Chẳng hạn, vị quan tòa nọ hay quan chức kia trót nhận tiền, ăn hối lộ của đương sự thì không còn dám mạnh tay. Nếu mà lên tiếng phê phán thì sẽ ở trong tình trạng “há miệng mắc quai”)...

Có khá nhiều cách lý giải về nguồn gốc, xuất xứ của thành ngữ này. Một số ý kiến cho rằng, quai ở đây chính là quai mũ, quai nón-vốn là dải dây buộc để giữ mũ, nón khỏi bay khi đội trên đầu. Khi làm việc hay đi đường, quai mũ thít chặt dưới cằm sẽ làm cản trở việc nói năng. Lại có ý kiến cho rằng, quai ở đây là quai gùi, quai giỏ... mà ngày trước người ta hay đeo trên lưng. Mặt trên của gùi có đan tấm phên che gọi là miệng gùi. Nếu mở không cẩn thận, cái miệng gùi này rất dễ bị vướng vào quai đeo. Lại còn có ý kiến cho rằng quai kia chính là quai hàm của con người ta. Nhiều khi do ăn uống không cẩn thận, hay do bị sưng má, thì việc há miệng ra rất khó do quai hàm hai bên bị vướng (sái quai hàm).

Có một hướng giải thích khá hợp lý và thú vị, liên quan tới bí mật quân sự thời trước. Đó là việc người ta thường đeo các hàm thiếc hay quai thiếc vào hàm ngựa để cố định dây cương và cũng để tướng sĩ có công cụ điều khiển ngựa chạy theo ý muốn. Khi cần hành quân trong đêm, tránh xảy ra hiện tượng ngựa phá bĩnh, hí lung tung làm lộ bí mật quân sự, người ta siết chặt các hàm thiếc của ngựa lại. Hàng ngũ tuần tự, người ngậm tăm, ngựa đeo quai, thế là lính và ngựa đều chịu, không nói năng gì được. Bởi người còn mải ngậm tăm, còn ngựa vừa há miệng ra đã mắc phải quai kia siết chặt! 

Sai mà chẳng dám nói sai
Đúng là há miệng mắc quai mất rồi.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH