Nhà nông vốn vất vả quanh năm nhưng cũng có lúc nông nhàn, ít việc (chưa đến mùa, trời mưa gió, rỗi rãi...). Cũng có lúc tất bật “nông vụ chí kỳ”, nhất là vào các vụ cày, vụ cấy, vụ gặt... Vụ nào cũng vậy, nhà nông phải dậy “còn đêm tối đất” và đến khi mặt trời xuống núi rồi vẫn còn phải tất tả ngoài đồng (miễn là còn ánh sáng trời, tranh tối tranh sáng, nhá nhem nhưng còn đủ cho việc làm lụng). Đúng là cảnh “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. “Cơm cày cơm cấy, ai thấy thì ăn” là câu tục ngữ phản ánh phần nào sự vất vả đó.
Tác giả Nguyễn Đức Dương (trong "Từ điển Tục ngữ Việt", NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này là: “Cơm dành cho thợ cày, thợ cấy ấy mà, ai đói thì hãy sà vào mà ăn (chứ đâu phải cao lương mỹ vị gì mà đòi phải có mâm bát tử tế)”.
Ở nhiều nơi, vào vụ cày cấy hay thu hoạch lúa (vụ chiêm, vụ mùa), vì đồng xa, cũng vì tranh thủ thời gian làm ngoài đồng (chạy mưa hay tận dụng trời nắng ráo), người ta thường tổ chức các “bữa ăn đầu bờ”. Một đội ngũ “hậu cần” sẽ lo nấu cơm canh, nước uống ở nhà rồi gánh ra cánh đồng. Người ta dọn cơm dưới bóng cây, trong lều dựng tạm, hay là ngay trên các bờ vùng, bờ khoảnh. Các tốp thợ cày, thợ cấy, thợ gặt hễ tranh thủ nghỉ chặng nào thì mau mau đến lấy bát mà xới cơm ăn. Không có cảnh dọn mâm bát thịnh soạn, đủ đầy.
Không có nghi thức mời chào kiểu cách. Không có lối ăn giữ ý hay khách sáo. Thức ăn trong bữa cơm cũng chẳng cầu kỳ. Canh nấu “đại trà” bằng nồi to, đựng vào thùng. Ai ăn cứ vục muôi, vục bát mà múc. Có thể ngồi trên bãi cỏ, bên bờ ruộng kê tạm bằng mấy mô rạ hay đứng ăn giữa trời nắng và đôi khi hứng cả những giọt mưa bất ngờ rơi vào bát. Ăn cơm kiểu “dã chiến” như thế rất phổ biến ở nông thôn miền Bắc thời trước, nhất là trong thời kỳ chiến tranh (khi mô hình sản xuất tổ đổi công, hợp tác xã là phổ biến):
Giữa đồng thợ cấy, thợ cày
No lòng một bữa cơm này ban trưa.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH