QĐND - Xin được dùng câu kết bài thơ “Tiếng Việt” của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ sáng tác từ năm 1978 làm nhan đề bài viết này, là phức hợp tâm trạng của tôi trước hiện trạng tiếng Việt hiện nay và tấm tình của một người yêu nước.

Tiếng Việt, tiếng nói đầu đời của tất cả những đứa trẻ mang dòng máu Việt, sinh ra ở Việt Nam và kể cả nước ngoài-nếu cha mẹ nói với con bằng tiếng Việt từ khi bé còn trong bụng mẹ đến lúc ra đời. Tiếng Việt là môn học căn bản của học sinh từ cấp tiểu học. Không phải ai là người Việt Nam cũng thành thạo Quốc ngữ. Không phải cứ là nhà thơ, nhà văn là sành sỏi, giỏi ngôn ngữ chính vẫn sử dụng sáng tác. Học tiếng Việt, học ngữ văn đủ các cấp học, lên đại học lại có môn Tiếng Việt thực hành. Đã học một cách cẩn thận, ý thức bởi say mê văn chương, muốn theo nghiệp viết cả đời, vậy mà sau 20 năm cầm bút sáng tác, tôi vẫn nhận thấy: Để đạt đến độ giỏi tiếng Việt, vẫn còn xa!

Tiếng Việt trong đời sống hằng ngày chủ yếu là ngôn ngữ sinh hoạt. Hầu hết ngôn ngữ của các quốc gia trên thế giới đều có lớp, loại theo đối tượng sử dụng. Giai tầng xã hội, công việc, trình độ quyết định ngôn ngữ nói, viết. Hiển nhiên có một số rối loạn, ngụy tạo, biến ngôn ngữ thành lớp vỏ “biến hình”, song về căn bản thì ngôn ngữ toát lộ tâm tính mỗi người. Hình thành, tồn tại theo tiến trình tiến hóa và phát triển của nhân loại, một số ngôn ngữ thành “tử ngữ” hoặc ít sử dụng. Ngôn ngữ có tính tích hợp, chuyển biến. Nếu dung nạp và tính động liên tục, ngôn ngữ là sinh ngữ. Tuy nhiên, vẫn cần tiếng nói, ngôn ngữ chuẩn, cần có từ điển để định nghĩa và những viện nghiên cứu để tìm hiểu và minh định những giá trị, phái sinh của ngôn ngữ. Mọi biến thái, biến thể của ngôn ngữ có thể tăng thêm từ vựng, cũng có thể làm méo mó và mất đi vẻ đẹp vốn có.

Nhà thơ nước ngoài đọc thơ bằng tiếng Việt trong Ngày thơ Việt Nam năm 2015 tại Văn Miếu-Hà Nội. Ảnh: ĐỨC THỌ

Để in bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ trên Báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sửa câu kết Tiếng Việt xót xa tình thành Tiếng Việt ân tình. Hẳn là ân tình, nhưng Lưu Quang Vũ không viết chỉ để ngợi ca ân tình, ông viết về lịch sử tiếng Việt thác ghềnh bão tố theo lịch sử đất nước. Tiếng của dân tộc chịu bao cuộc xâm lược, những mất mát và khổ đau, liên tục gặp thách thức là thứ tiếng để ta xót xa, thương quý. Thứ tiếng ấy như bùn với sen thơm, như ngọc sáng: Ôi tiếng Việt như đất cày như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy…

Giờ đây, lửa đang cháy rừng câu hỏi: Tiếng Việt bây giờ ra sao?

Nước ta có Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, nhưng dường như cả Viện Hàn lâm lẫn Viện Ngôn ngữ học của chúng ta làm việc chưa hết hiệu suất, phát huy quyền lực của chức năng kinh viện, chuẩn mực và hình như các viện đang “đứng ngoài” (hay là bất lực?) trước sự xáo trộn và biến tướng hiện nay của tiếng Việt. Ngay ở lĩnh vực xuất bản, một số cuốn từ điển sai lạc, những cuốn sách từ “văn học mạng” dày đặc chửi thề, ngôn ngữ vỉa hè được bán rộng rãi, ô nhiễm môi trường sách chính thống, tác giả cũng chẳng bị trách nhiệm, trừng phạt, trả giá gì… ngoài một số tờ báo in và chương trình truyền hình thỉnh thoảng nhắc nhở, phê phán.

Tương lai thuộc về lớp trẻ, còn tương lai của tiếng Việt thì không thể để phát triển tự do vô tổ chức theo “fan/con nghiện facebook” sử dụng ngôn ngữ chat, thành quán ngữ. Kiểu nhắn tin sai chính tả, đánh tráo phụ âm như: “có j”, “tí nữa tôi wa”, không chỉ sử dụng lúc chat trên máy tính, điện thoại mà thành thường xuyên khi viết trên facebook với những comment bình luận đích thực là thảm họa của chính tả tiếng Việt. Số người dùng loại ngôn ngữ này ngày càng tăng từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng tới các phóng viên, biên tập viên, nhà văn, nhà báo. Đáng báo động hơn: Kiểu viết này phổ dụng thành ngôn ngữ đưa vào các email, văn bản. Thật khủng khiếp khi người ta có thể coi các bộ phận trên cơ thể là “hàng”. Từ “khoe hàng” đã thành cửa miệng của số đông, còn nhiều từ và câu trần trụi, tục tĩu lại là khẩu ngữ “cơm bữa”. Những tiếng lóng thiếu văn hóa ấy đáng sợ thay và nực cười thay đã được một số báo in, báo điện tử xuất bản trong các bài viết, thậm chí giật tít điềm nhiên. Những bài viết có tìm tòi, lao động ngôn từ có khi bị thờ ơ ngay từ khâu biên tập, chứ chưa nói ra đến công chúng. Lằn ranh, thước đo và tính chuẩn mực kinh điển lẽ ra phải được đưa là căn cốt để định hướng công chúng với chức năng giáo dục và thẩm mỹ của phương tiện đại chúng, của báo chí, văn chương… thì lại bị xem nhẹ, đặt dưới khả năng câu văn, gây sốc, cố ý tạo sóng, kích động tranh luận, hiểu lầm.

Với dân số 93 triệu, Việt Nam là quốc gia đông dân của châu Á và thế giới, song tiếng Việt chưa phải là thứ tiếng được xếp vào tốp các thứ tiếng được sử dụng nhiều trên thế giới. Văn chương Việt Nam muốn đưa tác phẩm đến với độc giả nước ngoài phải qua cầu dịch thuật. Nhưng ngay với độc giả trong nước, không ít “tác giả” đã khiến công chúng thất vọng. Một số cây bút mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng lại rất rối rắm về tiếng Việt, sử dụng ngôn ngữ dễ dãi, suồng sã như những danh hiệu tự phong. Những đứa trẻ học được gì khi phải nghe, phải đọc từ bé những thứ tiếng Việt ấy?

Tiếng Việt là ngôn ngữ, tiếng nói của tâm hồn Việt. Tôi không muốn dạy con tôi “Đất nước ta rừng vàng biển bạc”, mà sẽ nói cho con biết: “Đất nước ta còn nghèo, còn nhiều thua sút so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam có lịch sử hào hùng và có gia tài tiếng Việt. Tiếng Việt đẹp trong phát âm, có nhạc điệu bởi sáu thanh (không, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã). Lao động tiếng Việt rất cực nhọc, nặng nề mà đầy hứng khởi, kích thích khám phá mà mẹ luôn nỗ lực trau dồi và mong muốn góp phần bé nhỏ cho sự giàu đẹp của tiếng Việt”.

Tiếng Việt, đấy không chỉ là “suốt đời tôi mắc nợ” mà thuộc về tinh thần phù sa của dân tộc Việt Nam: Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất/ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người/ Như tiếng sáo, như dây đàn máu nhỏ… Có người cho rằng, viết bằng tiếng Việt sẽ hạn chế sự mở rộng thị phần và lượng người đọc quốc tế, nhưng tôi coi việc sáng tạo tiếng Việt là giá trị lao động nghệ thuật của một nhà thơ đích thực. Thơ, văn hay ngôn ngữ nói của tôi, bao giờ cũng cố gắng bồi bổ sinh ngữ. Đừng coi tiếng lóng, ngôn ngữ mạng là vô thưởng vô phạt, chẳng ảnh hưởng gì, nhất là các nhà văn. Mặc kệ, thờ ơ hoặc tham gia vào trào lưu ấy đều là đồng lõa với việc làm biến tướng méo mó tiếng Việt. Từ vựng không bất biến, nhưng nó không thể giàu lên bằng thứ ngôn ngữ được dùng trên các trang cá nhân, liên kết facebook mà tôi dù bị coi là kẻ lạc hậu, không “thời thượng” cũng dứt khoát không tham gia. Sự cực đoan ấy cũng là một thái độ bảo vệ tiếng Việt.

Tôi xót xa, thương và yêu tiếng Việt-nền tảng của mọi suy nghĩ, ý tưởng và sáng tạo. Sự thăng hoa tuyệt vời và kỳ diệu của tâm hồn qua tiếng Việt, chỉ những ai biết trọng văn chương nghệ thuật, vẻ đẹp của ngôn ngữ mới thấu cảm và may mắn có được!

Nhà thơ  VI THÙY LINH