Thi thoảng, trên các trạm biến thế, tủ điện, kho chứa vật liệu nổ hay các xe cấp cứu ngoài đường, người ta cũng viết chữ SOS (kèm theo dấu chấm than (!) để cảnh báo...
Vậy từ đâu mà có 3 ký tự này? Đầu tiên, SOS là tín hiệu của ngành hàng hải, phát bằng vô tuyến điện báo (morse) hoặc bằng một cách truyền tin nào đó. Rất đơn giản, nhưng lại mang ý nghĩa khẩn cấp, chỉ sự tình ai đó gặp nguy hiểm, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những thủy thủ đi biển thường gặp nhiều rủi ro, như: Bất ngờ tàu đâm phải đá ngầm, gặp dông bão làm chìm thuyền, bị cướp biển hay kẻ địch tấn công. Tất cả tình huống đó đều cần sự trợ giúp ngay lập tức.
SOS là viết tắt của 3 từ tiếng Anh: Save Our Ship, có nghĩa là "Hãy cứu lấy thuyền (tàu) chúng tôi". Cũng có người cho rằng, đó là tổ hợp từ Save Our Souls (Hãy cứu lấy linh hồn chúng tôi). Nhưng dù hiểu theo cách nào thì SOS cũng là một thông điệp ngắn gọn, quen thuộc tới mức ai nhận được cũng phải lập tức tìm mọi cách cứu giúp đối tượng đang kêu cứu.
Quy ước tín hiệu SOS được đề xuất lần đầu tiên tại Hội nghị quốc tế về liên lạc điện tín trên biển ở Berlin (Đức) năm 1906, được cộng đồng quốc tế phê chuẩn năm 1908 và từ đó được sử dụng rộng rãi.
Trong tiếng Việt hiện nay, ngoài ý nghĩa "cứu giúp khẩn cấp" trên, SOS còn được sử dụng trong những trường hợp chỉ tình huống khẩn thiết trong đời thường, cả trên biển cũng như trên đất liền. Báo chí cũng giật tít để gây sự chú ý về hiện tượng nào đó cần lưu ý: "Ô nhiễm sông Thị Vải: SOS", "Tai nạn do lái xe uống rượu bia: SOS", "Vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan: SOS"... Người ta còn dùng 3 ký tự này để đặt tên cho các địa danh, dịch vụ: "Làng trẻ em SOS", "Phòng khám SOS", "Xe cấp cứu SOS"... Vậy là, SOS đã đi từ điện tín đến đời thường, trở thành một từ mới, mang nghĩa chung là “khẩn cấp, chí nguy”.
Ba chữ đơn giản thế thôi
Có ai tận cuối chân trời chí nguy!
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH