QĐND - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", chúng tôi trân trọng giới thiệu ý kiến của các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ về giải pháp để mỗi công dân Việt Nam sử dụng tiếng Việt đúng cách, làm giàu tiếng Việt đúng hướng.
Nhà báo lão thành Phan Quang:
Cần xây dựng bộ luật ngôn ngữ
Báo chí nước ta có công đầu trong việc hoàn chỉnh, nâng cao, lan tỏa tiếng Việt, đã cùng với giáo dục đặt nền móng quốc văn, tạo môi trường xây dựng văn học Việt Nam hiện đại. Thời hội nhập, với sự bùng nổ thông tin, giao lưu tiếp biến văn hóa ngày càng sâu rộng thì báo chí, truyền thông nước ta bên cạnh mặt tích cực vẫn được duy trì, lại có "công đầu" trong việc tiếp nhận hỗn tạp, xô bồ tiếng nước ngoài, làm giảm sút sự trong sáng của tiếng Việt, dẫn tới nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia.
Một khi việc dùng tiếng Việt lai tạp, thái độ chưa quan tâm giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ đã trở thành một thực tế “mang tính quần chúng” trong sinh hoạt xã hội thì những lời khuyên bảo, chê trách, nhặt sạn đều đáng quý song ít mang lại hiệu quả. Cần đáp lại bằng một cuộc vận động “mang tính quần chúng” thuyết phục mọi người dùng tiếng Việt đúng cách, làm giàu tiếng Việt đúng hướng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị-xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng mới mong từng bước đẩy lùi vấn nạn. Không thể bằng cấm đoán, mà thông qua phản biện, hướng dẫn, phân tích có lý có tình kèm theo một số ràng buộc nghề nghiệp cụ thể tại mỗi cơ quan báo chí-truyền thông, mỗi công sở, công ty, tạo thành thói quen tốt thì mới hy vọng sửa đổi cái tệ “nói chữ” pha Tây, pha Mỹ, pha Tàu ngày nay.
Cuộc vận động ấy tiến hành trên cơ sở pháp lý nào? Chúng ta có Hiến pháp 2013, có các Bộ luật Dân sự, Hình sự, có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ... cùng không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ. Nhưng Luật ngôn ngữ chuyên ngành thì chưa. Thế giới hiện có hơn một nghìn bộ luật ngôn ngữ. Những quốc gia có đặc trưng lịch sử-xã hội không đơn giản như Hoa Kỳ, Ấn Độ ban hành nhiều luật ngôn ngữ đã đành, một trăm mấy chục quốc gia lớn nhỏ khác đều đã có luật. Đúng là nước ta không có vấn đề bức xúc, va chạm ngôn ngữ do lịch sử để lại như một số nước, nhưng ban hành Luật ngôn ngữ đâu chỉ điều chỉnh mỗi câu chuyện ấy.
Tôi nghe nói việc ban hành Luật ngôn ngữ nước ta đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện, chủ yếu do chúng ta quá bận trước nhiều công việc khẩn thiết. Nhớ lại 50 năm về trước, mùa hè năm 1966, chiến tranh leo thang ác liệt, máy bay Mỹ phóng tên lửa vào một số vị trí “nhạy cảm” tại Thủ đô với ý đồ cảnh cáo Việt Nam và thăm dò thái độ quốc tế. Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” được tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự và phát biểu. Hôm sau, các hãng thông tấn phương Tây đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, Bộ Tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ”.
GS, TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học:
Chuẩn bị để tiếng Việt hội nhập
|
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bao gồm rất nhiều vấn đề khác nhau, với nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nên trong 50 năm qua, đã có nhiều hội thảo chuyên sâu, nhiều công trình nghiên cứu bàn về những vấn đề khác nhau của công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Năm 1999, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có bài viết “Trở lại vấn đề giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông đặt vấn đề giữ gìn bản sắc và phát triển tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập và cho rằng tiếng Việt phải có những chuẩn bị để có đủ thế và lực giao lưu, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà không sợ bị tổn thương đến giá trị, bản sắc, đến sự giàu đẹp của nó. Ông cũng nhận xét mang tính phê phán những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt; lên án một cách nghiêm khắc hiện tượng xấu ở các thành phố cho phép các loại quảng cáo, biển hiệu cửa hàng, công ty, khách sạn… bằng chữ nước ngoài, thậm chí không cần chữ Việt. Theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những biện pháp cần thực hiện là chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học; chấn chỉnh việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử; tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách ngữ pháp và từ điển; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ; tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ năm 1975 đến nay.
GS, TS Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Khang:
Cần có tổ chức chăm lo sự trong sáng của tiếng Việt
|
Sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện nay có một số điểm đáng chú ý. Trước hết là phải tiếp tục công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Truyền thông có vai trò định hướng thông tin, trong đó có cả sự định hướng về sử dụng ngôn ngữ. Nói cách khác, phải coi việc định hướng sử dụng ngôn ngữ là một nhiệm vụ hàng đầu của phương tiện truyền thông. Vì thế, truyền thông cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong sử dụng để lan tỏa ra toàn xã hội. Một nội dung trung tâm về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là chuẩn hóa tiếng Việt. Nếu nội dung tiếng Việt được chuẩn hóa thì sẽ được các phương tiện truyền thông tuân thủ, sử dụng thống nhất, sẽ định hướng cho toàn xã hội theo đó sử dụng. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước. Điều này phù hợp với lý thuyết chính sách ngôn ngữ: Chuẩn hóa ngôn ngữ là công việc của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng đóng vai trò quyết định là Nhà nước, Nhà nước vừa có quyền, có trách nhiệm và có kinh phí.
