Sách xưa có câu chuyện mẹ hiền dạy con kể rằng, khi nhà thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo về nhà cũng nô nghịch, bắt chước cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy vậy bảo: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được!”. Bà bèn chuyển nhà đến ở gần trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách cắp vở, về nhà cũng bắt chước cắp sách vở, học tập lễ phép, chuyên cần. Bà mẹ bấy giờ mới vui lòng: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây!”.
Như vậy, cái “nợ” ở đây không đơn thuần là cái nợ về tiền bạc, hay về vật chất mà là cái nợ đời! Cái nợ về sự phát triển nhân cách đạo đức, lối sống... Bởi vì chợ là nơi trao đổi hàng hóa, là nơi “tranh mua tranh bán”, nơi hay xảy ra nạn “buôn gian bán lận”, nơi giá trị đồng tiền được đặt lên trên hết. Đồng thời nó cũng là nơi tụ tập của không ít thành phần xấu như móc túi, trộm cắp... Mà trẻ em là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, chúng rất nhạy cảm với cuộc sống và chưa đủ để ý thức được những hành động của mình.
Vì thế, chúng dễ dàng a dua, bắt chước theo những gì chúng quan sát được. Sớm để trẻ tiếp xúc với môi trường phức tạp như thương trường, chợ búa thì chắc hẳn đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, không phải ai cũng thế. Nhưng với những nơi ồn ã, phức tạp, gần với chuyện tiền bạc và theo đó là sự thiếu trung thực thì nguy cơ ảnh hưởng xấu tới nhân cách mỗi người là rất lớn. Chuyện "Tư cách Mõ" của Nam Cao là bài học thấm thía về "hoàn cảnh xô đẩy tạo nên tính cách con người"...
Dân gian ta có câu “Ở chọn nơi, chơi chọn bạn”. Để có một thế hệ tương lai trong sáng về nhân cách và để “già (được) cậy con” thì ngay từ khi trẻ còn nhỏ phải có ngay sự quan tâm săn sóc, giáo dưỡng cho trẻ khôn lớn nên người.
Chọn nơi, chọn bạn mà chơi
Cho ta khôn lớn nên người hôm nay...
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH