QĐND - Tôi có may mắn được gặp ông một lần. Ấy là lần làm báo Tết năm 2000, khi ông vừa nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt.
Sinh năm 1926, đến năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã “bước sâu” vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sức khỏe ông không thực sự tốt, nhưng ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là đôi mắt. Dù cử chỉ đã nhuốm màu thời gian, nhưng đôi mắt giáo sư vẫn ánh lên thần thái mạnh mẽ. Ông không kể nhiều về những thành tựu của mình, mà trò chuyện chủ yếu về những kỷ niệm vui thời “trai tráng”. Để rồi, sau này, càng tìm hiểu về ông, tôi càng kính phục một con người tri thức uyên thâm nhưng có lối sống giản dị vô cùng.
“Bậc đàn anh của Việt ngữ học”
Đó là “biệt danh” của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được Giáo sư Cao Xuân Hạo “phong tặng”. Biệt danh ấy có lẽ đã đủ để “gói gọn” những cống hiến của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho sự nghiệp ngôn ngữ Việt và làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ thế giới.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh ra trong một gia đình nhà Nho nổi tiếng ở huyện Thanh Chương, Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An). Ông là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô học vào thập niên 1950, trở thành nòng cốt cho nền khoa học nước nhà sau này.
Là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Liên Xô (trước đây), ông trở thành giáo sư. Các công trình của ông nhằm giải quyết những vấn đề về ngữ pháp, ngữ âm tiếng Việt, về nguồn gốc và cách đọc Hán-Việt, về chữ Nôm, văn bản “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Hoa tiên”, “Thu dạ lữ hoài ngâm”… Ông từng được mời đến giảng dạy tại Nga, Mỹ, Pháp, Nhật…
Trong số các công trình của ông, “nổi tiếng” hơn cả là công trình “Lịch sử ngữ âm tiếng Việt”, xuất bản năm 1995, chỉ vẻn vẹn 350 trang sách. Ông khiêm tốn gọi đó là “sơ thảo”. Nhưng thật ra, đó là một công trình lớn, có tính chất mở đường. Để viết giáo trình ấy, ông đã phải tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ bà con gần xa như các thứ tiếng: Nguồn, Pọng, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A-rem, Thà Vựng, Pa-ka-tan, Phon Soung, Khạ Phong… Về ngữ âm tiếng Việt thế kỷ 17, cứ liệu Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sử dụng trước hết là cuốn “Từ điển Việt-Bồ-La” của A-lếch-xăng-đrê đờ Rốt (Alexandre de Rhodes) in năm 1651 ở Rôm (Rome), I-ta-li-a (Italia). Đi ngược lên thế kỷ 15-16, ông tham khảo tài liệu “An Nam dịch ngữ”, một danh sách hơn 700 mục từ tiếng Việt được người Trung Quốc dịch nghĩa và phiên âm qua chữ Hán để dùng trong ngoại giao. Ngược dòng thời gian xa hơn nữa, thì cứ liệu quan trọng nhất là hệ thống ngữ âm ở các vùng thổ ngữ Mường. Cách đây khoảng 1.200 năm, Việt và Mường cùng dùng chung một tiếng. Những nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và các học trò của ông như Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài giúp cho những ai yêu tiếng Việt hiểu tiếng Việt sâu xa hơn và nhờ vậy, dùng tiếng Việt cẩn trọng hơn, chính xác hơn.
Cùng công trình “Lịch sử ngữ âm tiếng Việt”, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn có hàng trăm công trình gây được tiếng vang trên thế giới. Trong đó, có một công trình đặc biệt nhiều ý nghĩa với người Việt. Đó là bộ ba “Tư liệu Truyện Kiều”.
Xét trên bình diện văn bản tác phẩm Nôm thì xưa nay không có hệ thống văn bản nào phức tạp bằng hệ thống văn bản “Truyện Kiều”. Bắt đầu từ những gợi ý về mặt nghiên cứu văn bản và từ ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã đi sâu nghiên cứu vấn đề văn bản và ngôn ngữ "Truyện Kiều" theo hướng “tầm nguyên”, đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”. Ông đã khảo sát cặn kẽ, chi li 9 bản Kiều" ở thế kỷ 19, gồm 7 bản Nôm là: “Duy Minh Thị” (1872, 1879), “Liễu Văn Đường” (1871), “Quan Văn Đường” (1879), “Thịnh Mỹ Đường” (1879), “Lâm Nọa Phu” (1870), “Kiều Oánh Mậu” (biên tập cuối thế kỷ 19, xuất bản năm 1902), một bản nửa Nôm nửa Quốc ngữ của A-ben đét Mi-xen (Abel des Michels-1884) và một bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (1875). Khảo sát kỹ lưỡng một số văn bản Kiều Nôm cổ, Nguyễn Tài Cẩn phát hiện vết tích kỵ huý thời Lê-Trịnh. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” vào thời kỳ Tây Sơn, trong “mười năm gió bụi”, chứ không phải sau khi đi sứ Trung Quốc trở về.
Đến năm 2002, cuốn chuyên khảo đầu tiên về bản “Duy Minh Thị 1872” được ra mắt bạn đọc. Năm 2004 và 2008, hai cuốn chuyên khảo tiếp theo ra đời, tạo thành một bộ ba công trình nghiên cứu văn bản và từ ngữ "Truyện Kiều" mà người ta có thể dễ dàng nhận ra kể cả khi chúng không được dán nhãn “made by Nguyễn Tài Cẩn”. Đây chính là một xu hướng nghiên cứu quan trọng cần triển khai trong ngành “Kiều học” thế kỷ 21 mà người đặt những viên gạch nền tảng, không ai khác, chính là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
|
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (giữa) và bà Nô-na Xtan-kê-vích (bên phải). Ảnh tư liệu
|
Nàng “dâu Tây” Việt hóa
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã nổi tiếng từ khi còn công tác ở Trường Cao đẳng Sư phạm khu Bốn thời kháng Pháp. Ông được kết nạp Đảng từ năm 1949, từng làm trợ lý đại học rồi làm Trưởng phòng Giáo dục từ những năm miền Bắc chưa giải phóng. Sau năm 1954, ông được cử đi làm chuyên gia dạy tiếng Việt ở Lê-nin-grát (nay đổi lại tên cũ là Xanh Pê-téc-bua), Liên Xô (trước đây). Tại đây, ông làm quen và yêu cô sinh viên người Nga rất thích học và nghiên cứu tiếng Việt. Đó là cô nữ sinh Nô-na Xtan-kê-vích, sau này là một trong các nữ phó tiến sĩ đầu tiên về Ngôn ngữ học của Việt Nam và là một chuyên gia đầu ngành về môn Loại hình học.
Bà Nô-na Xtan-kê-vích sinh ra trong một gia đình quý tộc Nga. Thời sinh viên, duyên phận đã khiến bà gắn bó với việc nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. Sau những lần được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giúp đỡ để hiểu hơn về sự phong phú của tiếng Việt, Nô-na đã bắt đầu yêu người đàn ông Việt Nam nhỏ bé, gầy gò, nhưng có kiến thức uyên thâm ấy. Để rồi khi ông về nước, bà đã tình nguyện theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, cùng ông nên vợ nên chồng vào giữa những năm đất nước Việt Nam chìm trong bom đạn ác liệt của chiến tranh. Về Việt Nam, bà đã cùng ông giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp và trở thành một vị giáo sư được nhiều thế hệ học trò ở Khoa Ngữ văn yêu mến.
Câu chuyện “dâu Tây” thời ấy là một hiện tượng vô cùng lạ lùng. Khi theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về Việt Nam, bà Nô-na thường cùng chồng về quê hương Nghệ Tĩnh của ông. Những lần đầu về, dân làng xung quanh ai cũng xúm đến quanh nhà để được tận mắt xem một “cô dâu Tây”. Cuối cùng, tất cả những người dân trong làng đều ngạc nhiên vì thấy bà-một phụ nữ người Nga-nhưng lại ăn vận như một phụ nữ Việt, nói tiếng Việt đúng với giọng nói của người xứ Nghệ. Bà cũng khiến họ hàng của ông “tâm phục khẩu phục” khi nấu tất cả những món ăn Việt từ nem rán, đến cá kho, thịt kho, món nào cũng ngon, cũng khéo như bất cứ người phụ nữ Việt đảm đang nào khác.
Bà Nô-na còn có “biệt tài” nhớ họ hàng. Dòng họ Nguyễn Tài ở Thanh Chương là một dòng họ Nho học lâu đời, có truyền thống và rất đông con cháu, nhưng bà Nô-na nhớ từng người bác, người chú, từng người cô, người dì, từng anh chị em, cháu chắt trong dòng họ ấy. Sau này, khi đã về Nga sinh sống, thỉnh thoảng, có người cùng quê sang chơi, bà vẫn hỏi cặn kẽ từng người trong gia đình, họ hàng của chồng ở Việt Nam. Bà còn biết tường tận phong tục tập quán của người Việt, biết từng thủ tục cầu kỳ trong nghi lễ ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ. Chính những tính cách, lối sống giản dị và hòa đồng của bà với người dân quê chồng đã khiến cho hết thảy những thành viên trong họ Nguyễn Tài ở Nghệ Tĩnh đều yêu mến bà và coi bà như một cô dâu quý của dòng họ.
Không chỉ khiến họ hàng ở quê chồng “ngả mũ”, bà Nô-na còn nổi danh trên giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà luôn khiến những học trò “tròn mắt” vì sự am hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của mình, khiến họ thêm yêu ngôn ngữ ấy bằng chất giọng dịu dàng, uyển chuyển mỗi khi đứng trên bục giảng. Những học trò đã từng được bà dạy còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện của bà, câu chuyện nào cũng thấy bà hòa đồng, gần gũi và yêu thương sinh viên. Ngày đó, hai ông bà sống trong một căn nhà nhỏ ở gần chợ trời. Lối vào nhà ông bà đi qua một cái sân nhỏ có trồng một cây ngọc lan sum suê cành lá. Vào những ngày hè, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vẫn thường ngồi đó uống nước, bên chiếc bàn gỗ tự đóng rất vụng về của mình và tiếp chuyện học trò đến thăm và xin được chỉ dạy. Bà Nô-na rất yêu hoa ngọc lan và cũng nổi tiếng với tính cách lãng mạn. Bà thường thu lượm những bông hoa ngọc lan ấy để đem tặng mọi người xung quanh. Ngày ấy, không có phong bì thư sẵn như bây giờ. Bà lấy giấy báo tự cắt dán thành những cái phong bì nho nhỏ, xinh xinh, rồi để vào đó một bông hoa ngọc lan đem tặng bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Vào mùa hoa ngọc lan nở, hầu như buổi nào lên lớp giảng dạy, mỗi học trò trong lớp đều được bà tặng một bông hoa ngọc lan gói cẩn thận trong chiếc phong bì làm bằng giấy báo ấy. Món quà giản dị, khiêm nhường, nhưng là tấm lòng thơm thảo của cô giáo người Nga với những học trò nước Việt.
HÀN NGỌC LAN