Chuẩn hóa ngôn ngữ không phải nhất thành bất biến mà chỉ mang tính giai đoạn với cách nhìn “lỗi của hôm qua trở thành chuẩn hôm nay và lỗi hôm nay sẽ là chuẩn của ngày mai” (Claude Hagirge). Lý thuyết về chuẩn hóa của ngôn ngữ học hiện đại đã thay đổi, chuẩn hóa quy phạm luận đã lùi vào quá khứ và được thay thế bằng chuẩn hóa theo hướng lựa chọn. Đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết có một bộ luật ngôn ngữ quốc gia tiếng Việt ở Việt Nam. Xét về lý thuyết thì những vấn đề của tiếng Việt sẽ được giải quyết sau khi có bộ luật này. Tuy nhiên, vẫn có cách làm khác là từng bước chuẩn hóa những hiện tượng ngôn ngữ tiếng Việt đã có đủ điều kiện có thể chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc từng bước tiến tới xây dựng Luật Ngôn ngữ. Cách làm này khả thi hơn và đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội cũng như các phương tiện truyền thông. Thậm chí, nhiều khi quy định có thể có rồi, nhưng từ quy định đến thực hiện là một khoảng cách. Ví dụ, quy định về ngôn ngữ trong Luật Quảng cáo với thực tế ngôn ngữ trên các biển quảng cáo hiện nay. Cho nên, cần có một tổ chức đứng ra chăm lo việc này.
Nhà văn Trác Diễm:
Ngôn ngữ trẻ đang bị ô nhiễm
|
Ngay từ nhỏ tôi đã được nghe câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Chủ đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nhiều năm qua dù có lúc ồn ào, có lúc lặng lẽ nhưng chưa bao giờ giảm sức nóng. Trước sự phát triển năng động của cuộc sống, tiếng Việt cũng phải mở rộng, phải phát triển vốn từ bằng nhiều cách như vay mượn ngôn ngữ nước ngoài hay sự sáng tạo từ những yếu tố tiếng Việt đã có để làm phong phú và đa dạng thêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng. Sự "tăng trưởng nóng" của tiếng Việt thời gian gần đây đã thể hiện những yếu tố tiêu cực, lai căng, chuộng lạ, thích dùng từ lóng, thích được thể hiện cá tính của giới trẻ. Và ta dễ dàng bắt gặp vấn đề này trong các chương trình giải trí, tin nhắn điện thoại, trên trang facebook, zalo… Ví dụ như: "Ồ, thật Gato (Ghen ăn tức ở) quá đi thôi"; "Tềnh iu khỏe hơm?"; "for you nè"; "G92U!" (Chúc bạn ngủ ngon!); "Bùn như con chùn chùn" (Buồn như con chuồn chuồn); "Ghét như con bọ chét"; "vk nhớ ck mún chớt" (Vợ nhớ chồng muốn chết); "bó tay.com"; "3 khỏe k?" (Ba khỏe không); "Đất H20" ( Đất nước); "Thật Ugly - tiger quớ" (thật xấu hổ quá)... Phải nói rằng rất, rất nhiều những ngôn từ, câu chữ được sử dụng một cách bừa bãi, vô nghĩa, thậm chí trở thành một thói quen sử dụng luôn trong bài thi, bài kiểm tra, trong các văn bản… Đừng coi đây là một sự sáng tạo, vì nó không những làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt mà sẽ đi ngược lại với những đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục, làm mất đi nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sự hỗn loạn, ô nhiễm trong đời sống ngôn ngữ.
Hội nhập nhưng đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ. Đó là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng ai.
Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền:
Chống bệnh "sính ngoại"
Một xu hướng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt đó là việc sính ngoại ngữ. Một câu nói có cả tiếng Việt pha với tiếng nước ngoài bây giờ đang trở nên phổ biến. Hiện tượng này khá phổ biến trong các đối tượng, tầng lớp xã hội, khiến cho sự tồn tại của một số từ nước ngoài trong câu nói tiếng Việt như thể nó là tiếng Việt vậy. Ví dụ như “tuổi teen”, “fan hâm mộ”, “ok”... Trên trang cá nhân của những người nổi tiếng thì hiện tượng này phổ biến hơn cả, ví dụ như: “Thanks cả nhà hôm nay đã về team của em”, “Hôm nay, on air lúc 20h, mọi người đón xem nha!”, “Hôm nay quá happy vì các fan quá crazy”, “Buổi shooting sẽ on air và mình sẽ livestream cho các fan thân yêu lúc 20h nha"... Đó là người của công chúng, của thần tượng, của giới trẻ nên đương nhiên phong cách ăn nói, ăn mặc… sẽ là tác động đầu tiên đến công chúng trẻ tuổi.
Thậm chí, xu hướng này đang lây nhiễm sang cả những người cầm bút, những người làm báo viết, báo hình… Thật không khó để nhìn thấy lỗi khi đọc sách báo hay xem ti vi hằng ngày. Các cơ quan thông tin đại chúng hơn ai hết là nơi cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bởi truyền thông không chỉ phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… mà còn góp phần vào việc xây dựng, định hướng xã hội. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan nào mà còn là trách nhiệm của từng người con đất Việt.
THANH THẢO – NHƯ QUỲNH (lược ghi)