Chuyện kể rằng, ở vùng Kinh Bắc xưa có cậu học trò được bố mẹ gửi tới nhà một thầy đồ để học. Cậu bé mặt mũi sáng sủa, dáng thư sinh. Tuy nhiên, vốn quen được nuông chiều nên cậu chẳng chịu học hành gì. Mặc bố mẹ nhắc nhở, thầy đồ dạy dỗ, nhưng cậu vẫn rất ham chơi, đàn đúm cùng lũ bạn... Vậy nên, hơn một năm ở nhà thầy mà cậu chẳng học được một chữ gì.
Một sớm nọ, khi mặt trời đã lên nửa con sào, cậu học trò mới dậy. Cậu nhìn thấy thầy đồ đang cho gà ăn. Cậu rất ngạc nhiên khi thấy một đàn gà to lộc ngộc đang tranh nhau mổ ngô, mổ thóc... Cậu rụt rè hỏi:
- Thưa thầy, đàn gà này thầy mới mua đấy ạ? Hồi mới đến đây con đâu có thấy...
- Đây chính là đàn gà mới nở tháng trước nhà thầy đó. Con thấy nó lớn nhanh chưa?
- Dạ, nhanh lắm ạ. Nhà con có nuôi cả gà, vịt nhưng nó chậm lớn lắm ạ.
- Đấy, con thấy không? Không ăn thì mẻ cũng chết. Người ta cũng vậy thôi. Phải ăn uống điều độ, đầy đủ thì mới mong có dáng vóc cao lớn, khỏe mạnh. Cũng như môn sinh các con, muốn khôn ngoan, hiểu biết hơn người thì phải chịu khó học, chứ mải mê thả diều, đánh đáo thì bao giờ mới thông minh, giỏi giang được? Con người ta phải chịu khó, “ăn lấy vóc, học lấy hay” (ăn uống để có sức vóc khỏe mạnh, học để có thêm tri thức, hiểu biết) con ạ. Con không chịu đi thì không đến được đâu...
Cậu học trò ngồi lặng im trước lời thầy nói. Từ đó, cậu trở nên chịu khó, chăm chỉ học hành. Nhờ thế mà cuối khóa ấy, cậu đỗ đầu trong kỳ thi xứ Kinh Bắc.
Câu "Ăn vóc học hay" trước tiên là một bài học cho chúng ta về việc ăn uống dưỡng sinh, nhưng xa hơn là bài học tu dưỡng học hành để thành người có ích cho gia đình và cho xã hội:
Học ăn chẳng dễ lắm đâu
Học chữ cố gắng bền lâu mới tài...
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH