CHỮ VÀ NGHĨA: Như nhịp trống ương ca...
Trong bài thơ “Đường sang nước bạn” của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1959, có đoạn:
Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn
Như mặt người tươi dãn những đường nhăn
Gót chân bước trên đường xanh nhún nhảy
Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!
Ở đoạn thơ này, có một từ mà nhiều người (trong đó có tôi) thắc mắc vì không rõ nghĩa, đó là từ “ương ca”. Bao nhiêu năm nay, tôi đọc câu thơ chỉ thấy “là lạ và hay hay”, mà không rõ là có một từ làm nên “cái là lạ, hay hay” đó xuất xứ từ đâu.
Cái khó là từ “ương ca” không xuất hiện trong các cuốn từ điển tiếng Việt từ trước đến nay. “Ương ca” là một từ Hán Việt. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đây là kết hợp của "ương" (chỉ một loại chim) với "ca" (có nghĩa là “hát”). Từ đó mà có thể suy ra “ương ca” là “tiếng hót của chim ương”(!). "Uyên ương", đó là đôi chim trời cùng họ với vịt (uyên: Đực, ương: Cái) sống không bao giờ rời nhau; thường được dùng trong văn chương để ví cặp vợ chồng đẹp đôi, gắn bó.
Nhưng thực tế nghĩa của từ này không phải như vậy. Tra trong các cuốn từ điển tiếng Hán thì thấy: Ương ca là “bài hát lao động trên cánh đồng khi gieo mạ...; một hoạt động dân ca và múa phổ biến ở các vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc, kèm theo đó là chiêng, trống, hình thức sinh động, đa dạng; hát và nhảy theo nhóm, hoặc biên đạo thành vở opera Yangko với nội dung câu chuyện (nào đó)”. Theo một số bài viết khác thì múa ương ca là một điệu múa dân gian. Nó đặc biệt thịnh hành ở vùng Liêu Đông (Trung Quốc). Đây là một điệu vũ tập thể, thường theo cặp đôi nam nữ, với trang phục rực rỡ hoặc ăn mặc bình thường.
Nhạc cụ phụ họa cho điệu múa ương ca có trống làm chủ đạo. “Trống ương ca” (trong câu thơ "Như nhịp trống ương ca, như biển ngời sóng chạy!") chính là nhịp trống phục vụ cho điệu múa ương ca.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH