, không được chỉ vì cái lợi trước mắt, nếu không cuối cùng chỉ có thể "dục tốc" mà "bất đạt", thậm chí mọi nỗ lực con bỏ ra trước đó đều đổ sông đổ biển.
Đến nay, lời dạy của Khổng Tử vẫn được lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong dân gian. Với nhịp sống bận rộn và nhanh chóng như hiện nay, ai nấy đều tất bật, vội vã lao vào công việc mà thường quên mất lý do xuất phát lúc ban đầu. Có người luôn nóng vội, ham cái lợi trước mắt trở thành “dục tốc" mà "bất đạt”, “ham lợi nhỏ mà việc lớn không thành”, cuối cùng cũng chẳng làm nên việc gì cả. Chi bằng hãy bắt đầu bằng cách bước từng bước chầm chậm mà vững chắc. Ổn định để suy nghĩ bước tiếp theo, chậm rãi để đạt thành công, đó mới là phương thức đúng đắn của cuộc sống. Một người chỉ khi không nóng vội thì tâm trí mới yên định, khi tích lũy đủ rồi thì tự khắc thành công sẽ đến.
CỬ NGUYỄN